Lawrence Wong và sự chuyển giao quyền lực nhiều kỳ vọng ở Singapore

Thủ tướng Lý Hiển Long, 72 tuổi, ngày 15/5 sẽ chính thức từ chức. Người thay thế ông là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong (Hoàng Tuần Tài), 51 tuổi.

Thành phần nội các ít biến động

Ông Lawrence Wong sẽ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng thứ tư của Singapore tại Phủ Tổng thống vào lúc 8h00 tối cùng ngày 15/5. Ông được các đồng nghiệp tiến cử bầu làm người đứng đầu nhóm lãnh đạo thế hệ thứ tư vào tháng 4/2022.

Chiều ngày 16/4, ông Wong xác nhận thông tin trên và cho biết, ông Lý Hiển Long sẽ giữ chức cố vấn sau khi rời chức vụ Thủ tướng. Điều này có nghĩa rằng ông Lý Hiển Long vẫn ở trong nội các sau khi từ chức, và nội các mới dự kiến sẽ không có nhiều biến động, danh sách đầy đủ sẽ được công bố vài ngày trước khi ông tuyên thệ nhậm chức.

Lawrence Wong khẳng định sẽ không có sự thay đổi lớn trong thành phần Chính phủ Singapore sau khi ông lên làm Thủ tướng (Ảnh: Singtao).

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Wong nói rằng hệ thống chính trị của Singapore dựa trên sự liên tục và thay thế dần dần. Trong quá khứ, chưa bao giờ xảy ra tình trạng tất cả các bộ trưởng đều từ chức cùng một lúc sau khi người đứng đầu chuyển giao quyền lực. Ông Wong khẳng định đợt chuyển giao quyền lực sắp tới cũng tương tự.

"Tôi đã mời ngài Lý Hiển Long tiếp tục phục vụ trong Nội các với tư cách Cố vấn Quốc vụ. Tôi rất vui vì ngài ấy đã đồng ý", ông Wong cho hay.

Đối với việc bổ nhiệm các thành viên nội các khác, ông Wong cho biết các bộ trưởng khác sẽ tiếp tục phụ trách các bộ tương tự, đặc biệt là một số bộ trưởng vừa được bổ nhiệm và hiện không có lý do gì để thuyên chuyển. Ông cũng sẽ xem xét việc có nên thăng chức cho một số thành viên nội các và bổ nhiệm một số nghị sĩ giữ các chức vụ chính trị hay không. Chi tiết cụ thể sẽ được ông công bố tại cuộc họp báo vài ngày trước khi diễn ra lễ tuyên thệ.

"Những thay đổi lớn hơn trong Nội các, nếu có, sẽ diễn ra sau cuộc tổng tuyển cử khóa tới”, ông nói.

Người được Thủ tướng Lý Hiển Long đào tạo và tin tưởng

Ông Lawrence Wong, 51 tuổi, sinh ra trong một gia đình bình dân. Khi còn trẻ, sau khi hoàn thành chương trình giáo dục cơ bản ở Singapore, ông nhận được học bổng du học Mỹ, nhận bằng cử nhân kinh tế của Đại học Wisconsin, bằng thạc sĩ kinh tế của Đại học Michigan và bằng thạc sĩ quản trị công của Học viện Kennedy, thuộc Đại học Harvard.

Năm 1997, ông Lawrence Wong trở về nước gia nhập hệ thống công vụ của Singapore và từng bước leo lên các nấc thang. Theo truyền thông Singapore, 27 năm trước, ông Wong gia nhập Bộ Thương mại và Công nghiệp với tư cách là một nhà kinh tế và bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một công chức. Ông đã kinh qua nhiều chức vụ trong Bộ Thương mại và Công nghiệp, Bộ Tài chính và Bộ Y tế. Ông cũng từng là thư ký riêng của ông Lý Hiển Long và phụ trách Cục Quản lý Thị trường Năng lượng.

Năm 2011, ông Wong chính thức bước vào chính trường. Sau khi được bầu làm nghị sĩ Quốc hội, ông từng giữ các chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bộ trưởng Thanh niên, Văn hóa và Cộng đồng; Bộ trưởng Phát triển Quốc gia; Bộ trưởng Giáo dục. Theo giới quan sát, ông là người có kinh nghiệm phong phú và đa dạng.

Sau khi dịch bệnh bùng phát vào năm 2020, chính phủ Singapore đã thành lập một nhóm công tác chống dịch liên bộ. Ông Wong là một trong những người đồng lãnh đạo nhóm và đảm nhận trọng trách xây dựng các chính sách phòng chống dịch bệnh.

Ông Lý Hiển Long đã lựa chọn và rất tin tưởng ông Lawrence Wong (Ảnh: ETtoday)

Năm 2021, ông được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Tài chính, kế nhiệm ông Heng Swee Keat (Vương Thụy Kiệt). Đến năm 2022, ông được bầu làm Tổng Thư ký - người đứng đầu ban lãnh đạo thế hệ thứ Tư của Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền.

Ông Lawrence Wong rất được lòng dân chúng. Ông thường chia sẻ những câu chuyện gia đình, tương tác với thú cưng và chơi đàn guitar trên nền tảng TikTok, từ đó xây dựng thành công hình ảnh thân thiện với dân chúng.

Ngoài ra, trải nghiệm học tập thời trung học của ông đều là ở các trường cộng đồng, khác với những chính trị gia điển hình khác của Singapore. Điều này giúp Lawrence Wong được mệnh danh là "tinh hoa giới bình dân".

Sự kết thúc của “chính trị họ Lý”

Chuyển giao quyền lực cũng đồng nghĩa với việc ông Lý Hiển Long sẽ kết thúc 18 năm nắm quyền, kỷ nguyên “Lý gia thống trị” ở Singapore cũng sắp chấm dứt.

Kể từ khi thành lập quốc gia, Singapore hầu như luôn nằm dưới sự lãnh đạo của gia tộc họ Lý. Ông Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew), Thủ tướng lập quốc, giữ chức thủ tướng liên tục từ năm 1959 cho đến năm 1990, và trao lại quyền lực cho Phó thủ tướng lúc bấy giờ là Ngô Tác Đống (Goh Chok Tong).

Nhiều người cho rằng việc Singapore phát triển từ một hòn đảo nhỏ lạc hậu về kinh tế trở thành một trong những nền kinh tế giàu có nhất châu Á chỉ trong vài thập kỷ là nhờ ông Lý Quang Diệu. Năm 2004, con trai ông là Lý Hiển Long, 52 tuổi, kế nhiệm Goh Chok Tong làm Thủ tướng Singapore, tiếp tục nền “chính trị họ Lý”.

Ông Lawrence Wong thường xuyên sử dụng TikTok để tương tác với dân chúng
(Ảnh: Singtao)

Liên quan đến vấn đề này, nhà quan sát chính trị Singapore Mustafa Izzuddin bình luận: "Ông Lawrence Wong đã trở nên nổi tiếng ở Đông Nam Á và cả hai cường quốc quan trọng nhất đối với Singapore là Mỹ và Trung Quốc".

Ông Mustafa phân tích thêm “Tôi nghĩ ông ấy (Lawrence Wong) sẽ mang đến một phong cách lãnh đạo phù hợp hơn với nhiều thế hệ khác nhau. Tôi nghĩ những nguyên tắc cốt lõi của Singapore sẽ tiếp tục tồn tại vì đây là một hệ thống đã vận hành trong nhiều năm. Nhưng tôi cho rằng, phong cách của ông ấy có thể hơi khác một chút vì ông ấy thuộc một thế hệ khác".

"Quyền lãnh đạo không phải là sự kế thừa tự nhiên và phải được mỗi thế hệ lãnh đạo cạnh tranh", ông Lý Hiển Long đăng tải trên Facebook trong thời gian diễn ra dịch COVID-19 năm 2022. Ông cho rằng Singapore cần một nhóm mạnh mẽ, người lãnh đạo có thể đoàn kết mọi người và cho phép các thành viên trong nhóm phát huy sở trường của mình.

Một số người dân không thể chấp nhận nền chính trị gia đình, nhưng cũng có một số người cho rằng "nhà họ Lý" có tính hợp pháp nhất định và sẵn sàng chấp nhận sự nắm quyền của "nhà họ Lý", Phó giáo sư Jalan Chong (Trang Giả Dĩnh), Khoa Khoa học Chính trị Đại học Quốc gia Singapore, từng phân tích.

Theo quan sát của ông Jalan Chong, các đảng chính trị ở Singapore, trong đó có PAP, “không có cơ chế nào đặc biệt chú trọng chính trị gia tộc”. Nếu được bộ máy đảng khổng lồ của PAP hỗ trợ, thì bất kể đó là ai, quá trình tham chính sẽ suôn sẻ hơn.

Theo Singtao

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/lawrence-wong-va-su-chuyen-giao-quyen-luc-nhieu-ky-vong-o-singapore-post174349.html