'Luật chơi' mới về thương mại và đầu tư

Với khoảng 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn lực hạn chế sẽ gặp khó khăn trong đầu tư chuyển đổi kinh doanh theo hướng bền vững hơn.

Ông Hoàng Minh Chiến.

Phát biểu tại tọa đàm “Phát triển xanh: cách tiếp cận phù hợp cho các thương hiệu Việt”, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng toàn cầu, hình thành “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư.

Tuy nhiên, theo ông Chiến, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa phần lớn dừng lại ở mức cân nhắc mà chưa có những bước triển khai cần thiết. Ông Chiến cũng cho rằng có 5 thách thức đối với DN Việt Nam trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Cụ thể: Thứ nhất, am hiểu cần thiết để đáp ứng các chuẩn mực cao về môi trường, trách nhiệm xã hội, quản trị DN. Thứ hai, chi phí và nguồn lực của DN còn hạn chế. Thứ ba, hạn chế về công nghệ sản xuất cũ đang sử dụng trong khi chưa thể thay thế công nghệ mới. Thứ tư, có thể gặp rủi ro nếu quản lý không tốt do thiếu kinh nghiệm, hạn chế về kỹ năng. Và cuối cùng là sự hỗ trợ.

Vẫn theo ông Chiến, nhiều DN ngại đi trên “con đường màu xanh” khi mà không ít DN nhỏ và vừa vẫn có tư duy coi phát triển bền vững là một gánh nặng với họ.

Tới nay, nhiều DN đã xác định được việc đổi mới công nghệ là chìa khóa để thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế số, kinh tế xanh; nhưng lại thiếu nguồn nhân lực để thực hiện. Khó khăn thấy rõ mà nhiều DN Việt Nam đang đối mặt là khả năng tiếp cận các nguồn vốn đầu tư cho công nghệ xanh, công nghệ số; trong đó có dòng vốn đến từ trái phiếu, chứng khoán. Bên cạnh đó, DN cũng gặp khó ở khâu kết nối và chia sẻ dữ liệu, khi gần 80% dữ liệu nằm rải rác ở các bộ, ngành, chỉ có khoảng 30% đơn vị hành chính công cung cấp dữ liệu mở. Khi chuyển đổi số, nguy cơ rủi ro an ninh mạng gia tăng, nhiều DN chưa có chiến lược ứng phó.

Ông Phạm Văn Thinh.

Phát biểu tại Diễn đàn kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 do Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức, ông Phạm Văn Thinh - Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng, quan sát trong những năm qua Việt Nam đã thảo luận rất nhiều về chuyển đổi xanh nhưng hành động còn ít. “Có thể chúng ta còn áp lực về cơm áo gạo tiền hàng ngày. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các DN thường phải lo tìm kiếm lợi nhuận, tối ưu lợi nhuận trước đã” - ông Thinh nói về trở ngại đầu tiên của quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam từ đó kêu gọi cộng đồng DN, các cơ quan quản lý cùng hành động tích cực hơn để chuyển đổi xanh.

Thách thức thứ hai đang đặt ra là vấn đề nguồn lực tài chính. Ông Thinh cho biết đa số DN của Việt Nam là DN nhỏ và vừa, không có đủ nguồn lực để chuyển đổi xanh và bền vững. Thách thức thứ ba là chuyển dịch lực lượng lao động và bài toán đối với Việt Nam khi tiến hành chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là cần lực lượng lao động có tay nghề cao. Đây là thách thức lớn đối với nền kinh tế.

Nhìn chung, các chuyên gia đều nhấn mạnh xu hướng tất yếu và mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn hiện nay là phát triển kinh tế số, kinh tế xanh để có tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế này. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, các DN Việt Nam nên tập trung chuyển đổi, sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, có giải pháp sử dụng năng lượng bền vững thay thế cho nguồn năng lượng ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, các DN hướng tới thiết kế, sản xuất những sản phẩm có khả năng tái chế, giảm thiểu phát sinh chất thải gây ô nhiễm cho môi trường.

Thực tế cho thấy, trên phạm vi toàn cầu đã hình thành “luật chơi mới” về thương mại và đầu tư. Quan trọng là phải nắm rõ xu thế đó, để có nhiều hơn những nỗ lực từ DN cũng như hỗ trợ từ phía nhà nước, mà cụ thể là ưu đãi lãi suất thuế vay ngân hàng dành cho quá trình chuyển đổi của DN công nghệ xanh, công nghệ số.

Theo Văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), DN của Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, năng lực công nghệ hạn chế, hơn 97% DN là nhỏ và siêu nhỏ; chỉ có khoảng 5% DN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; 70% DN sử dụng công nghệ trung bình. Việt Nam hiện có nguồn nhân lực công nghệ thông tin khoảng 500.000 người, trong khi nhu cầu tới năm 2025 là 1 triệu người; gần 77% lao động trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo sơ cấp. Đại diện Văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia cho rằng, trong ngành bán dẫn, các DN nên đầu tư vào cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ để phát triển các nghiên cứu, tránh tình trạng làm thuê cho công ty nước ngoài.

N.Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/luat-choi-moi-ve-thuong-mai-va-dau-tu-10279097.html