Lo mất hàng trăm triệu vì mua thẻ điểm du lịch nghỉ dưỡng

Nhiều khách hàng chi hàng trăm triệu đồng để mua dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng nhưng khi cần sử dụng lại không thể liên hệ được với doanh nghiệp bán sản phẩm.

Mới đây, nhiều người phản ánh đã bỏ ra số tiền hàng trăm triệu đồng để mua dịch vụ nghỉ dưỡng của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Du lịch kỳ nghỉ gia đình hạnh phúc (HFV). Tuy nhiên, khi cần sử dụng dịch vụ, phần lớn họ không thể liên hệ được với doanh nghiệp này.

Do không liên lạc được với Công ty HFV, nhiều khách hàng đã gửi đơn cầu cứu cơ quan chức năng. Ảnh: TÚ UYÊN

Dùng chiêu dụ khách hàng mua thẻ điểm

Ông KH (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) kể năm 2019 ông nhận được điện thoại của nhân viên Công ty HFV mời đến văn phòng tại một tòa nhà ở đường Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh) để khảo sát nhu cầu du lịch của gia đình.

Tại đây, nhân viên tư vấn giới thiệu sản phẩm thẻ điểm HFV. Mỗi thẻ giá 170-185 triệu đồng, được quy đổi thành điểm (1 điểm trị giá 2 triệu đồng). Thẻ được áp dụng tại những nơi nghỉ dưỡng mà công ty này liên kết (khách hàng dùng cho đến khi hết điểm). Nếu khách hàng ký hợp đồng sẽ được công ty tặng ngay 15 điểm trong trong thẻ (tương đương 30 triệu đồng). Ông KH đã mua thẻ điểm trị giá 170 triệu đồng nhưng thực tế đóng 140 triệu đồng.

Tương tự, bà Chi (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết nhân viên Công ty HFV chào hợp đồng trị giá 185 triệu đồng. Đồng thời đưa ra điều kiện nếu mua ngay ngày tư vấn sẽ giảm còn 177 triệu đồng nên bà đồng ý.

“Tuy nhiên, khi gia đình đến khu nghỉ dưỡng thì nhân viên lễ tân cho biết không nhận được booking nào. Tôi liên lạc với bộ phận chăm sóc khách hàng của công ty thì họ cho biết do tôi không xác nhận đặt phòng. Thật vô lý, nếu tôi không xác nhận đặt phòng thì làm sao đã chuyển khoản tiền ăn sáng cho Công ty HFV” - bà Chi kể.

Theo nhóm khách hàng, vào tháng 4-2021, công ty này gửi email thông báo tạm dừng hoạt động một năm (từ ngày 11-11-2021) do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng đến nay vẫn im ắng.

Khi khách hàng gửi thư qua đường bưu điện, các thư đều bị hoàn trả vì văn phòng, địa điểm kinh doanh không hoạt động. Khách hàng liên lạc qua điện thoại, email đều không được, đến tận trụ sở cũng không có ai ở đó.

Theo nhóm khách hàng, có khoảng 32 người đã mua thẻ điểm của công ty này với tổng số tiền gần 5 tỉ đồng. Nhóm khách hàng cho biết sẽ làm đơn cầu cứu cơ quan chức năng để được giúp đỡ, giải quyết.

Sở Du lịch TP khuyến cáo khách hàng trước khi ký hợp đồng nên đọc kỹ, tìm hiểu rõ về công ty và tham khảo với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.

Cần tìm hiểu kỹ trước khi mua dịch vụ

Đại diện Sở Du lịch TP.HCM cho biết qua kiểm tra, nắm bắt thông tin ban đầu của sở, giấy đăng ký kinh doanh của công ty là đại lý du lịch, không đăng ký chức năng lữ hành.

“Theo quy định, công ty này không thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Du lịch nhưng sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phát hành thư mời đơn vị này đến làm việc. Sau khi có kết quả, sở sẽ thông báo đến cơ quan truyền thông và khách hàng” - đại diện Sở Du lịch TP cho biết.

Đối với tất cả phản ánh có liên quan đến du lịch, sở luôn khẩn trương chỉ đạo các phòng chuyên môn xác minh, kiểm tra. Nếu có sai phạm trong lĩnh vực du lịch sẽ được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

“Chúng tôi khuyến cáo khách hàng trước khi ký hợp đồng nên đọc kỹ, tìm hiểu rõ về công ty và tham khảo với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch” - đại diện Sở Du lịch TP.HCM nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết sau khi ký hợp đồng với khách hàng, công ty đóng cửa, không cho khách hàng liên quan, không trả lại tiền cho khách hàng là có dấu hiệu của hành vi chiếm đoạt tài sản. Những khách hàng bị thiệt hại nên tố giác với cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, tổng số tiền mà các khách hàng đã mua gói dịch vụ theo phản ánh sơ bộ đã gần 200 triệu đồng. Nếu sau khi cơ quan chức năng xác minh là đúng, những người thực hiện có khả năng bị truy tố tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo BLHS năm 2015 (sửa đổi năm 2017).

Cũng theo luật sư Hậu, về nguyên tắc, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch cần phải đăng ký với Bộ KH&ĐT và được Bộ VH-TT&DL cho phép thông qua hình thức như giấy phép kinh doanh, quyết định công nhận...

Trong vụ việc này, nếu công ty cung cấp dịch vụ du lịch có các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh đại lý lữ hành, cơ quan chức năng sẽ xem xét để xác định liệu có hay không việc công ty không đảm bảo quyền lợi của khách hàng, tự ý ngừng hoạt động và các sai phạm khác. Trên cơ sở đó, quyết định áp dụng biện pháp xử phạt hành chính tương ứng được quy định tại Nghị định 45/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.•

Căn nhà 390/23 Phạm Văn Bạch, phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM không có bảng hiệu công ty nào. Ảnh: T.UYÊN

Không thể liên lạc được với Công ty HFV

Trên hợp đồng giữa Công ty HFV với khách hàng thể hiện: Công ty HFV có trụ sở chính tại 40/20B Nguyễn Giản Thanh, phường 15, quận 10, TP.HCM. Ngày 25-11-2020, Công ty HFV gửi email cho khách hàng thay đổi địa điểm công ty về địa chỉ tầng 4, tòa nhà Serepok, 56 Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TP.HCM.

Để có phản ánh đa chiều, PV đã nhiều lần gọi điện thoại cho lãnh đạo Công ty HFV nhưng tất cả số điện thoại (theo hợp đồng với khách hàng và số đăng ký với cơ quan chức năng khi thành lập công ty) đều đã khóa máy.

Không thể liên lạc qua điện thoại, PV tìm đến văn phòng Công ty HFV (theo email thông báo cho khách hàng tại 56 Nguyễn Đình Chiểu, quận 1) thì lễ tân tòa nhà cho biết hiện không có tên công ty nào như vậy thuê văn phòng tại đây.

Tháng 1-2023, Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết công ty này vẫn chưa đăng ký giải thể. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cấp lần một vào ngày 8-6-2019, đăng ký thay đổi lần sáu vào ngày 26-4-2022. Địa chỉ trụ sở chính tại 390/23 Phạm Văn Bạch, phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM. Ngày 15-4, PV tìm đến địa chỉ trên thì chỉ có căn nhà đang đóng cửa, không có bảng hiệu công ty nào.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/lo-mat-hang-tram-trieu-vi-mua-the-diem-du-lich-nghi-duong-post729227.html