Kỷ niệm tuổi thơ tạo động lực cho chủ nhân giải VinFuture

Đối với nhiều nhà khoa học nhận giải thưởng VinFuture mùa thứ 2, chính kỷ niệm tuổi thơ là động lực thúc đẩy họ theo đuổi con đường nghiên cứu và đạt được thành công như hiện tại.

Hôm 21/12, một ngày sau lễ trao giải, các nhà khoa học đoạt giải thưởng VinFuture mùa 2 đã có dịp giao lưu và chia sẻ những câu chuyện đằng sau nghiên cứu của mình với giới chuyên gia, nhà khoa học và sinh viên Việt Nam.

Tại sự kiện, các nhà khoa học đã kể lại những câu chuyện ý nghĩa đã dẫn lối họ trên con đường nghiên cứu và đạt được thành công. Trong đó, với nhiều nhà khoa học đoạt giải, chính những kỷ niệm tuổi thơ là thứ đã truyền cảm hứng để họ đi theo con đường nghiên cứu và thay đổi cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới.

Giải thưởng VinFuture được trao hàng năm cho các công trình nghiên cứu có tác động lớn, gồm một giải chính trị giá 3 triệu USD và 3 giải đặc biệt trị giá 500.000 USD/giải với 3 hạng mục: Nhà khoa học nữ, Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực tiên phong.

Có được mọi thứ nhờ vào hóa học

Mở đầu chương trình là phần chia sẻ của giáo sư Thalappil Pradeep từ Ấn Độ. Với việc phát minh ra hệ thống lọc nước nhiễm arsen và kim loại nặng với chi phí thấp, ông đã nhận giải thưởng trị giá 500.000 USD dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển.

Trước khi trở thành nhà khoa học nổi tiếng, ông Pradeep lớn lên ở vùng nông thôn nghèo khó của Ấn Độ. Đối với ông, tuổi thơ là việc đi quãng đường 4 km bằng đôi chân trần, băng qua những cánh đồng lúa ngập nước để tới trường.

"Ngày nay, tôi có mọi thứ trong tay. Những gì mà tôi có được đều nhờ vào hóa học, chuyên ngành nghiên cứu mà tôi lựa chọn theo đuổi", giáo sư chia sẻ.

Giáo sư Thalappil Pradeep, chủ nhân giải Đặc biệt dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, chia sẻ tại sự kiện vào sáng 21/12. Ảnh: VinFuture.

Sau nhiều năm nghiên cứu và làm việc tại các trường đại học lớn ở Ấn Độ và trên thế giới, trong tâm trí giáo sư Pradeep dần nhen nhóm câu hỏi về việc làm cách nào để giúp đỡ người dân Ấn Độ thông qua hóa học.

"Chính những kỷ niệm về việc đi bộ trong những cánh đồng lúa ngập nước khi còn nhỏ đã thúc đẩy tôi nghiên cứu, tìm ra giải pháp cải thiện chất lượng nguồn nước cho người dân Ấn Độ", giáo sư Pradeep chia sẻ.

Vào những năm 2000, khi một số vùng ở Ấn Độ xuất hiện tình trạng nước bị nhiễm thuốc trừ sâu với mức độ cao gấp 20-30 lần tiêu chuẩn cho phép, giáo sư Pradeep đã mày mò nghiên cứu theo hướng chế tạo hệ thống sử dụng công nghệ nano để lọc thuốc trừ sâu và đã có được bằng sáng chế đầu tiên.

Cũng chính trong dự án nghiên cứu loại bỏ các sản phẩm thuốc trừ sâu trong nước, giáo sư Pradeep đã nhận ra được sự nguy hiểm của arsen và các kim loại nặng, những chất có thể tồn tại hàng trăm năm trong nước, gây ô nhiễm nặng.

Sau khi phát triển được công nghệ sử dụng hạt nano kim loại như bạc để lọc kim loại nặng trong nước, thay vì dùng công nghệ màng thẩm thấu ngược (RO) đắt đỏ, ông Pradeep đã thay đổi cuộc sống của nhiều người dân. Nhờ phát minh của ông, 1,3 triệu người dân ở Ấn Độ được tiếp cận với nước sạch với giá chỉ 0,23 USD cho mỗi 1.000 lít.

Sau khi nhận giải thưởng vào hôm 20/12, giáo sư Pradeep cho biết ông cùng các cộng sự sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, cải thiện tính hiệu quả công trình của mình.

"Chúng tôi luôn tự hỏi bản thân, làm sao để tiếp tục phát triển công nghệ này, làm cho nó hiệu quả hơn, sử dụng được trên một quy mô lớn hơn, để ngày càng nhiều người được tiếp cận nguồn nước không có kim loại nặng với giá rẻ", giáo sư Pradeep trả lời câu hỏi bên lề sự kiện hôm 21/12.

Phát triển lúa để giúp đỡ mọi người

Giáo sư Pamela Christine Ronald là người nhận giải dành cho Nhà khoa học nữ với công trình nghiên cứu phân lập gene Sub1A, giúp tạo ra các giống lúa chịu ngập úng dài hạn và cho năng suất cao hơn 60% so với giống lúa thông thường.

Chia sẻ tại sự kiện hôm 21/12, bà Ronald đã kể về tuổi thơ lớn lên trong gia đình có bố là người tị nạn.

"Để chạy trốn phát xít Đức, bố tôi đã phải đi tị nạn ở nhiều nơi. Trong 12 năm, ông không có quốc tịch trước khi chuyển đến Mỹ. Cha tôi luôn nói rằng do được lớn lên với điều kiện tốt hơn, chúng tôi có trách nhiệm phải quan tâm và giúp đỡ người khác", giáo sư Ronald chia sẻ.

Được truyền cảm hứng từ người cha, cùng đam mê với các loài thực vật, bà Ronald đã theo đuổi con đường nghiên cứu gene và thực vật học.

Giáo sư Pamela Christine Ronald chia sẻ với phóng viên bên lề sự kiện sáng 21/12. Ảnh: An Bình.

Trong phần lớn sự nghiệp, giáo sư Ronald làm việc với nhiều loại thực vật khác nhau. Nhưng bà đã quyết định chuyển hướng sang nghiên cứu gene trên các giống lúa do đồng cảm với cuộc sống khó khăn của người nông dân.

"Lúa gạo là nguồn lương thực quan trọng của 50% người dân trên thế giới. Nhưng đôi khi những người nông dân trồng lúa phải chăm lo cho gia đình của họ với nguồn thu nhập chỉ 3 USD mỗi ngày. Chính vì vậy, ước mơ của tôi là giúp đỡ những người nông dân trồng lúa tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á", giáo sư Ronald chia sẻ với phóng viên.

Vào năm 1995, bà cùng đồng nghiệp là David Mackill - một nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) - đã tìm ra gene giúp cây có khả năng sống sót trong điều kiện ngập nước.

Sau thời gian dài nghiên cứu, bà đã thành công trong việc sao chép chính xác vùng gen Sub1 mã hóa cho 3 nhân tố điều hòa phiên mã các yếu tố quan trọng trong phản ứng miễn dịch thực vật với các điều kiện khắc nghiệt, ethylene-responsive factor (ERF).

Ở thời điểm hiện tại, các giống gạo chứa gene Sub1A do giáo sư Ronald phân tách đang được sử dụng tại nhiều quốc gia như Indonesia, Nepal, Myanmar, Ấn Độ và Bangladesh... Đến năm 2017, có khoảng 6 triệu người nông dân đang sử dụng giống lúa này.

Chia sẻ về hành trình nghiên cứu khoa học của mình, giáo sư Ronald cũng bày tỏ hy vọng sẽ ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực nghiên cứu trong tương lai.

"Khi làm khoa học, bạn không biết mình đi đâu và sẽ có rất nhiều công việc khó khăn. Đôi khi bạn bỏ qua những vấn đề quan trọng. Vì vậy, Tôi hy vọng những phụ nữ trẻ tuổi sẽ quan tâm nhiều hơn đến khoa học vì chúng ta cần nhiều người hơn cùng suy nghĩ về cách giải quyết những thách thức to lớn của xã hội", bà cho biết.

Đối với khoản tiền thưởng trị giá 500.000 USD, giáo sư Ronald cho biết bà có ý định quyên góp số tiền này cho quỹ Hebrew Immigrant Aid Society (HIAS), tổ chức chuyên hỗ trợ cho ngườI tị nạn trên toàn cầu, đã giúp đỡ cha của bà khi ông chạy trốn quân phát xít trong Thế chiến II.

Tính tò mò là điều quan trọng nhất trong nghiên cứu

Trong buổi chia sẻ hôm 21/12, 3 trong số 5 nhà khoa học được trao giải chính trị giá 3 triệu USD do có đóng góp quan trọng trong việc phát triển công nghệ mạng toàn cầu đều đồng ý rằng trí tò mò là yếu tố quan trọng nhất trong nghiên cứu khoa học.

"Hãy quan tâm tới những điều không thuộc chuyên ngành, để trí não ta phát hiện ra những vấn đề liên quan tới công trình nghiên cứu của ta. Điều ấy làm ta suy nghĩ rộng hơn về những gì có thể hỗ trợ nghiên cứu. Hãy để trí tưởng tượng tự do", tiến sĩ Emmanuel Desurvire cho biết.

Đối với giáo sư David Neil Payne, bản chất của mỗi người trẻ đều có sự tò mò và nhiệm vụ của các nhà khoa học và giáo viên là khuyến khích, phát triển tính tò mò này.

"Tôi hay dạy sinh viên của mình rằng, khi bạn thành công, bạn làm được điều này mà không cần giáo viên của các bạn", giáo sư Payne cho biết.

3 trong số 5 nhà khoa học nhận giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD. Ảnh: An Bình.

Trong khi đó, tiến sĩ Vinton Gray Cerf cho biết trí tò mò sẽ giúp thu hẹp khoảng cách đến câu trả lời và tạo động lực cho nhà nghiên cứu.

"Trong thế giới của tôi, tôi muốn thử nghiệm. Tôi cần 1 đưa ra dự đoán và thử nghiệm dự đoán đó", ông chia sẻ.

Bên cạnh việc chia sẻ về những yếu tố quan trọng trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học có công lớn trong việc xây dựng và phát triển mạng Internet cũng đưa ra những nhận định về xu hướng phát triển của công nghệ thông tin trong thời gian tới.

"Internet sẽ là một phần của khám phá vĩ đại tiếp theo. Nhưng có 1 điều chúng chưa nói là về việc lưu trữ dữ liệu. Tôi nghĩ việc tạo ra những cách mã hóa thông tin mới để lưu trữ an toàn được một lượng dữ liệu khổng lồ sẽ là một bước đột phá mới của tương lai", giáo sư Payne nhận định.

An Bình

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ky-niem-tuoi-tho-tao-dong-luc-cho-chu-nhan-giai-vinfuture-post1387025.html