Kiềm chế biến đổi khí hậu sẽ giữ cho GDP toàn cầu không bị trượt dốc

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM) diễn ra từ ngày 28-31.3 tại Bali, Indonesia đã tổ chức hội thảo cấp cao với chủ đề 'Điều chỉnh chính sách để thích ứng với biến đổi khí hậu'.

Hội thảo nhằm hỗ trợ các quốc gia trên thế giới thúc đẩy phát triển bền vững, một trong những mục tiêu kinh tế ưu tiên (PED) của Indonesia trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm nay.

Phát biểu tại sự kiện, Thống đốc Ngân hàng Indonesia Perry Warjiyo cho biết, các ngân hàng trung ương đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng khuôn khổ chuyển đổi tài chính xanh, đề cao tính minh bạch và bền vững, cũng như xây dựng các chính sách và cơ chế hướng tới mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng không để hạn chế biến đổi khí hậu.

Ông nhấn mạnh, các nước ASEAN cần hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình chuyển đổi xanh, trong đó vai trò của các ngân hàng trung ương không chỉ là thúc đẩy mà còn thực hiện tài chính xanh, đặc biệt là thông qua cấp vốn cho quá trình chuyển đổi.

“Nếu không có chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu, GDP toàn cầu có thể thấp hơn từ 11 đến 14% vào giữa thế kỷ này, vì vậy tác động là rất nặng nề và tốn kém”, ông cảnh báo.

Thống đốc Ngân hàng Indonesia Perry Warjiyo phát biểu tại cuộc tọa đàm của ASEAN hôm 30.3. Nguồn: Antara

Do đó, ông cho biết, Indonesia, trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2023, tiếp tục thúc đẩy chương trình nghị sự về chuyển đổi khí hậu, hướng tới một nền kinh tế xanh hơn và toàn diện hơn thông qua ba khía cạnh:

Khía cạnh đầu tiên là các chính sách mạnh mẽ và ý chí chính trị từ chính quyền.

Khía cạnh thứ hai là cung cấp một khuôn khổ rõ ràng cho quá trình chuyển đổi và cải thiện khuôn khổ tài chính. Theo ông, một khuôn khổ tài chính rõ ràng để thực hiện chương trình chuyển đổi khí hậu là rất quan trọng.

Khía cạnh thứ ba là huy động tài chính hoặc vốn vì quá trình thúc đẩy chương trình chuyển đổi sẽ đòi hỏi nguồn vốn và đầu tư mới cho các dự án xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn và toàn diện hơn.

Ông Warjiyo lưu ý rằng Indonesia đã nêu vấn đề chuyển đổi khí hậu và phát triển kinh tế bền vững như một phần của trụ cột thứ ba trong lộ trình tài chính của nước này khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2023. "Hãy nhớ rằng, ba trụ cột là tái thiết phục hồi, kinh tế kỹ thuật số và chuyển đổi để ứng phó với biến đổi khí hậu là những trụ cột vô cùng quan trọng", ông nhấn mạnh.

Ông cho biết sau 3 năm xảy ra đại dịch Covid-19, Indonesia đã học được bài học về tầm quan trọng của các khái niệm xanh, bền vững và thân thiện với môi trường. Phát triển các khái niệm xanh là điều cần thiết vì biến đổi khí hậu và suy thoái tự nhiên sẽ gây ra tác động lớn hơn so với đại dịch.

Cơ quan chính sách tài chính của Bộ Tài chính Indonesia cho biết, có ba mục tiêu kinh tế ưu tiên (PED) trong nhiệm kỳ chủ tịch Indonesia trong lĩnh vực tài chính: thứ nhất là phục hồi-tái thiết, đồng thời đảm bảo ổn định kinh tế, tài chính và khả năng phục hồi trong khu vực ASEAN; thứ hai là thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số, cụ thể là thúc đẩy kết nối thanh toán và thúc đẩy hiểu biết về tài chính kỹ thuật số và hòa nhập để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn diện; cuối cùng là thúc đẩy quá trình chuyển đổi tài chính để hỗ trợ nền tài chính bền vững và nền kinh tế xanh.

Cũng tại cuộc tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận về kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế trong việc thúc đẩy tài chính bền vững.

Theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, tài trợ chuyển đổi khí hậu cho các nước đang phát triển đòi hỏi phải có một khuôn khổ rõ ràng để đảm bảo các chính sách nhất quán và khuyến khích khu vực tư nhân tham gia.

Quỳnh Vũ (Theo Antara)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/kiem-che-bien-doi-khi-hau-se-giu-cho-gdp-toan-cau-khong-bi-truot-doc-i321001/