Lễ hội Mai An Tiêm: Tri ân người anh hùng mở cõi

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam, hậu thế mãi muôn đời ghi tạc công ơn của những bậc tiền nhân dựng nước và mở cõi, trong đó phải kể đến Mai An Tiêm, người chinh phục, bắt đảo hoang dâng đời sự sống, ông tổ của nghề trồng dưa đỏ và người đầu tiên mở ra non nước của các Vua Hùng vươn ra biển lớn.

Đền thờ thần tổ Mai An Tiêm, xã Nga Phú (Nga Sơn). Ảnh: Nguyễn Đạt

Thời gian qua đi, vật đổi sao dời, đảo nhỏ giữa trùng khơi mênh mông đã nằm trong vòng tay bao bọc của đất liền, nhưng truyền thuyết về Mai An Tiêm - con người chính trực, giàu nghị lực và tài trí thông minh, chinh phục đảo hoang, tìm ra giống quả lạ, mở ra cương vực đất nước Văn Lang thời đại Hùng Vương tiến ra biển lớn mãi muôn đời được các thế hệ người dân nước Việt, xứ Thanh tri ân và nhắc nhớ.

Trong dân gian truyền rằng: An Tiêm là chàng trai thông minh, khỏe mạnh, ý chí hơn người nên được Vua Hùng yêu quý và gả con gái nuôi của nhà vua cho chàng làm vợ. Do siêng năng, tháo vát, chẳng mấy chốc gia đình họ có nhà cao, cửa rộng, thóc lúa đầy bồ, vật nuôi sinh đàn, cuộc sống đủ đầy và hạnh phúc. Trong triều có kẻ ghen ghét với chàng và cho rằng gia đình An Tiêm giàu có là nhờ vào bổng lộc vua ban, chàng chỉ mỉm cười và nhỏ nhẹ nói với kẻ xu nịnh đó rằng: Của biếu là của lo, của cho là của nợ. Của cải do chính tay mình làm ra, đánh đổi bằng mồ hôi, trí óc mới là đáng quý, không phải lộc trời ban cho mà có. Nhân đó, kẻ gian thần liền mách với nhà vua. Vua Hùng tức giận, cho rằng Mai An Tiêm vô ơn, bèn ra lệnh đày chàng ra hoang đảo, nay là vùng đất Nga Sơn. Nhà vua tin rằng, đối mặt với sóng dữ biển khơi, với đói khát,... Mai An Tiêm sẽ phải hối hận mà cầu xin tha thứ.

Mai An Tiêm cùng vợ con bị đày ra đảo hoang, Nàng Ba và các con hoang mang lo sợ, An Tiêm khuyên nhủ vợ con cùng mình vượt qua hiểm nguy, gian khó. Đứng trước biển và neo lại giữa đảo hoang, buổi ban đầu gia đình Mai An Tiêm hái lá, bẫy thú, săn chim, bắt ốc, mò cua, để sống qua ngày; tìm kiếm những cây trái có thể ăn được đem về để trồng, thắp lên niềm hy vọng trụ vững trên hoang đảo và đại dương đầy trắc ẩn và hiểm nguy. Rồi có một buổi mai, chàng thấy một bầy chim đang tranh nhau ăn quả lạ, chàng tiến lại gần, lũ chim hoảng sợ bay đi mất, bỏ lại vài mẩu thứ quả có vỏ màu xanh sẫm, ruột đỏ tươi lẫn hạt đen nhánh. Chàng nghĩ: “Chim ăn được thì người cũng có thể ăn được” và thử một miếng. Kỳ lạ thay, vị ngọt ngào, bổ mát của loài quả lạ khiến chàng khỏe hơn, lòng mừng vui khó tả. Chàng vội gói ghém những hạt màu đen còn vương vãi mang về gieo trồng.

Sau những ngày tra hạt, ươm cây, chăm bón, giống cây lạ vươn dài, tươi tốt. Một buổi sáng đẹp trời, Mai An Tiêm và gia đình đã có được một mảnh vườn đầy những quả lạ to tròn, khi quả chín bổ ra, ruột đỏ tươi với vị thơm mát, ngọt ngào. Nhớ ơn vua cha và nhìn về đất liền thân yêu giữa đại dương sâu thẳm, Mai An Tiêm, Nàng Ba và các con mừng vui khôn xiết, hái những quả to và ngon nhất thả xuống biển, hy vọng một ngày nào đó phía đất liền xa xôi nhận được quả ngọt, thành quả lao động do họ tìm ra và gắng sức gieo trồng. Những quả dưa đỏ ngon ngọt đầu mùa đã khiến những chiếc thuyền buôn, thuyền đánh cá ghé vào đảo hoang trao đổi và mua loài quả lạ. Đảo hoang đông vui, nhộn nhịp ai cũng khen Mai An Tiêm tài trí, thông minh, nghị lực phi thường. Dưa đỏ - sản vật lạ từ đảo hoang dâng lên Vua Hùng. Nhà vua càng cảm phục An Tiêm và hối hận, liền cho thuyền ra đảo đón An Tiêm và gia đình chàng, phục lại chức cũ cho chàng. Nhà vua còn cho phép đặt tên bãi đất mà chàng trồng quả là bãi An Tiêm để ghi nhớ lại. Mai An Tiêm với sự tích quả dưa đỏ trên đất Nga Sơn ngợi ca ý chí, nghị lực, lao động sáng tạo của con người. Mai An Tiêm - người anh hùng đầu tiên mở cõi, chinh phục biển cả và mở ra giao thương bằng con đường hàng hải, trở thành biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt thuở Vua Hùng dựng nước.

Đảo hoang do Mai An Tiêm chinh phục nay đã là miền duyên hải Thanh Hóa. Thứ quả lạ - dưa đỏ Mai An Tiêm trồng thuở nào ngày nay được nhân ra toàn cõi. Trên hoang đảo thuở xưa đã dựng nên khu đền thờ linh thiêng, bề thế phụng thờ tiền nhân đã có công chinh phục đảo hoang và tìm ra loài quả quý. Đến hẹn tìm về, hàng năm, từ ngày 12 đến 14 tháng 3 âm lịch, Lễ hội Mai An Tiêm khai mở, tưởng nhớ, tri ân người đã có công mở mang bờ cõi, thủy tổ ngành canh nông, phát hiện và nhân giống loài quả ngọt - dưa đỏ.

Rước kiệu trong Lễ hội Mai An Tiêm. Ảnh: H.M.T

Lễ hội truyền thống đền Mai An Tiêm xã Nga Phú (Nga Sơn) mở đầu bằng nghi thức lễ rước kiệu, rước sắc từ đình làng, mời các vị Thành hoàng và Phúc thần trong vùng về đền thờ hội lễ. Đi đầu đám rước là đội múa Lân vừa đi vừa dẹp đường cho đoàn rước, ngay sau đó là hai người đánh chiêng, đánh trống, hai người vác hai long đao. Tiếp theo là đội cờ với sắc màu rực rỡ tung bay trong nắng sớm, kế đó là đội những người mang chấp kích nét mặt trang nghiêm, dáng đi hùng dũng; phường bát âm mặc áo lương, quần trắng, đội khăn xếp, chân đi giày, vừa đi vừa cử nhạc lưu thủy và múa sênh tiền. Sau phường bát âm là kiệu Thành hoàng có 4 người rước, trên đầu chít khăn đỏ, trang phục áo nỉ cộc tay màu đỏ, quần màu đỏ, lưng thắt dải vàng, chân quấn xà cạp. Đi sau đoàn rước kiệu thờ là hội tế gồm có chín vị, đầu đội mũ tế có hai dải thả dài sau lưng, trang phục áo dài thụng màu tím hoặc đen, quần dài trắng, chân đi hia. Riêng áo của chủ tế màu đỏ, có bố tử đằng trước và đằng sau. Chủ tế đi trước, phía sau là một hàng đôi bao gồm: hai chuyển chúc và đọc chúc, bốn hồi tế, hai Đông xướng và Tây xướng đều lồng tay áo thụng vào với nhau giơ lên ngang mặt. Sau hội tế là bốn nam giới vận áo lương, quần trắng, đội khăn xếp, rước bốn lá cờ hội, tiếp sau là dân làng và quan khách.

Sau rước kiệu là tế lễ với các nghi thức truyền thống gồm: tế lễ, độc chúc, lễ yên vị và dâng hương tại đền. Phần hội được tổ chức Chương trình nghệ thuật với hình thức sân khấu hóa, tái hiện cảnh Mai An Tiêm với ý chí, nghị lực phi thường, chinh phục đảo hoang, biển cả, tìm ra giống quả lạ, mở ra cương vực của nhà nước Văn Lang thời các Vua Hùng, vươn tới những hải đảo xa. Cùng với chương trình nghệ thuật bằng hình thức sân khấu hóa, các trò chơi, trò diễn dân gian mang đậm dấu văn hóa biển như: hò, biểu diễn Trống Vả, đua thuyền, hát chèo thờ, hát múa Chèo cạn, chọi gà, thi đánh cờ người, kéo co, võ vật, đi cà kheo, thi chắp quại, đan cói,... diễn ra tưng bừng, náo nhiệt và các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao: thi cắm trại, bóng đá, bóng chuyền, khắc dưa, trưng bày sản phẩm OCOP,... có giá trị và ý nghĩa sâu sắc, thông qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, quê hương; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của Nhân dân và du khách.

Nga Sơn, quê hương của Mai An Tiêm - người có công chinh phục biển từ buổi bình minh dựng nước. Hình ảnh Mai An Tiêm và sự tích quả dưa đỏ là niềm tự hào không chỉ của Nhân dân Nga Sơn, quê Thanh, mà đó còn là đại diện cho sức sống mãnh liệt của dân tộc ta từ xưa tới nay.

Với vùng đất nổi tiếng về danh lam thắng tích kỳ tú, lễ hội với đủ sắc màu rực rỡ đắm say lòng người, văn hóa ẩm thực mang hương vị biển khơi, đặc biệt là khu di tích, Lễ hội đền thờ Mai An Tiêm đã và đang gọi mời du khách đến với Nga Sơn huyền thoại, miền quê với những di tích văn hóa và lịch sử, cách mạng hào hùng. Vinh dự, tự hào với những thành quả đã đạt được trên mọi lĩnh vực, tin tưởng và hy vọng trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và người dân Nga Sơn, lớp lớp cháu con của Mai An Tiêm với trí tuệ và nghị lực phi thường, với sức mạnh chinh phục biển khơi, vượt lên muôn ngàn gian khó sẽ làm cho vùng đất này ngày càng bừng lên sắc mới, dâng cho đời quả mọng, trái thơm; cùng Nhân dân cả nước và tỉnh Thanh đổi mới, hội nhập, đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH, phát triển toàn diện, phấn đấu trở thành huyện dẫn đầu của tỉnh, hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, hạnh phúc, góp phần sớm xây dựng Thanh Hóa trở thành “Tỉnh kiểu mẫu" như sinh thời Bác Hồ hằng mong.

Hoàng Minh Tường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/le-hoi-mai-an-tiem-tri-an-nguoi-anh-hung-mo-coi/185053.htm