Làm ruộng 'nhàn tênh' trên cánh đồng thông minh

Trong xu thế phát triển của khoa học công nghệ, không ít HTX đã nhanh nhạy trong liên kết với các đơn vị liên quan để phát triển mô hình cánh đồng thông minh không dấu chân người.

Thực tế cho thấy, khi áp dụng mô hình này, năng suất lúa của các HTX cao hơn so với sản xuất truyền thống, lợi nhuận cũng tăng. Cụ thể, với lúa vụ Đông – Xuân, năng suất đạt từ 6,3 – 6,5 tấn/ha; vụ Hè – Thu đạt từ 5,5 – 5,8 tấn/ha.

Không còn khốn khó trăm bề

Sau khi trừ chi phí đầu tư sản xuất, mỗi ha thành viên HTX thu lợi nhuận khoảng trên 21 triệu đồng. Trong khi sản xuất truyền thống đầu tư cao, công sức lớn nhưng lợi nhuận chỉ đạt khoảng 17-18 triệu đồng/ha.

Ông Lâm Phương Tùng, thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Phước An (Sóc Trăng) cho biết, thực hiện cánh đồng lúa thông minh, thành viên HTX giảm rất nhiều chi phí đầu tư như lúa giống giảm được từ 45-60kg/ha, thuốc trừ sâu giảm được khoảng 3 lần/vụ, chi phí bơm nước giảm khoảng 40-50%. Đặc biệt thất thoát trong thu hoạch từ 15-20%.

Có được những điều này là ở các khâu trong sản xuất đều được cơ giới hóa bằng những thiết bị gần như tiên tiến nhất hiện nay. Ngay như công đoạn tưới tiêu và nắm bắt dịch bệnh, HTX cũng được chính quyền và một số tổ chức hỗ trợ lắp đặt hệ thống trạm bơm tự động, quan trắc nước thông minh và hệ thống quan trắc sâu rầy hại lúa.

Những hệ thống này được kết nối với điện thoại thông minh của thành viên, người dân nên họ nhanh chóng nắm được độ mặn của nước, mực nước ở trong ruộng để kịp thời đóng cống hay lấy nước, đảm bảo lúa phát triển tốt. Hệ thống quan trắc sâu rầy cũng giúp cho bà con phát hiện sớm sâu bệnh từ đó kịp thời xử lý, không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa. Đây cũng chính là cách giúp các thành viên giảm chi phí mua phân thuốc phục vụ mục đích trừ sâu bệnh.

Cũng đầu tư các hệ thống công nghệ hiện đại như trên, Liên hiệp HTX Thoại Sơn đã liên kết với Liên hiệp HTX huyện Tri Tôn (An Giang) và doanh nghiệp cùng sản xuất cánh đồng lúa thông minh với diện tích khoảng 23.000ha, thu hút hơn 3.700 hộ tham gia.

Phát triển trên diện tích lớn giúp các Liên hiệp HTX thuận lợi trong việc cơ giới hóa trong tất cả các khâu. Ngay công đoạn vận chuyển cũng được quan tâm khi đầu tư hệ thống đường giao thông. Công đoạn phun, tưới thuốc trừ sâu cũng thực hiện bằng máy bay không người lái. Chình vì vậy mà người dân, thành viên HTX tuy là đối tượng trực tiếp sản xuất nhưng không phải chịu cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” và cũng chẳng phải 'đụng tay, đụng chân'. Hợp đồng bao tiêu cũng được HTX ký với doanh nghiệp ngay từ đầu vụ.

Ông Trịnh Công Minh, Chủ tịch HTX nông nghiệp An Bình, Thoại Sơn, An Giang-thành viên Liên hiệp HTX Thoại Sơn, cho biết, chỉ mấy năm trước thôi, thành viên trồng lúa còn vất vả, khốn khó trăm bề vì không chủ động được vật tư, không có tiền mua máy móc mà phải đi thuê. Hạt lúa làm ra có khi còn mất giá, ép giá.

Hệ thống cảm biến mực nước của HTX Mỹ Đông 2.

Tuy nhiên, từ khi các HTX cùng liên kết lại với nhau thành lập liên hiệp HTX và liên kết với doanh nghiệp thành chuỗi giá trị, cùng làm, cùng sản xuất và cùng hưởng lợi trên cánh đồng lớn thì vấn đề giống, máy móc, khoa học kỹ thuật… được giải quyết. Chính vì vậy mà người dân, thành viên HTX đều tâm niệm rằng, tham gia mô hình cánh đồng thông minh đã mang lại lợi ích, người dân cũng có thể sống khỏe nhờ cây lúa.

Ông Lê Văn Hậu, thành viên HTX Mỹ Đông 2 (Đồng Tháp) cũng cho biết, làm ruộng bây giờ quần áo không bị lấm lem. Hiện nay, cấy giống gì, thời điểm nào, rồi bán cho doanh nghiệp nào đều có HTX lo hết.

HTX giữ vai trò chủ thể

Những năm gần đây, nhiều địa phương đã phát triển mô hình sản xuất lúa thông minh trên cánh đồng lớn. Mô hình này hiện không chỉ phát triển ở các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long mà còn được các HTX, người dân ở miền Bắc và miền Trung quan tâm.

Những hội quán, HTX sản xuất thông minh đang góp phần không nhỏ vào việc đưa sản xuất thích ứng với thị trường, biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy xây dựng những làng thông minh và tiến tới những đô thị thông minh.

Theo các chuyên gia, phát triển những cánh đồng thông minh sẽ giúp khẳng định giá trị của ngành lúa gạo Việt Nam. Tuy nhiên, để làm được điều này, các địa phương cần chú trọng đến thành lập và phát triển các HTX nông nghiệp. Bởi con đường kinh tế tập thể, HTX là bắt buộc, không thể nào để người dân sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm mà phải cùng nhau tổ chức sản xuất, cùng nhau đưa ra phương án kinh doanh, cùng nhau tính toán thị trường…

Những HTX, Liên hiệp HTX nông nghiệp sẽ giữ vai trò chủ thể chính trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng linh hoạt, chủ động thích ứng với nhu cầu thị trường, tiến tới hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực lúa gạo của từng địa phương.

Đi liền với đó, các địa phương cần quan tâm, nắm bắt những khó khăn của các HTX để kịp thời đưa ra hướng giải quyết phù hợp, từ đó thúc đẩy các HTX liên kết sản xuất theo mô hình thông minh.

Hiện, HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 có gần 600 ha lúa, được xem là mô hình sản xuất lúa thông minh, hiện đại nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhưng ông Ngô Phước Dũng, Giám đốc HTX cho biết, địa phương chưa có quy hoạch chính xác đất đai hỗ trợ HTX làm trụ sở mà chỉ có mượn tạm phần đất công để gắn bảng hiệu HTX.

Chính quyền địa phương hiện cũng thông báo sẽ lấy lại phần đất HTX mượn tạm, trong khi khu vực chuyển trụ sở mới đến không thuận lợi về giao thông, gây khó khăn trong làm việc với các đối tác.

HTX cũng chưa tiếp cận được với số liệu diện tích thực tế từ bản đồ số hóa của địa phương nên khi thực hiện các dịch vụ nông nghiệp chỉ có thể căn cứ vào khai báo của người dân có diện tích trên khu vực HTX quản lý. Điều này gây khó khăn trong quá trình làm việc và làm thất thoát phí làm dịch vụ của HTX.

Minh Nhương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/lam-ruong-nhan-tenh-tren-canh-dong-thong-minh-1091493.html