Kiến nghị kế hoạch thanh, kiểm tra PCCC hàng năm

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý vào Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC, do Bộ Công an soạn thảo.

Theo VCCI, Dự thảo đã quy định rõ hơn về thẩm duyệt thiết kế về phòng PCCC, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh đối với người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ PCCC, giảm tần suất kiểm tra PCCC… được nhiều DN đồng tình.

Bên cạnh đó, Dự thảo quy định trách nhiệm không cung ứng dịch vụ điện nước cho dự án, công trình khi chủ đầu tư không cung cấp được văn bản thẩm duyệt thiết kế PCCC. Trong khi đó, theo VCCI, Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định biện pháp này là một biện pháp xử lý hay biện pháp khắc phục hậu quả.

“Do vậy, không có căn cứ pháp lý để quy định như vậy. Hơn nữa, pháp luật về điện lực (Luật Điện lực, Luật Điện lực sửa đổi, Nghị định 137/2010/NĐ-CP) và pháp luật về tài nguyên nước (Luật Tài nguyên nước, Nghị định 117/2007/NĐ-CP) không có quy định quy định về trách nhiệm này của tổ chức cung ứng điện, nước. Thậm chí, điện và nước được coi là dịch vụ công, các đơn vị cung cấp dịch vụ không được phép đơn phương từ chối cung cấp cho khách hàng trừ trường hợp bất khả kháng. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ điện, nước”, VCCI góp ý.

VCCI góp ý nhiều nội dung qui định chi tiết thi hành Luật phòng cháy và chữa cháy. Ảnh tư liệu

Đồng thời, VCCI cho rằng, Dự thảo quy định về tần suất kiểm tra an toàn về PCCC đang theo xu hướng cào bằng, không có sự phân biệt giữa những đơn vị có rủi ro cao với đơn vị rủi ro thấp, cũng không phân biệt giữa các đơn vị có lịch sử tuân thủ tốt với đơn vị có lịch sử tuân thủ kém.

Theo VCCI, cần áp dụng biện pháp quản lý rủi ro khi kiểm tra. Vì hiện có tình trạng nhiều đoàn kiểm tra của các cơ quan Nhà nước khác nhau cùng kiểm tra DN dẫn đến trùng lặp, chồng chéo về nội dung kiểm tra. Ngoài CQCA, hiện nay vẫn có tình trạng cơ quan quản lý về xây dựng, về an toàn lao động, về an toàn hóa chất, thậm chí cả bảo vệ môi trường cũng kiểm tra DN về PCCC.

Do đó, VCCI đề nghị quy định cơ quan có trách nhiệm kiểm tra an toàn PCCC xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm theo hướng kết hợp kiểm tra nhiều nội dung, trong đó có công tác PCCC, bảo đảm không để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động kiểm tra.

Nội dung đáng quan tâm nữa là Dự thảo yêu cầu người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật của cơ sở phải có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về PCCC. Thực tế, tại các DN, người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật là người làm công tác điều hành, người này có thể không trực tiếp mà sẽ có người đủ chuyên môn để tham gia cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Việc quy định người đứng đầu phải có chứng chỉ hành nghề sẽ rất bất cập, can thiệp quá mức vào quyền tự do kinh doanh, tự tổ chức nội bộ của DN. Ví dụ, một DN kinh doanh đa ngành gồm dịch vụ PCCC, kiểm định an toàn lao động, kiểm định thiết bị đo, kiểm định xe cơ giới, kiểm định chất lượng công trình xây dựng, thiết kế xây dựng…

Nếu mỗi ngành lại yêu cầu người đứng đầu phải có chứng chỉ hành nghề riêng thì sẽ dẫn đến tình trạng một cá nhân phải có nhiều chứng chỉ, trong khi đó chỉ là một doanh nhân, không phải là người trực tiếp làm kỹ thuật. Vô hình trung, quy định bắt buộc người đứng đầu có bằng cấp sẽ cản trở cơ hội kinh doanh đa ngành, đa nghề của các DN, cản trở khả năng một DN tận dụng nguồn lực nhàn rỗi để đa dạng hóa sản phẩm, tăng năng suất lao động.

Do vậy, VCCI đề nghị bãi bỏ các điều kiện đối với người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật mà chỉ cần điều kiện đối với người trực tiếp thực hiện công việc.

Về yêu cầu cơ sở kinh doanh phải “có địa điểm hoạt động; phương tiện, thiết bị, địa điểm bảo đảm thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ PCCC”, VCCI cho rằng, quy định này không minh bạch vì không rõ cơ sở nào để đánh giá xem cơ sở vật chất của DN có đảm bảo hay không. Ngoài ra, trong thành phần hồ sơ Dự thảo cũng không yêu cầu DN chứng minh về điều kiện này.

Bên cạnh đó, VCCI cũng đề nghị bỏ quy định về thời hạn chứng chỉ hành nghề tư vấn về PCCC vì cho rằng để bảo đảm DN tuân thủ pháp luật khi kinh doanh thì cơ quan Nhà nước đã có chế độ thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm, trong đó có biện pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề.

Dự thảo phân cấp thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC cho Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ và Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ CA cấp tỉnh.

Theo VCCI, việc quy định thẩm quyền cấp phép của cấp Trung ương thường sẽ gây tốn kém chi phí và mất thời gian hơn so với tại cấp tỉnh. Nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí cho DN, cần giao toàn bộ thẩm quyền cấp phép cho Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ CA cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, nhiều DN cũng kiến nghị quy định cụ thể hơn về địa điểm xây dựng công trình phải bảo đảm khoảng cách an toàn về PCCC đối với các công trình xung quan, kích thước tối thiểu của lối thoát hiểm, thoát nạn… để tránh gây khó khăn trong quá trình áp dụng.

Hải Lý

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/kien-nghi-ke-hoach-thanh-kiem-tra-pccc-hang-nam-171318.html