Liên minh châu Âu thông qua việc sửa đổi luật di cư sau nhiều năm tranh cãi

Sau nhiều năm tranh cãi, các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) ngày 10/4 đã thông qua một cuộc cải cách mang tính bước ngoặt đối với hệ thống tị nạn của khối nhằm giảm tình trạng di cư bất thường. Các quy định mới sẽ có hiệu lực vào năm 2026.

Nghị viện châu Âu (EP) đã tán thành các quy định và chính sách tạo nên Hiệp ước về Di cư và Tị nạn mới nhằm giải quyết vấn đề nhức nhối là ai sẽ chịu trách nhiệm đối với người di cư khi họ nhập cảnh, và liệu các nước EU khác có bắt buộc phải giúp đỡ hay không.

Phiên họp toàn thể ở Nghị viện châu Âu về cuộc cải tổ lớn đối với luật di cư. Ảnh: AP

Hiệp ước mới nhằm giảm thời gian cho các thủ tục an ninh và tị nạn ở biên giới EU, giảm tình trạng nhập cư không mong muốn từ Trung Đông và châu Phi - một ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của khối.

Các quy định yêu cầu một quá trình sàng lọc người nhập cảnh thông qua nhận dạng khuôn mặt, lấy vân tay cho người từ 6 tuổi trở lên, kiểm tra sức khỏe và an ninh, lưu trữ thông tin, kiểm tra mức độ an toàn của quốc gia người xin tị nạn... Ngoài ra, việc trục xuất nhanh chóng có thể được áp dụng đối với những người không được phép ở lại.

Các quốc gia có thể có nghĩa vụ giúp đỡ các đối tác EU của mình bằng cách đề nghị cung cấp nơi ở cho những người đủ điều kiện xin tị nạn, hoặc nếu không thực hiện được điều đó thì phải trả chi phí cho họ ở nơi khác.

Lượng người xin tị nạn ở Liên minh châu Âu vào các năm 2022 (màu xanh) và 2023 (màu đen). Ảnh đồ họa: DW

27 quốc gia thành viên EU phải thông qua gói cải cách này, có thể trong một cuộc bỏ phiếu vào cuối tháng 4, trước khi nó bắt đầu có hiệu lực vào năm 2026. Các nhóm từ thiện và nhân quyền cho biết chính sách mới có thể "mang lại một tia hy vọng cho nhiều người tị nạn trên toàn cầu".

Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser mô tả kết quả này là một thành công lớn và rất quan trọng: "Sau nhiều năm đàm phán khó khăn, chúng tôi đã nhất trí về hiệp ước toàn diện này và vượt qua được sự chia rẽ sâu sắc ở châu Âu".

Tuy nhiên vẫn có những bên không hài lòng với các chính sách trong hiệp ước mới này. Nghị sĩ Thụy Điển Malin Bjork nói rằng hiệp ước này không giải quyết bất cứ vấn đề nào được đặt ra, "làm suy yếu quyền xin tị nạn" ở châu Âu do nó dựa trên kế hoạch trục xuất người di cư của một số nước EU.

Hiệp ước được soạn thảo sau khi 1,3 triệu người, hầu hết là những người chạy trốn xung đột ở Syria và Iraq, tìm đến châu Âu vào năm 2015. Sự tràn vào ồ ạt của người di cư khiến hệ thống tị nạn của EU sụp đổ, các trung tâm tiếp nhận bị quá tải ở Hy Lạp và Ý, khiến các quốc gia xa hơn về phía bắc đã xây dựng các rào cản để ngăn người tị nạn.

Ngọc Ánh (theo AP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lien-minh-chau-au-thong-qua-viec-sua-doi-luat-di-cu-sau-nhieu-nam-tranh-cai-post291309.html