Làng quê Yên Đức thay đổi để hút khách

Là làng quê làm du lịch theo hướng trải nghiệm cuộc sống của người dân Đồng bằng Bắc Bộ nhưng xã Yên Đức, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đã nhanh nhạy thích ứng trước những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Vốn khách của làng chủ yếu là người nước ngoài, nay Yên Đức uyển chuyển xoay mình trở thành điểm đến mới được ưa thích của nhiều du khách nội địa.

Mang đặc trưng của một làng quê truyền thống, Yên Đức thanh bình với những người nông dân hồn hậu, chất phác, những cánh đồng lúa vàng, rặng tre xanh. Làng nằm trong vùng đất của Đệ tứ Chiến khu giàu truyền thống cách mạng cùng nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa như núi Đống Thóc, núi Con Mèo, núi Con Chuột, chùa Cảnh Huống... Yên Đức có những ngôi nhà cổ, những hàng cau lấp lóa ánh nắng, những đứa trẻ vui đùa dưới tán cây xanh mát bên bờ ao. Giới thiệu với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hương, hướng dẫn viên của làng, không quên nói thêm về những người dân quê mình. Họ vốn là những nông dân quen với ruộng vườn đồng áng nay bén duyên thành “người du lịch”. Ngày thường họ vẫn trồng cấy, chân lấm tay bùn, khi có khách đến lại trở thành những hướng dẫn viên, đầu bếp, lái xe, nghệ sĩ múa rối nước, hát chèo. Họ thoăn thoắt lội ruộng hướng dẫn khách cấy lúa, úp nơm bắt cá hay sẵn sàng tỷ mẩn giúp khách tường tận từng công đoạn đan chổi, làm quạt, làm bánh... Có thời điểm, Yên Đức đón khoảng 3.000 lượt du khách quốc tế trong một tháng.

Du khách học làm chổi rơm khi đến du lịch ở Yên Đức. Ảnh: ĐỨC YÊN.

Đại dịch Covid-19 ập đến cắt đi nguồn khách chính của làng. Không chịu đầu hàng, người làm du lịch Yên Đức tìm đến những khách hàng nội địa tiềm năng. Trên cơ sở những giá trị sẵn có, làng xây dựng tour mới phù hợp với khách tham quan. Họ cải tạo khu nhà cũ thành chợ quê, tái hiện khung cảnh mậu dịch, xây dựng những điểm check in xinh xắn... Khi đến với chợ quê, nhiều du khách thích thú khi đổi tiền mặt thành tem phiếu. Khách hào hứng sà vào quầy lưu niệm mua con rối gỗ, cái quạt mo, chổi rơm... Có người lại dùng tem phiếu để đổi nải chuối, mớ rau, cái đó, cái đơm hay gạo, lạc, chè xanh... ở các quầy thực phẩm, thảo dược, ăn vặt, lương thực. Một sản phẩm mới khác của Yên Đức cũng được nhiều bạn trẻ lựa chọn tham gia là “Cuộc đua kỳ thú”. Chương trình tạo sự gắn kết, thể hiện cá tính của người chơi trong quá trình trải nghiệm mò cua, bắt cá... Thế là khách đến vừa được tận hưởng không khí bình yên, trong lành, vừa có những bức hình “sống ảo” lại thực sự được thỏa sức tìm hiểu về văn hóa, đời sống thôn quê, tìm về quá khứ, lịch sử của làng. Chị Nguyễn Phương Vy đi cùng nhóm bạn của mình từ Hà Nội theo lời giới thiệu của một người bạn khác quê ở Quảng Ninh. Cầm chiếc chổi vừa tự tay làm, chị vui vẻ nói: “Hai ngày ở Yên Đức là khoảng thời gian bổ ích với nhiều hoạt động lý thú. Tôi học hỏi được rất nhiều từ những người nông dân Yên Đức. Khu chợ mậu dịch giúp chúng tôi hiểu nhiều hơn về một giai đoạn lịch sử của đất nước. Ngoài những trải nghiệm để làm mới bản thân, thư thái đầu óc, tái tạo năng lượng tích cực, những thứ bình dị đó khiến chúng tôi thấy yêu đất nước, tự hào về dân tộc mình hơn”.

PHƯƠNG DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/lang-que-yen-duc-thay-doi-de-hut-khach-626952