Ký kết thỏa ước lao động tập thể ở doanh nghiệp: Đảm bảo quyền lợi cho người lao độngTin khácTrải thảm đón nhà đầu tưChung tay phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch COVID-19

Với nhiều biện pháp thiết thực, những năm qua, việc ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động (NSDLĐ) ngày càng hiệu quả. Từ đó, góp phần phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, người lao động (ĐV-NLĐ) trong doanh nghiệp.

TƯLĐTT là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và NSDLĐ về các điều kiện lao động và sử dụng lao động, quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động. TƯLĐTT do đại diện của tập thể lao động (tổ chức công đoàn) và người sử dụng lao động thương lượng và ký kết. Nhà nước khuyến khích việc ký kết TƯLĐTT với những quy định có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật lao động.

Công ty TNHH MTV xe điện DK Việt Nhật (huyện Cao Lộc) tổ chức bữa ăn ca cho công nhân

Bà Bế Thị Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh cho biết: Để nâng cao chất lượng TƯLĐTT, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho NLĐ, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về thương lượng tập thể, TƯLĐTT như: Chương trình số 06/CTr-LĐLĐ ngày 20/3/2019 về nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ đại diện cho người lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, giai đoạn 2018 – 2023; Kế hoạch số 72 /KH-LĐLĐ ngày 4/10/2019 về triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực đối thoại và thương lượng tập thể giai đoạn 2018 – 2023… Chú trọng nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ công đoàn về nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi của ĐV-NLĐ, năng lực đối thoại, thương lượng tập thể.

Theo đó, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức tập huấn về kiến thức, quy trình, kỹ năng thương lượng, ký kết TƯLĐTT cho các cán bộ công đoàn chủ chốt, CĐCS các doanh nghiệp trực thuộc. Trong năm 2021, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức được 1 lớp với 130 lượt cán bộ tham gia. Các cấp công đoàn tổ chức, phối hợp tổ chức được 18 lớp tập huấn công tác công đoàn, trong đó, có nội dung về ký kết TƯLĐTT cho 1.980 cán bộ tham gia.

Cùng với đó, LĐLĐ huyện, thành phố, công đoàn ngành dành thời gian hướng dẫn, hỗ trợ các công đoàn cơ sở (CĐCS) doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước thực hiện quy trình ký kết TƯLĐTT. Quá trình vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS kết hợp thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Trong năm 2021, toàn tỉnh đã phát triển mới 4 CĐCS doanh nghiệp ngoài Nhà nước, trong đó, 3 đơn vị ký kết TƯLĐTT (đạt 100% chỉ tiêu được giao).

Là đơn vị có số lượng lớn CĐCS doanh nghiệp, LĐLĐ huyện Cao Lộc luôn quan tâm nâng cao chất lượng TƯLĐTT. Ông Hà Văn Huân, Chủ tịch LĐLĐ huyện cho biết: Hằng năm, chúng tôi đã triển khai tới 100% các CĐCS doanh nghiệp thực hiện Đề án nâng cao năng lực đối thoại và thương lượng tập thể giai đoạn 2018 – 2023 của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Kết quả, năm 2021, 16/19 CĐCS doanh nghiệp ký kết TƯLĐTT, đạt 82,1% (vượt 12,1% so với chỉ tiêu được giao) với nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ như: tiền lương tháng thứ 13, ăn ca, tham quan du lịch, học tập kinh nghiệm…

Cùng với đó, năm 2021, các cấp công đoàn đã chủ trì tổ chức giám sát được 43 cuộc về việc thực hiện chế độ chính sách đối với ĐV-NLĐ, quy chế dân chủ ở cơ sở, thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT… Trong đó, LĐLĐ tỉnh chủ trì giám sát được 8 cuộc (vượt 33,3% chỉ tiêu được giao), LĐLĐ các huyện, thành phố đã chủ trì giám sát được 35 cuộc.

Qua kiểm tra, các đơn vị đã tổ chức được hội nghị NLĐ, tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc, ký kết và thực hiện TƯLĐTT với một số điều khoản có lợi hơn cho ĐV-NLĐ như: ăn ca 32.000 đồng/ngày, hỗ trợ xăng xe đi lại… Điển hình như: Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng giao thông (thành phố Lạng Sơn), Công ty TNHH MTV Tâm Đức LS (Văn Lãng), Công ty Thương mại Hiếu Thủy (Đình Lập)…

Kết quả, năm 2021, toàn tỉnh có 95/104 doanh nghiệp thương lượng và ký kết TƯLĐTT, đạt 91,34%, tăng 2,74% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 101,5% so với chỉ tiêu đề ra.

Bà Nguyễn Thị Vân, Ủy viên Ban Chấp hành CĐCS Công ty TNHH MTV Tâm Đức LS cho biết: Hằng năm, trước khi tổ chức hội nghị NLĐ, chúng tôi đã nắm bắt, tập hợp ý kiến ĐV-NLĐ về nội dung của TƯLĐTT. Nhờ đó, TƯLĐTT ngày càng phù hợp với nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ, như: khen thưởng cuối năm từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng/người, nâng lương định kỳ 2 năm/lần, tham quan nghỉ mát 2 đợt/năm, chế độ bồi dưỡng độc hại 2% và ăn ca 600.000 đồng/tháng chuyển thẳng vào lương…

Qua đó cho thấy, nhờ thực hiện tốt việc ký kết TƯLĐTT đã góp phần cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho ĐV-NLĐ, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tranh chấp lao động, đình công tập thể. Công nhân, lao động yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ngày càng tin tưởng, gắn bó hơn với tổ chức công đoàn

NGỌC HIẾU

THANH PHONG - TRANG NINH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/lao-dong-viec-lam/468345-ky-ket-thoa-uoc-lao-dong-tap-the-o-doanh-nghiep-dam-bao-quyen-loi-cho-nguoi-lao-dong.html