Mang yêu thương đến với bà con vùng lũ

Miền Trung được ví là vùng đất 'chảo lửa, túi mưa'. Ở dải đất hẹp nhất đất nước này, con người luôn phải gồng lên chống chọi với thiên tai khắc nghiệt để tồn tại.

Nhưng có lẽ đã mấy chục năm lại đây “khúc ruột, đòn gánh gánh hai đầu đất nước” này mới lại phải đối mặt với nạn đại hồng thủy như đợt lũ lụt vào trung tuần tháng 10/2020 vừa qua.

Nỗi đau mất mát

Nhà thơ xứ Nghệ Hoàng Trần Cương đã rất tài tình khi khắc họa sự tàn độc của thiên nhiên đối với dải đất miền Trung bằng 2 câu:

“Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ

Không ai gieo cứ mọc trắng mặt người...”.

Những đứa trẻ ở tỉnh Thừa Thiên Huế ngày đầu tiên được đi học sau khi cơn bão lũ đi qua miền Trung, với niềm vui mừng đón nhận đoàn từ thiện. Những chiếc áo ấm đã đến với các em kịp thời, thiết thực ngay sau các cơn bão số 12 và 13.

Năm 2020 cũng không ngoại lệ. Khi Sài Gòn chói chang ánh nắng, Hà Nội lãng đãng tiết thu thì miền Trung lại phập phồng bão lũ. Và sự thật đã diễn ra như vậy. Những ngày từ giữa cho đến cuối tháng 10, những trận bão lũ lịch sử lại chồng lên nhau càn quét miền Trung. Mưa từ thượng nguồn Trường Sơn ngày này nối qua ngày khác xối xả như thác, nhấn chìm miền Trung trong biển nước. Nhà cửa, của cải, ruộng vườn, trâu bò, lợn gà, ngập sâu trong mênh mang nước bạc. Đồi núi lở lói, tan hoang dưới bàn tay của lũ ống, lũ quét. Danh sách người chết cứ thế dài thêm. Một Rào Trăng 3 của Thừa Thiên - Huế trở thành nỗi ám ảnh khi đất đá chôn vùi cả một đoàn quân đi cứu trợ, đang phải vất vả đào bới kiếm tìm. Chỉ mấy hôm sau, lại thêm Hướng Phùng, Quảng Trị, 22 cán bộ, chiến sỹ Quân khu Bốn bị núi lở ụp, ra đi trong bàng hoàng, xót xa của cả nước. Tôi không thể nào nguôi ngoai nỗi buồn đau, khi đọc mấy câu thơ trên Facebook của Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, những ngày đó.

“Có ai không? Có ai không/ Lặng im núi, lặng im sông, lặng tờ.../Cứ như ở giữa cơn mơ/Xót lòng đồng đội, thẫn thờ gọi nhau!...”

Ở Hà Tĩnh mưa lớn kéo dài hàng tuần lễ, lượng mưa đo được có ngày lên đến 1.383,6mm như ở TP. Hà Tĩnh, 1.260mm ở Hồ Kẻ Gỗ, 1.221,5mm ở Thạch Đồng (Thạch Hà), làm 118 xã, phường chìm sâu trong mênh mông biển nước. Cơn lũ tháng 10/2020 ở đây đã được GS. Nguyễn cảnh Thái - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi nhận định, tương ứng cơn lũ xảy ra cách đây 200 năm. Một sự thiệt hại, mất mát không thể đong đếm được ở 11 huyện, thành phố của Hà Tĩnh. 6 người dân vĩnh viễn ra đi dưới bàn tay thủy quái, 5.300 tỷ đồng chắt chiu bao năm nay về vật chất, của cải, cơ sở hạ tầng của cả tỉnh bỗng chốc trôi theo dòng nước.

Ông Mai Văn Thuận – Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Kỹ thuật Á Châu giúp các thầy, cô thử mũ bảo hiểm được trao tặng.

Những trận bão chồng, lũ kép đã để lại cho miền Trung nước ta những con số nhói lòng: hàng trăm người chết, mất tích, khoảng 112.000 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại ước tính lên tới hơn 2,8 nghìn tỷ đồng!

Kết nối tình người sau lũ dữ

Sáng 12/11/2020, TP. Hà Tĩnh vẫn tầm tã mưa, tôi nhận được điện thoại của anh Mai Phúc – Trưởng cơ quan Đại diện phía Báo Nhà báo & Công luận tại TP. Hồ Chí Minh báo tin: xe chở hàng cứu trợ của báo và các doanh nghiệp đồng hành sẽ ra đến VP Đại diện Bắc miền Trung vào cuối buổi sáng.

Đây là chuyến xe chở 56.000 chiếc áo ấm, 25 máy lọc nước và hơn 100 chiếc mũ bảo hiểm thuộc chương trình “Tấm áo nghĩa tình miền Trung” đến với các em học sinh 5 tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng sau bão lũ. Chương trình do Báo Nhà báo & Công luận đứng ra tổ chức với sự đồng hành của Công ty TNHH sản xuất thương mại Á Châu cùng với Công ty CP Điện lạnh Đại Việt và các Công ty TNHH Pima; sản xuất thương mại Vải Thun Song King. Ngoài ra còn có một số nghệ sỹ, người mẫu nổi tiếng góp mặt trong chuyến thiện nguyện ý nghĩa này.

Những phần quà được trao tận tay cho các trường học tại tỉnh Hà Tĩnh.

Gần cuối giờ sáng ngày 12/11/2020, với sự cảm thông giúp đỡ của CSGT Công an TP. Hà Tĩnh, chiếc xe tải trọng 15 tấn tiến vào sân VPĐD Bắc miền Trung trong màn mưa dày đặc. Cán bộ, phóng viên của VP được sự trợ giúp của lái xe và các cơ quan bạn, hăm hở quên cả đói, mệt, động viên nhau làm đến hơn 12 giờ trưa mới bốc xong 300 kiện hàng gồm 5 tấn áo ấm, máy lọc nước và mũ bảo hiểm vào nhập kho.

Ngay sáng sớm hôm sau, Đoàn thiện nguyện của chúng tôi bước vào chặng đầu tiên của chuyến hành trình đến với 13 trường THCS và THPT của TP. Hà Tĩnh, huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Vũ Quang, Hương Khê. Với các thành viên trong đoàn, chuyến đi tuy cập rập, vất vả nhưng thu về nhiều ấn tượng khó quên.

Tại trường THCS Đại Nài (TP. Hà Tĩnh) khi được các anh Mai Văn Thuận – TGĐ Công ty Á Châu, Mai Phúc và các nhà báo trong đoàn tự tay khoác những chiếc áo ấm mới tinh vào người mình, các em tíu tít chen nhau chụp hình cùng các chú. Những khuôn mặt vừa mới đây còn đau đớn, thất thần bởi mất mát của gia đình, nay rạng ngời trong ấm áp tình người. Ai nấy dường như quên đi các phòng học còn lấm lem bùn đất, hàng chồng sách vở bị hỏng, ướt còn phơi trắng xóa trên sân trường. Thầy Võ Tá Lợi - Phó Trưởng Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Thạch Hà xúc động nói sau khi cùng đoàn trao 1.495 chiếc áo ấm cho học sinh trường THPT Lê Quý Đôn: “Lãnh đạo địa phương và các thầy cô cùng các em vô cùng trân quý tình cảm của Báo NB&CL cùng các đơn vị đồng hành. Các anh chị đã mang những chiếc áo ấm nghĩa tình đến các trường vùng lũ đúng vào dịp đợt gió mùa Đông Bắc đầu tiên”.

Niềm vui của các PV, BTV và cán bộ, nhân viên Báo Nhà báo và Công luận cùng đơn vị phối hợp khi được trao quà vận chuyển đến các trường.

Tạm biệt Hà Tĩnh ngay trong chiều tối hôm ấy, đoàn xe tiếp tục chở đoàn cùng hơn 40 ngàn chiếc áo nghĩa tình đến với các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Trị trong sự lưu luyến, cảm động khó rời. Do bão số 13 đổ vào miền Trung đúng dịp này, đoàn chúng tôi sau khi đến với một số trường học ở Quảng Ninh, Lệ Thủy (Quảng Bình) phải vòng tránh, tạm bỏ qua Quảng Trị vì đường bị ngập sâu, để vào thẳng Cố đô Huế và Quảng Nam. Hôm đi qua TP. Huế, ai nấy đều nhói lòng khi chứng kiến một trường học ở huyện Phú Vang, nhiều phòng học trống trơn vì bị bão số 13 thổi bay. Có những cây xà cừ cổ thụ hàng trăm năm tuổi cũng bị bão xô bật gốc, đổ ụp bên bờ Sông Hương.

Tại trường học ở các tỉnh này, ngắm nhìn các cháu trong những chiếc áo thun đồng phục vừa được đoàn trao tặng, lòng chúng tôi rộn lên niềm vui. Một bé gái ở trường THPT Lệ Thủy (Quảng Bình) ôm chầm lấy một chú trong đoàn, nói trong ràn rụa nước mắt: “Cháu tên Lệ Hà, ở xã Dương Thủy, là người vô cùng may mắn đã hai lần được nhận quà thăm hỏi của Báo Nhà báo & Công luận”. Thì ra, Lệ Hà chính là một trong những học sinh đã được báo chúng tôi trao quà nhân ái sau trận lũ lịch sử năm 2016 và lần này.

Những phần quà được trao tận tay cho các trường học tại tỉnh Hà Tĩnh.

Kết thúc đợt tri ân nghĩa tình là một chương trình giao lưu nghệ thuật tại Đài Truyền hình QRT Quảng Trị với nhiều cung bậc cảm xúc khó quên giữa những người trong và ngoài cuộc.

Cả nước vì miền Trung. Miền Trung vì cả nước. Bão lũ qua đi, tình người ở lại. Miền Trung gian lao và anh dũng, sau những kỳ lũ lụt lại chói sáng hơn lên tình người dân Việt.

Với chúng tôi, chuyến đi vừa qua là sự tiếp nối truyền thống “Thương người như thể thương thân” của Báo Nhà báo & Công luận. Chắc chắn cuộc hành trình mang yêu thương đến với người dân vùng lũ chưa dừng lại ở đây. Điều này đã được khẳng định qua tâm sự của nhà báo, Tổng Biên tập Lê Trần Nguyên Huy: “Thiên tai, lũ lụt với mảnh đất hẹp hình chữ S của Tổ quốc này chắc chắn sẽ còn diễn ra. Vì vậy những năm tới, việc làm thiện nguyện của Báo Nhà báo & Công luận sẽ được tổ chức một cách chủ động, khoa học, bài bản, đạt hiệu quả hơn nữa!”.

Khắc Hiển – Trần Phong

Ảnh: Quang Hùng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mang-yeu-thuong-den-voi-ba-con-vung-lu-post116999.html