Kỳ II: Tiếp tục đổi mới, sáng tạo hành động, vươn tới đỉnh cao

Quảng Ninh khẳng định tiếp tục đổi mới thực chất, sáng tạo hành động, vươn tầm cao mới, hiện thực hóa các cam kết tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Từ nay đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh hướng đến mục tiêu thành tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh.

Vóc dáng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế

Nằm tại vị trí địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, giáp Trung Quốc ở phía Bắc, Biển Đông ở phía Đông, thành phố Hải Phòng ở phía Nam và các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn ở phía Tây, Quảng Ninh được so sánh như một “Việt Nam thu nhỏ” bởi sự đa dạng địa hình và địa lý, bao gồm: Biển, đảo, đồng bằng, vùng trung du, đồi núi, biên giới...

Tiềm năng thế mạnh tự nhiên cùng sự đoàn kết, chung lòng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân địa phương, trong trong 10 năm liền (2013-2022), Quảng Ninh nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước và 7 năm đạt mức tăng trưởng trên 10%. Đây không chỉ là niềm tự hào cho Quảng Ninh mà còn là một bài học quý báu về cách quản lý và phát triển kinh tế cũng như sự đoàn kết của cộng đồng trong việc đạt được mục tiêu phát triển.

Hướng đến những mục tiêu cao hơn, theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ninh được định hướng trở thành địa phương tiêu biểu cả nước về mọi mặt; kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là cực tăng trưởng của phía Bắc, trung tâm du lịch quốc tế, kinh tế biển, cửa ngõ vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Đây cũng là trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN. Sân bay quốc tế Vân Đồn thành trung tâm logistics của Việt Nam, hướng tới là điểm trung chuyển cho Đông Nam Á.

Quảng Ninh được định hướng trở thành địa phương tiêu biểu của cả nước về mọi mặt. Ảnh: TTTT Quảng Ninh

Quảng Ninh cũng sẽ phát triển thành trung tâm kinh tế biển, kết nối khu vực và quốc tế với hệ thống cảng nước sâu, âu tàu du lịch đẳng cấp quốc tế, gắn với chuỗi kinh tế đô thị ven biển. Các loại thủy sản làm dược liệu và thực phẩm dinh dưỡng được khuyến khích nuôi trồng. Kinh tế biển sẽ gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, an ninh quốc phòng và chủ quyền biển đảo.

Công nghiệp chế biến, chế tạo của địa phương là trụ cột chính trong nền kinh tế. Công nghiệp nặng lượng thân thiện môi trường; chuyển dần sang năng lượng sạch, tái tạo. Tỉnh không mở rộng các nhà máy nhiệt điện than mà đầu tư nâng cao hiệu suất các nhà máy hiện tại, bảo vệ môi trường.

Mục tiêu gần hơn, Quảng Ninh đặt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 là 10%/năm, cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 3 - 4%; công nghiệp xây dựng chiếm khoảng 47 - 48%; dịch vụ chiếm khoảng 38 - 39% và thuế sản phẩm 9 - 10%; GRDP bình quân đầu người đạt 19.000 - 20.000 USD.

Tỷ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 1,9%/năm; đến 2030 dân số toàn tỉnh khoảng 2,64 triệu người, trong đó dân số thường trú khoảng 1,63 triệu người; duy trì chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh ở nhóm 5 tỉnh thành phố đứng đầu cả nước; tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%...

Quy hoạch cũng nêu rõ phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng và phương hướng tổ chức các hoạt động kinh tế xã hội. Cụ thể, về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, trong đó với ngành công nghiệp, phát triển công nghiệp xanh, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; đưa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành một trụ cột chính trong nền kinh tế.

Quảng Ninh hướng đến phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường; tiếp tục duy trì là một trung tâm năng lượng của quốc gia (một trong những trung tâm điện gió, điện khí LNG của miền Bắc), chuyển dần sang phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Không mở rộng các nhà máy nhiệt điện than; đầu tư nâng cao hiệu suất các nhà máy hiện tại, bảo vệ môi trường. Đồng thời phát triển bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng điểm là ngành than góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo quy hoạch; giai đoạn 2021-2030, sản lượng khai thác than cơ bản ổn định và tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 1,2%/năm; đến năm 2030, sản lượng khai thác đạt trên 49 triệu tấn.

Đặc biệt, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống dịch vụ chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, giá trị gia tăng lớn. Quảng Ninh là đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế; đón khách quanh năm, phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 25 triệu lượt du khách (trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế), đạt tốc độ tăng trưởng du khách bình quân khoảng 6%/năm.

Trong chiến lược phát triển, xác định kinh tế biển là lĩnh vực không thể thiếu, Quảng Ninh quyết tâm trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước trên cơ sở phát triển du lịch dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế; đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu, các tàu du lịch đẳng cấp quốc tế gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu đô thị biển - ven biển cận kề và là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước. Đồng thời, xây dựng Quảng Ninh thành một trong những cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực; tăng khả năng liên kết không gian kinh tế ven bờ, biển và đảo, tạo động lực phát triển cho vùng Đông Bắc và cả nước.

Phát triển bền vững gắn với an sinh xã hội

Mục tiêu phát triển bền vững và bảo đảm an sinh xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong tầm nhìn và chính sách của Đảng và được nhấn mạnh trong tài liệu Đại hội Đảng lần thứ XIII. Nhận thức rõ điều này, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung vào việc đảm bảo an toàn và ổn định cuộc sống cho người dân, với mục tiêu nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người lên trên 10.000 USD vào năm 2025 và từ 19.000 đến 20.000 USD vào năm 2030.

Để đảm bảo phát triển bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung vào việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Từ năm 2010 đến nay, tổng nguồn lực huy động để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh đã đạt trên 233.600 tỷ đồng. Trong đó, có những đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng điện, đường, trường học và trạm y tế. Đến thời điểm hiện tại, các xã đảo trên địa bàn tỉnh và 100% thôn, bản nằm trên đất liền đều có điện lưới quốc gia.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con dân tộc tại huyện Bình Liêu. Ảnh: TTTT Quảng Ninh

Giáo dục và y tế đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Tỉnh Quảng Ninh đã ưu tiên nguồn lực từ ngân sách đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng và đảm bảo hiện đại hóa hệ thống giáo dục. Mô hình giáo dục thông minh từng bước phát triển, và hiện có 551 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 87,32% tổng số trường học trên địa bàn tỉnh. Hệ thống y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến xã cũng được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, và nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đến khám, chữa bệnh và tham gia các hoạt động dự phòng, phòng chống dịch bệnh.

Nhằm tăng cường chất lượng nguồn nhân lực và góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, Quảng Ninh đã tập trung vào việc đào tạo nghề và dạy nghề cho lao động nông thôn. Hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo trên tổng số lao động đạt trên 85%. Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, giai đoạn 2, và hoàn thành hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho người có công, giai đoạn 2, với gần 4.000 hộ gia đình được hưởng chính sách hỗ trợ này.

Giai đoạn từ 2017 đến 2020, Quảng Ninh đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị và kêu gọi sự tham gia tích cực của người dân để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình 135). Tổng nguồn vốn huy động từ các nguồn lực xã hội gần 1.800 tỷ đồng, mức bố trí vốn cho xã đặc biệt khó khăn/năm cao hơn khoảng 7 lần so với định mức trung ương.

Nhiều chuyển biến rõ rệt đã diễn ra ở vùng nông thôn, miền núi, biên giới, và hải đảo của Quảng Ninh nhờ các mô hình và dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Những hộ nghèo và hộ cận nghèo đã chuyển đổi phương thức sản xuất, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững. Đến năm 2019, 100% các xã, thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh đã hoàn thành chương trình 135, trước 1 năm so với lộ trình đề ra.

Bí Thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, Quảng Ninh định hình tiêu chí "nhân dân hạnh phúc" là một giá trị của tỉnh, mọi sự phấn đấu của tỉnh đều vì đích cuối là hạnh phúc của nhân dân. Với mục tiêu phấn đấu nhân dân tỉnh Quảng Ninh thực sự được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, có thu nhập bình quân đầu người ở mức cao hơn hẳn so với mức trung bình của cả nước (GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 8.291 USD, gấp đôi bình quân chung của cả nước (cao nhất ở khu vực phía Bắc), ước năm 2023 đạt 9.469 USD, gấp 1,4 lần so với năm 2020).

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả 3 cấp và về đích trước 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025… Hiện tại và tương lai, Quảng Ninh tiếp tục phấn đấu là một "vùng đất lành" và hạnh phúc để con người sống, làm việc, nghỉ ngơi, thụ hưởng và phát triển.

“Đây cũng là nội hàm cốt lõi trong mục tiêu quản trị phát triển bền vững địa phương với mô hình phát triển bền vững dựa trên việc tìm kiếm sự cân bằng giữa ba yếu tố: kinh tế, xã hội và môi trường, gắn với nâng cao năng lực chống chịu, ứng phó trước các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng cực đoan hơn", Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh.

Hệ giá trị Quảng Ninh – mạch nguồn và động lực phát triển

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký cho rằng, Quảng Ninh là vùng đất chứa đựng đậm đặc các trầm tích lịch sử, có nền văn hóa phong phú và đặc trưng riêng của con người, được hình thành bằng sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự, tự nhiên và sinh thái. Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh đại diện cho những đặc trưng này và bao gồm tất cả các khía cạnh, lĩnh vực và mặt, từ thiên nhiên, văn hóa, xã hội, con người đến đặc điểm kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, và ngoại giao. Tất cả những yếu tố này được tạo hình từ cảnh quan tự nhiên, thông qua quá trình lao động và cuộc đấu tranh của cộng đồng trong suốt lịch sử phát triển và được công nhận, tôn trọng và bảo vệ bởi ý thức tự giác của cả cộng đồng.

Hành chính minh bạch là một trong những giá trị cấu thành nền tảng và định hình mạch nguồn cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TTTT Quảng Ninh

Từ những nhận thức sâu sắc về những yếu tố đặc thù và ưu việt của Quảng Ninh, ông Nguyễn Xuân Ký cho rằng, tỉnh đã định hình được hệ giá trị của mình gồm 6 giá trị cơ bản: Thiên nhiên tươi đẹp, Văn hóa đặc sắc, Xã hội văn minh, Hành chính minh bạch, Kinh tế phát triển và Nhân dân hạnh phúc. Những giá trị này cấu thành nền tảng và định hình mạch nguồn cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ninh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Quảng Ninh trong những năm gần đây đã trở thành một tỉnh tiêu biểu và tiên phong trong nhiều lĩnh vực, đi đầu cả nước. Quảng Ninh đã đạt được những đột phá và sáng tạo trong việc thực hiện các chính sách của Đảng.

Tổng Bí thư nhắc lại tầm quan trọng của việc duy trì sự đoàn kết và thống nhất, khuyến khích sáng tạo và cải tiến, cũng như tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Điều này cho thấy Quảng Ninh đang đi đúng hướng để xây dựng một nền hành chính đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, phục vụ hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp.

“Với vị thế quan trọng, Quảng Ninh cần phát huy tốt hơn nữa vai trò tiên phong trong đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ, cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; khai thác tốt lợi thế cạnh tranh tạo ra từ các hệ thống giao thông chiến lược mới hoàn thành để thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, hình thành nên các vùng động lực, hành lang phát triển mới. Chú trọng kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái để phát triển du lịch bền vững”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực và thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong thời gian qua. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh mới đây, Thủ tướng cho rằng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Quảng Ninh rất quyết liệt, bài bản, hiệu quả. Quảng Ninh là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế xã hội, đạt được những kết quả rất quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Phân tích những tiềm năng thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng lưu ý trong thời gian tới tỉnh Quảng Ninh kiên trì thực hiện sáng tạo mô hình “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, khai thác tối đa các hành lang giao thông, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương trong tỉnh.

Tỉnh Quảng Ninh phải quản lý, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp; xã hội văn minh, văn hóa phát triển; tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế đi đôi với nâng chất lượng tăng trưởng, theo hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu. Đồng thời tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, trong đó có các tuyến giao thông kết nối với Lạng Sơn, Bắc Giang, tuyến đường ven biển, kết nối với khu du lịch Yên Tử; xây dựng cảng biển như cảng Móng Cái; kết nối giao thông lên các cửa khẩu; mở các đường bay từ sân bay Vân Đồn đến các khu vực như Cần Thơ...

"Quảng Ninh tiếp tục huy động nguồn lực vào đầu tư phát triển, nhất là phát huy các phương thức hợp tác đầu tư PPP, BOT, đề xuất phương thức BT trong đầu tư phát triển. Đồng thời phải giữ vững đoàn kết cả lúc khó khăn cũng như lúc thuận lợi; vì đoàn kết thì không được lúc này thì được lúc khác, không được với người này thì được với người khác, không được chỗ này thì được chỗ khác, mất đoàn kết là mất tất cả”, Thủ tướng đặc biệt lưu ý.

Hòa Bình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ky-ii-tiep-tuc-doi-moi-sang-tao-hanh-dong-vuon-toi-dinh-cao-281617.html