Lam Hạ - Bản hùng ca lịch sử

Những ngày khói lửa

“Nữ dân quân” Vũ Hồng Nhu (hiện sống ở phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý) năm nay đã 74 tuổi kể lại: Năm 1965, để sẵn sàng ứng phó việc Mỹ quay trở lại ném bom miền Bắc, nhiều trận địa pháo phòng không đã được lập. Các công việc sẵn sàng chiến đấu được khẩn trương triển khai. Đại đội dân quân phòng không được thành lập và biên chế thành 2 trung đội, 1 trung đội nam, 1 trung đội nữ. Bà Nhu cho biết, khi còn là thiếu niên bà và nhiều thiếu niên, người dân ở địa phương đã tham gia một số công việc chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, như đào hố cá nhân, hầm chữ chi trong khu dân cư, đắp ụ pháo, chặt lá ngụy trang để đơn vị bộ đội chủ lực đưa pháo về mục tiêu, làm con đường chiến lược… Dù tuổi còn nhỏ nhưng bà tham gia rất tích cực cùng mọi người nên năm 1966, khi bà đủ 16 tuổi là được biên chế ngay vào Trung đội nữ Dân quân phòng không.

Bà Nhu nhớ lại ngày oanh liệt, cũng là ngày đau thương nhất - 1/10/1966. Hôm đó đế quốc Mỹ huy động trên 50 lượt máy bay ném bom bắn phá thị xã Hà Nam (bây giờ là thành phố Phủ Lý), ném hàng trăm quả bom vào trận địa phòng không và các vị trí quan trọng. Cầu đường sắt bị đánh sập, điện cao thế bị đứt, đường dây điện thoại chỉ huy chiến đấu bị hỏng.

Trước tình thế trên, các nữ chiến sỹ phòng không đại đội dân quân vẫn kiên cường bám trận địa, sát cánh cùng bộ đội chiến đấu. Ở đợt công kích thứ 4, chúng huy động 8 máy bay liên tục ném bom vào các trận địa phòng không, trong đó có địa điểm hỏa lực cao xạ ở Đình Tràng, nơi bà Nhu và các nữ dân quân cùng bộ đội chiến đấu bắn trả máy bay địch. Trận địa pháo phòng không Đình Tràng khi đó có 4 khẩu đội ở 4 vị trí. Khẩu đội 1, khẩu đội 2 bị trúng bom, 6 đồng đội của bà gồm: Phan Thị Tuyết, Định Thị Tâm, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Phương và hai chị em ruột Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi đều hy sinh. Bà và các đồng đội ở khẩu đội 3, 4 may mắn không bị trúng bom, nhưng quá đau thương và căm thù khi chứng kiến đồng đội mình hy sinh. Sau khi chuyển các đồng đội đã hy sinh ra địa điểm khác, tất cả nén đau thương tiếp tục vào vị trí chiến đấu. Một số chiến sỹ bị thương nhưng vẫn kiên cường bám trận địa đến cùng.

Trước sự kiên cường, bắn trả dữ dội từ trận địa của ta, 16 giờ chiều máy bay địch phải rút. 5 trận chiến đấu diễn ra trong 1 ngày với tốc độ bắn phá ác liệt, dữ dội, nhưng Đại đội dân quân pháo phòng không đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm. Các dân quân đã phối hợp với bộ đội bắn rơi 2 máy bay Mỹ, bắt sống 2 giặc lái, bảo vệ an toàn mục tiêu. Trong ngày hôm đó 20 cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh.

Ngày 9/10/1966, máy bay Mỹ lại tập trung đánh phá vào trận địa thôn Đường Ấm. Chúng chia làm 7 phi đội với hơn 60 lượt máy bay liên tục dội bom, bắn rốc két. Quân ta bắn trả dữ dội, tiêu diệt 1 máy bay địch. 2 quả bom rơi vào trận địa, trong đó có 1 quả trúng khẩu đội. 3 nữ dân quân: Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thẹp, Nguyễn Thị Oánh và 2 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh.

Ngày 7/7/1967, máy bay địch tấn công đánh phá thị xã Hà Nam. Tại địa bàn Lam Hạ, giặc cho ném bom đánh phá quốc lộ 1A và đường sắt Bắc-Nam. Lực lượng dân quân phòng không phối hợp với bộ đội đánh trả quyết liệt, không cho chúng có cơ hội đánh vào các mục tiêu trọng điểm. 1 máy bay địch đã bị hạ, nhưng chị Đặng Thị Chung đã anh dũng hy sinh trong tư thế đang quay cự ly nòng pháo.

10 cô gái của Trung đội nữ dân quân đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhiều chiến sỹ cũng ngã xuống trong các đợt đánh trả máy bay địch. Theo Lịch sử Đảng bộ xã Lam Hạ, trong 2 năm (1966-1967) xã Lam Hạ huy động hơn 1.000 lượt người làm nhiệm vụ san lấp hố bom, bảo đảm giao thông trên quốc lộ 1A và đường sắt Bắc-Nam.

Tượng đài 10 nữ anh hùng liệt sỹ dân quân phòng không Lam Hạ.

Điểm đến lịch sử

49 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, đất nước thống nhất, gần 60 năm từ những ngày bom đạn ác liệt chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Lam Hạ giờ đã lên phường với tốc độ phát triển mạnh mẽ. Nhưng những dấu tích của bản hùng ca lịch sử những năm tháng ấy vẫn lưu dấu đậm nét trên mảnh đất này. Theo bà Vũ Hồng Nhu, các trận địa pháo phòng không trên địa bàn Lam Hạ, trận địa Đình Tràng ở đúng địa điểm Đền liệt sỹ tỉnh bây giờ; Trận địa Hòa Lạc ở chỗ Trung tâm Y tế thành phố, Nhà in Báo Hà Nam; Trận địa thôn Đường Ấm ở chỗ Trường tiểu học, THCS Lam Hạ. Tại trận địa Đình Tràng ác liệt năm xưa, giờ là quần thể di tích lịch sử tâm linh ý nghĩa.

Theo đồng chí Trịnh Xuân Lành, Phó Chủ tịch UBND phường Lam Hạ, quần thể di tích lịch sử văn hóa tâm linh Đình Tràng rộng 18,5ha, được chia làm các khu: Khu Trung tâm gồm Quảng trường, Tượng đài 10 nữ anh hùng liệt sỹ dân quân phòng không Lam Hạ. Khu đền thờ gồm Đền Liệt sỹ tỉnh, Đền thờ 10 liệt sỹ nữ dân quân Lam Hạ, Nhà lưu niệm Liệt sĩ Lương Khánh Thiện. Ngoài ra còn có di tích lịch sử Trận địa pháo phòng không 37 ly. Khu phụ trợ gồm bãi đỗ xe, các chòi nghỉ, khu du lịch như vùng đi dạo xung quanh. Hồ điều hòa Lam Hạ nằm gần như bao trọn phía trước của quần thể di tích làm cho cảnh quan tổng thể thêm đẹp. Di tích lịch sử Trận địa pháo phòng không 37 ly đặt ở một góc ngay sát trận địa pháo phòng không Đình Tràng năm xưa càng làm cho quần thể di tích thêm sống động bởi hiện vật gắn liền với lịch sử.

Từ lâu, ngày 1/10 hằng năm được người dân Lam Hạ lấy làm Ngày giỗ trận. Bà Vũ Hồng Nhu cho biết, trước đây khi các “nữ dân quân” còn khỏe, các bà ra Nhà văn hóa Đình Tràng làm cơm canh dâng cúng tại Đền thờ 10 nữ liệt sỹ dân quân Lam Hạ. Giờ các bà đã có mấy người mất, còn lại già yếu, nhưng đến ngày này vẫn tụ tập nhau về đó thắp hương, kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ các đồng đội, ôn lại chuyện năm xưa. Những câu chuyện rưng rưng nước mắt, xúc động mãi không thôi…

Nghĩa trang Liệt sỹ Lam Hạ (giờ trở thành Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Phủ Lý), trong nghĩa trang này có mộ của hai chị em ruột đều là nữ dân quân Lam Hạ hy sinh cùng một ngày: Nguyễn Thị Thu và Nguyễn Thị Thi. Trong nghĩa trang này cũng có mộ của hai vợ chồng liệt sỹ: Nữ dân quân Đặng Thị Chung (hy sinh ngày 7/7/1967 tại trận địa pháo Hòa Lạc) và chồng là bộ đội. Và cũng có hai ngôi mộ của hai bố con liệt sỹ. Trong nghĩa trang ấy cũng có những ngôi mộ chưa tìm được danh tính liệt sỹ...

“Chim trắng bay xa lắm mà lại gần/ Chim trắng bay mênh mông thế mà lại gần/… /Thềm nhà xưa mẹ chờ con bâng khuâng khói lam chiều, vẫn kiên cường trên mâm pháo, bảo vệ quê hương bảo vệ mạch máu giao thông/ Trong mưa bom bão lửa, mười cô gái Lam Hạ hiên ngang bay lên, bay lên…bay lên… tạc vào câu hát dâng đời.../” (trích lời ca khúc “Chim trắng thiêng” của nhạc sỹ Sỹ Thắng viết kính dâng hương hồn 10 nữ liệt sỹ dân quân Lam Hạ). 10 nữ liệt sỹ dân quân Lam Hạ, những người lính đã ngã xuống và biết bao người đã để lại một phần xương máu, đã góp sức trong những tháng ngày oanh liệt đó, để bản hùng ca lịch sử Lam Hạ anh hùng mãi được nhắc đến.

Đỗ Hồng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/que-huong-nui-doi-song-chau/lam-ha-ban-hung-ca-lich-su-122099.html