Làm gì để du lịch biển Quảng Nam phát triển?

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt hơn 4,5 triệu lượt khách. Trong đó khách quốc tế ước đạt gần 2,1 triệu lượt khách, khách nội địa đạt 2.475.000 lượt khách. Theo thống kê chưa đầy đủ, doanh thu ngành du lịch đạt 4.600 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 10.810 tỷ đồng. Đó là những dấu hiệu tích cực.

+ Kỳ 1: Giàu nhưng chưa mạnh

Quảng Nam có đường bờ biển dài 125 km, ven biển có nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng, như: Hà My (Điện Bàn), An Bàng, Cửa Đại (Hội An), Bình Minh (Thăng Bình), Tam Thanh (Tam Kỳ), Bãi Rạng, Bàn Than (Núi Thành)… cùng nhiều cụm đảo lớn nhỏ... Trong đó, Cù Lao Chàm là cụm đảo ven bờ với hệ sinh thái phong phú được công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Với nhiều tiềm năng đó cộng với hạ tầng giao thông, hệ thống các khách sạn, resort nghỉ dưỡng cao cấp... du lịch biển Quảng Nam đang dần trở thành một lĩnh vực tiềm năng của địa phương, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, du lịch biển Quảng Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của địa phương.

Dưới góc nhìn của một nhà kinh doanh, ông Hồ Quang Thịnh - Quản lý Truyền thông & Tiếp thị Khách sạn Citadines Pearl Hội An, trao đổi: Du lịch biển Quảng Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần được giải quyết. Cụ thể, hạ tầng giao thông tại một số khu vực còn hạn chế, gây khó khăn cho việc di chuyển và trải nghiệm của du khách cùng với đó là một số địa phương chưa tổ chức các hoạt động về đêm, các sự kiện lớn gắn với phong tục, tập quán của người dân nhằm kéo dài mùa du lịch. Một vấn đề khác cần được khắc phục là việc phối hợp giữa các điểm đến du lịch chưa thật sự nhuần nhuyễn, chất lượng dịch vụ của các nhà cung cấp chưa đồng đều, chưa có phương án đối phó do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của nhiều khách sạn, resort dọc ven biển. Thậm chí, có khoảng thời gian khu vực biển Cửa Đại-bãi biển từng được mệnh danh là đẹp nhất thế giới không thể phục vụ nhu cầu của du khách. Tương tự, ông La Thành- Tổng quản lý Little Hội An Group, chia sẻ: khi làm việc với các công ty du lịch đối tác nước ngoài đưa khách đến Hội An, đơn vị nhận thấy họ có xu hướng khi đề cập đến du lịch biển là sẽ nghĩ đến Đà Nẵng hơn là Hội An. Theo suy nghĩ của nhiều người, đến Hội An sẽ mặc định là về phố cổ. Quả rất đáng tiếc, khi TP Hội An ngoài phố cổ mà còn có biển, có show diễn nghệ thuật, các hoạt động văn hóa về ẩm thực, giao lưu văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền diễn ra thường xuyên song còn thiếu một lễ hội mang tính cộng đồng tầm cỡ quốc tế như cách mà Đà Nẵng đã thành công với Lễ hội pháo hoa quốc tế (DIFF) để thu hút du khách quốc tế và trong nước.

Theo ông Lê Ngọc Thảo - Trưởng Ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, với tư cách là nhà bảo tồn xu thế du lịch sinh thái thì con đường hữu hiệu để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo tồn tài nguyên và nét văn hóa truyền thống của địa phương. Trong năm 2023, du lịch Quảng Nam có xu hướng phát triển mạnh nhưng chưa chú trọng đúng mức đến mô hình du lịch sinh thái. Vì thế, đối với phát triển du lịch biển cần có định hướng và chương trình hành động để giải quyết các mâu thuẫn, khó khăn và hạn chế tối đa những rủi ro. Cụ thể, nên xây dựng, triển khai thực hiện đề án "Phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phát huy giá trị văn hóa bản địa tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm-Hội An". Trong đó mọi tâm điểm hướng về lợi ích của cộng đồng để thu hút sức mạnh từ cộng đồng trong việc phát triển kinh tế du lịch gắn kế với công tác bảo tồn các giá trị tài nguyên của khu dự trữ. Đồng thời phải tạo mối liên kết vùng, đáp ứng phát triển du lịch theo định hướng du lịch sinh thái đúng nghĩa của nó.

Du khách đến Quảng Nam chỉ để tắm biển, tham quan đảo Cù Lao Chàm.

Đánh giá về quá trình phát triển du lịch biển tại Quảng Nam hiện nay, ông Văn Bá Sơn-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao & Du lịch Quảng Nam, cho biết: việc khai thác du lịch biển của địa phương trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Hoạt động du lịch biển chủ yếu tập trung tại TP Hội An. việc phát huy, khai thác giá trị tài nguyên cho hoạt động du lịch biển chỉ dừng ở khai thác ven bờ, các hoạt động du lịch bổ sung, bổ trợ cho nghỉ dưỡng, tham quan, tắm biển chưa nhiều... Hiện tại, hoạt động du lịch cơ bản phục hồi nhưng một số doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong tổ chức hoạt động kinh doanh do khó tiếp cận với nguồn vay ưu đãi, bảo hiểm, thuế, các quy định về thuê đất, thủ tục đầu tư.

Như vậy, đánh giá một cách tổng quan, du lịch biển Quảng Nam giàu tiềm năng nhưng chưa mạnh dịch vụ, các sản phẩm du lịch biển tại Quảng Nam vẫn còn đơn sơ, chưa có sản phẩm trọng tâm, thiếu tính hấp dẫn để khách du lịch trải nghiệm và "níu chân" du khách.

M.T (Còn nữa).

Kỳ tới: Phát huy tiềm năng như thế nào?

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/lam-gi-de-du-lich-bien-quang-nam-phat-trien-post281779.html