Lãi suất giảm, Dược Hậu Giang đối diện với khả năng suy giảm lợi nhuận

Hơn 2.000 tỷ đồng đầu tư tài chính giúp cho Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (mã cổ phiếu DHG, sàn HOSE) bù đắp được một thu nhập và hạn chế đà sụt giảm lợi nhuận trong quý III/2023. Tuy nhiên, diễn biến giảm mạnh của lãi suất thị trường đang là yếu tố có thể khiến cho doanh thu tài chính của công ty dược này suy giảm thời gian tới.

Doanh thu tài chính “đỡ” lợi nhuận

Dược Hậu Giang hiện có vốn chủ sở hữu 4.563 tỷ đồng. Thời gian qua, đại gia ngành dược này đã có những bước đột phát khá ấn tượng trong một số giai đoạn. Đặc biệt trong năm 2022, Dược Hậu Giang đạt 4.676 tỷ đồng, tương ứng 111% kế hoạch năm, tăng 17% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 129% kế hoạch năm và tăng 27% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 1.100 tỷ đồng nhờ vào tăng trưởng doanh thu.

Kết quả kinh doanh trên giúp Dược Hậu Giang tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu ngành công nghiệp dược Việt Nam 26 năm liền về doanh thu và lợi nhuận và nằm trong Top 5 công ty dược có thị phần lớn nhất ngành dược Việt Nam.

Tình hình kinh doanh của Dược Hậu Giang trở nên kém thuận lợi hơn từ quý III/2023. Ảnh: T.L

Hà Đô: Lợi nhuận công ty mẹ tăng mạnh, nhưng lợi nhuận chung toàn tập đoàn vẫn giảm sâu Lãi suất cho vay đã giảm được khoảng 2,2% so với cuối năm 2022

Công ty này tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá tốt trong nửa đầu năm 2023 với doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 2.667 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận sau thuế giai đoạn này đạt 624 tỷ đồng, tăng trưởng 27% so với cùng kỳ.

Đã đạt 70% kế hoạch doanh thu thuần năm 2023 sau 9 tháng

Năm 2023, Dược Hậu Giang đặt mục tiêu doanh thu thuần 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.130 tỷ đồng. Với kết quả đã đạt được sau 9 tháng, công ty đã đạt gần 70% mục tiêu doanh thu thuần và 76,7% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh có phần kém thuận lợi hơn vào quý III/2023 khi doanh nghiệp này chỉ đạt doanh thu 1.259 tỷ đồng, giảm gần 3% so với cùng kỳ. Doanh thu quý III theo đó cũng bị sụt giảm khoảng 5,6% so với doanh thu bình quân quý của 2 quý đầu năm 2023. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 166 tỷ đồng, giảm 36,7% lợi nhuận sau thuế cùng kỳ năm trước và giảm 47% so với lợi nhuận sau thuế bình quân theo quý của 2 quý đầu năm 2023.

Điều đáng chú ý là lợi nhuận quý III sụt giảm trong bối cảnh công ty có sự đóng góp khá lớn từ thu nhập từ hoạt động tài chính. Tính đến cuối tháng 9/2023, công ty có 2.290 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, đó là các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn ngắn.

Nhờ sự đóng góp từ nguồn tiền này, Dược Hậu Giang đã có hơn 55 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính trong quý III/2023, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, nếu bóc tách khoản thu nhập từ hoạt động tài chính ra khỏi kết quả lợi nhuận chung thì lợi nhuận của Dược Hậu Giang trong quý III/2023 có thể sẽ còn thấp hơn nữa.

Mất lợi thế doanh thu tài chính

Sự sụt giảm kinh doanh của Dược Hậu Giang trong quý III đến từ nhiều yếu tố khác nhau. Một mặt tổng doanh thu bị giảm, một mặt công ty đối diện với các yếu tố khắt khe hơn của thị trường, đồng thời chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng cũng ăn mòn thêm vào lợi nhuận.

Bên cạnh sự sụt giảm chung của tổng doanh thu, công ty đối diện với các yếu tố làm giảm trừ doanh thu. Theo đó, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý III/2023 chỉ đạt 1.099 tỷ đồng, giảm 5,4% so với cùng kỳ (giảm nhiều hơn so với tốc độ giảm của tổng doanh thu). Các khoản giảm trừ doanh thu của Dược Hậu Giang được ghi nhận là các khoản chiết khấu thương mại, hàng bán bị trả lại và giảm giá hàng bán.

Nhiều khoản chi phí cơ bản của Dược Hậu Giang đang có xu hướng tăng. Ảnh: T.L

Một trong những yếu tố khác làm suy giảm lợi nhuận của Dược Hậu Giang trong quý III/2023 là việc công ty đối mặt với các khoản chi phí cơ bản đều có xu hướng tăng. Chi phí bán hàng trong quý III ghi nhận mức 254 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước; chi phí bán hàng lũy kế 9 tháng đạt 681 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng khá cao, đạt gần 90 tỷ đồng trong quý III, tăng 29,3% so với cùng kỳ; chi phí quản lý doanh nghiệp lũy kế 9 tháng là 228 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ.

Với bối cảnh các yếu tố tài chính đều đang có xu hướng diễn biến khá bất lợi như trên, một yếu tố làm “điểm tựa” thời gian qua từ thu nhập hoạt động tài chính có thể cũng đang bị lung lay trong giai đoạn tới bởi xu hướng giảm mạnh của lãi suất.

Lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại tiếp tục bước vào một làn sóng giảm khá sâu. Hiện nay, lãi suất tiền gửi các các ngân hàng cho kỳ hạn 12 tháng chỉ còn quanh mức khoảng 5,5%/năm, thậm chí có một số ngân hàng đã đưa lãi suất tiền gửi 12 tháng xuống dưới 5%/năm.

Mặt bằng lãi suất hiện tại theo đó chỉ bằng chưa đến 50% so với giai đoạn “sốt lãi suất” hồi cuối năm 2022, khi có thời điểm lãi suất huy động thậm chí vượt mức 11%/năm. Đây có thể sẽ là yếu tố bất lợi cho kết quả kinh doanh của Dược Hậu Giang trong giai đoạn sắp tới.

Đại gia Nhật Bản nắm hơn 51% cổ phần

Taisho hiện là cổ đông lớn nhất năm hơn 51% cổ phần tại Dược Hậu Giang, cổ đông này là một trong những công ty có thị phần OTC lớn nhất Nhật Bản, với các sản phẩm nổi bật như Lipovitan, Biofermin, Pabron...Việc đầu tư vào Dược Hậu Giang nằm trong chiến lược mở rộng kinh doanh ở các nước khu vực Đông Nam Á và Đông Á của Taisho.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/lai-suat-giam-duoc-hau-giang-doi-dien-voi-kha-nang-suy-giam-loi-nhuan-140053.html