Lâm Bình chăm lo gia đình chính sách, người có công

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân huyện Lâm Bình luôn quan tâm làm tốt công tác 'đền ơn đáp nghĩa'; thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện.

Lãnh đạo huyện Lâm Bình thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện.

Gần 40 năm kể từ ngày bà Quan Thị Mùi, thôn Bản Khiển, xã Lăng Can nhận được giấy báo tử của con trai là liệt sỹ Poọng Văn Liêm, hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cũng là chừng ấy năm bà nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành địa phương trong cuộc sống. Năm 2018, được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng cùng với sự giúp đỡ của anh em, họ hàng, gia đình bà đã xây dựng được căn nhà kiên cố. Niềm vui lớn hơn là trong những ngày tháng 7 này gia đình bà đã được huyện tạo điều kiện, giúp đỡ đưa hài cốt con trai từ nghĩa trang liệt sỹ huyện Vị Xuyên (Hà Giang) trở về an táng tại địa phương.

Cùng với các địa phương trong cả nước, nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27-7-1947 - 27-7-2020), huyện đã tổ chức buổi lễ đón nhận và an táng 6 hài cốt liệt sỹ, để các anh yên nghỉ tại quê hương. Công tác tiếp nhận, quy tập hài cốt liệt sỹ được huyện thực hiện nghiêm túc, trang trọng, đúng nghi lễ, thể hiện lòng thành kính, biết ơn sâu sắc những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đến nay, đã có 24 mộ anh hùng liệt sỹ được quy tập về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sỹ của huyện. Đây đã trở thành địa chỉ đỏ để nhân dân, thế hệ trẻ địa phương thường xuyên đến tri ân, thắp hương nhân các ngày lễ, Tết để tưởng nhớ công ơn các anh hùng, liệt sỹ. Từ đó, góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trên địa bàn.

Anh Chẩu Thanh Ngà, Phó Bí thư Đoàn xã Thượng Lâm cho biết, từ nhiều năm nay, hoạt động giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đoàn xã. Hằng năm, Đoàn xã đều tổ chức các hoạt động thăm hỏi, chăm sóc gia đình người có công trên địa bàn; giúp đỡ gia đình chính sách sửa chữa, làm nhà mới; tổ chức thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sỹ nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27-7... Qua đó, giúp đoàn viên thanh niên hiểu hơn về những hy sinh, mất mát của các gia đình thương binh, liệt sỹ, thấy rõ hơn trách nhiệm của tuổi trẻ trong học tập, lao động và xây dựng quê hương, đất nước.

Theo đồng chí Hoàng Văn Thức, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, toàn huyện hiện có 241 đối tượng là thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng. Trong đó có 26 thương binh, 14 bệnh binh; 91 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học; người phục vụ hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học 02 đối tượng; cán bộ tiền khởi nghĩa 02 người... Trong điều kiện huyện còn nhiều khó khăn nhưng cấp ủy, chính quyền huyện luôn quan tâm và thực hiện tốt chính sách với người có công. Hằng năm, huyện đã vận động quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 100 triệu đồng. Số tiền trên được sử dụng để giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công sửa chữa, làm nhà mới; thăm hỏi, tặng quà nhân các ngày lễ, Tết... Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ kinh phí sửa chữa, làm nhà cho người có công, năm 2019, huyện đã xây và sửa chữa 5 nhà với tổng số tiền 100 triệu đồng.

Phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo gia đình chính sách được các xã thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ông Phù Đức Lâm, Chủ tịch UBND xã Hồng Quang nói, toàn xã hiện có 12 hộ gia đình chính sách, người có công. Hàng năm, xã đều huy động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để hỗ trợ các gia đình chính sách về mọi mặt. Năm 2019, xã đề nghị hỗ trợ kinh phí cho 2 hộ sửa chữa nhà ở, đến nay đã hoàn thành. Nhờ làm tốt công tác chăm lo đời sống các gia đình chính sách, đến nay xã không còn hộ gia đình chính sách, người có công thuộc diện nghèo; 100% hộ gia đình chính sách đều được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, nhiều gia đình đã vươn lên trở thành hộ khá, giàu.

Bên cạnh việc giải quyết tốt các chế độ đối với người có công, huyện đã tuyên truyền, vận động các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân quan tâm, chia sẻ, chăm lo đối với người có công. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách và người có công trên địa bàn. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động quan tâm, chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn. Trọng tâm là hỗ trợ vốn sản xuất, tạo việc làm cho người lao động trong các gia đình chính sách, người có công. Từ đó, giúp các gia đình có cuộc sống ổn định hơn.

Bài, ảnh: Minh Hoa

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/lam-binh-cham-lo-gia-dinh-chinh-sach-nguoi-co-cong-134517.html