Lễ Hằng Thuận - nét văn hóa độc đáo

Từ bao đời nay, kết hôn luôn là việc trọng đại, mở ra trang mới cho cuộc đời mỗi người. Và lễ Hằng Thuận, tức lễ cưới ở chùa là một nghi thức được phật tử tin tưởng, thực hiện. Dù đơn giản hay cầu kỳ thì lễ Hằng Thuận cũng là một nét văn hóa độc đáo, tốt đẹp trong lòng nhân dân.

Trước khi đến ngày bái gia tiên và tổ chức tiệc cưới tại gia vài hôm, gia đình bà Trần Thị Kinh ở quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, phật tử của chùa Vạn Quang, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước muốn tổ chức lễ Hằng Thuận cho các con của mình tại ngôi chùa này. Thông qua nghi lễ này, gia đình bà muốn gửi gắm nhiều điều mong ước cho cuộc hôn nhân của đôi trẻ.

Đại đức Thích Tâm Đăng, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Đồng Phú chứng minh lời tuyên thệ của tân lang và tân nương

Bà Kinh cho biết: “Không nghĩ là có thể thực hiện được nhưng đúng là đủ duyên, gia đình đồng ý, các con và sui gia cũng thuận tình, đi cả trăm cây số đến chùa tổ chức lễ Hằng Thuận, tôi rất xúc động. Mong gia đình hai bên gắn kết để chúc 2 cháu được hạnh phúc viên mãn”.

Nền tảng của hạnh phúc gia đình bắt nguồn từ sự thương yêu, chia sẻ và xử sự đúng mực giữa vợ, chồng. Khi làm lễ cưới ở chùa thì cô dâu, chú rể sẽ được quý Chư Tôn Thiền Đức chứng minh truyền đạt rất cặn kẽ và sâu sắc những kiến thức về đạo làm người, đạo phu thê, nghĩa vụ của con dâu, con rể đối với đấng sinh thành.

Có thể nói, lễ Hằng Thuận giúp những người sắp bước vào cuộc hôn nhân có được những hiểu biết thấu đáo về trách nhiệm và nghĩa vụ khi quyết định cùng nhau xây dựng gia đình. Anh Huỳnh Ngọc Anh Duy ở quận 4, TP. Hồ Chí Minh, không giấu được sự hồi hộp và xúc động khi là nhân vật chính trong buổi lễ Hằng Thuận. Anh Duy chia sẻ: “Khi được làm lễ cưới ở không gian vừa thanh tịnh vừa tôn nghiêm, mình rất xúc động. Đó là cảm giác an lành và mình biết ơn quý thầy đã truyền đạt những điều cần thiết trong đời sống hôn nhân cho vợ chồng mình”.

Cô dâu, chú rể nhận lời truyền dạy của quý Chư Tôn Thiền Đức

Còn chị Bùi Trần Thanh Ngân ở quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, không khỏi bồi hồi khi cùng một nửa yêu thương của mình được chúc phúc bởi quý thầy ở chùa Vạn Quang trong ngày trọng đại. Thanh Ngân nói: Được làm lễ Hằng Thuận ở chùa, em cảm thấy rất vinh dự.

Với ý niệm muốn hướng cho chúng sinh một cuộc sống tốt đẹp, an lạc và hướng thiện, dung hòa những cái tôi khác biệt để hướng đến cái chung, lòng yêu thương, tương kính, thủy chung giữa vợ và chồng, giáo lý nhà Phật trong lễ Hằng Thuận có giá trị giáo dục đạo đức lối sống từ trong gia đình, định hướng cho mỗi cá nhân trở thành một công dân tốt ngay trong ngôi nhà của mình, từ đó lan rộng ra cộng đồng và xã hội.

Đại đức Thích Tâm Đăng, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Đồng Phú, trụ trì chùa Vạn Quang cho biết: Chữ hằng có nghĩa là mãi mãi, luôn tồn tại và chữ thuận có nghĩa là hòa thuận. Và tất cả bậc phụ huynh đều mong con em của mình sau khi kết hôn luôn có sự hòa thuận trong suốt cuộc đời.

Song thân gửi gắm những điều cần thiết cho các con trong lễ Hằng Thuận

Trong không gian thanh tịnh và trang nghiêm ở chốn thiền môn, lễ cưới ở chùa cũng là một kỷ niệm đẹp, dấu ấn đặc biệt để các cặp đôi luôn biết trân quý giá trị hôn nhân. Đây không chỉ là một sinh hoạt tôn giáo thông thường mà còn là một nét đẹp văn hóa độc đáo góp phần rất lớn vào việc giữ gìn những giá trị tốt đẹp trong hôn nhân của gia đình Việt.

Bài: Ly Na
Ảnh: Đặng Hùng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/141308/le-hang-thuan-net-van-hoa-doc-dao