Mở rộng, minh bạch quy trình đấu thầu tập trung

Mặc dù đã có những chủ trương, giải pháp tích cực, nhưng việc quản lý giá thuốc và vật tư y tế (VTYT) vẫn là thách thức không nhỏ đối với ngành y tế. Để giảm giá thuốc, khắc phục tình trạng mỗi nơi một giá, cần tiếp tục mở rộng đấu thầu tập trung, công khai, minh bạch quy trình cũng như các tiêu chí đấu thầu.

Mới đây, tại hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo Thông tư quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập do Bộ Y tế tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động đấu thầu thuốc và VTYT thời gian qua luôn là mối quan tâm của xã hội. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế nhằm lựa chọn được các loại thuốc và VTYT có chất lượng phục vụ công tác điều trị bệnh cho nhân dân; đồng thời bảo đảm giá hợp lý để tiết kiệm chi phí tiền thuốc cho người bệnh, cho quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) và ngân sách Nhà nước. Thế nhưng, hiện vẫn tồn tại tình trạng đấu thầu thuốc và VTYT mỗi nơi mỗi giá. Thời gian qua, để triển khai công tác mua sắm thuốc và VTYT đối với các bệnh viện công lập, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu thầu, tăng cường công khai, minh bạch, giải quyết các khó khăn, bất cập trong công tác đấu thầu. Tuy nhiên, việc quản lý giá thuốc và VTYT vẫn còn những khó khăn, bất cập.

Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, dẫn chứng: Cùng một loại VTYT nhưng giá chênh nhau quá nhiều. Trong năm 2017, quỹ BHYT thanh toán gần 900 tỷ đồng đối với loại vật tư thủy tinh thể nhân tạo; giá của vật tư này dao động từ 200.000 đồng đến 28 triệu đồng/chiếc. Cùng là vật tư stent mạch vành của Đức, nhưng ở 3 bệnh viện tại Thanh Hóa, Đồng Nai và Bắc Giang lần lượt có giá là 58 triệu đồng, 38,5 triệu đồng và 29 triệu đồng/chiếc… Cũng theo thống kê của BHXH Việt Nam, một số mặt hàng có khối lượng sử dụng lớn, như: Kim luồn tĩnh mạch, thủy tinh thể nhân tạo, stent mạch vành... đang có mức giá chênh lệch lớn giữa các cơ sở y tế. Chẳng hạn, kim luồn tĩnh mạch ở một số cơ sở khám, chữa bệnh giá là 13.000 đồng/chiếc, nhưng có nơi chỉ từ 5.000 đến 7.000 đồng/chiếc...

Đại diện Ban Dược và vật tư y tế, BHXH Việt Nam cũng nêu thực trạng: VTYT là mặt hàng khá đặc thù, nhưng hiện nhiều địa phương vẫn tổ chức đấu thầu như hàng hóa thông thường. Không ít loại VTYT sử dụng nhiều nhưng giá vẫn cao, chênh lệch lớn, thiếu minh bạch, ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn quỹ bảo hiểm và chi phí của người bệnh.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “loạn giá” trên được đại diện các cơ quan chức năng nêu ra là do hiện có rất nhiều nhà cung cấp đến từ nhiều quốc gia; thậm chí cùng một quốc gia cũng có nhiều tiêu chí khác nhau, nhiều hãng khác nhau, chưa kể các hãng còn liên doanh với các nước khác, nên việc kiểm soát về giá và chất lượng rất khó. Có những hãng uy tín, đầu tư nhiều vào công nghệ nên giá cao; có hãng ít tên tuổi hơn, lại có tiêu chí khác nên giá vật tư thấp...

Giá thuốc và VTYT ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng triệu người bệnh, doanh nghiệp, khả năng thanh toán quỹ BHYT… nhưng việc quản lý hiện vẫn là bài toán mà ngành y tế đang phải tiếp tục tìm lời giải. Theo các chuyên gia, để giảm giá thuốc, giảm chi phí khám, chữa bệnh, khắc phục tình trạng mỗi nơi một giá, cần tiếp tục mở rộng danh mục đấu thầu tập trung, công khai, minh bạch quy trình, tiêu chí đấu thầu thuốc và VTYT.

Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Y tế đã tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, ngành liên quan xây dựng bổ sung dự thảo Thông tư quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập. Điểm mới trong việc sửa đổi thông tư lần này là xác định hệ thống tiêu chí kỹ thuật của các nhóm thuốc. Mỗi gói thầu thuốc đều có tiêu chí cụ thể đối với các nhóm thuốc. Nhà thầu có thuốc đáp ứng tiêu chí kỹ thuật của nhóm nào thì được dự thầu vào nhóm đó. Các nhóm thuốc đấu thầu đều phải đáp ứng các tiêu chí: Có nguồn gốc, nguồn cung cấp nguyên liệu rõ ràng; có cùng công thức bào chế; quy trình sản xuất phải giám sát được tiêu chuẩn chất lượng đối với cả sản phẩm thuốc của nước ngoài, hoặc do Việt Nam sản xuất. Đặc biệt, các tiêu chí đưa ra một mặt phải bảo đảm chất lượng thuốc cao nhất, mặt khác hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước tham gia vào đáp ứng các tiêu chí đối với nhóm thuốc chất lượng tốt nhất, theo đúng chủ trương do Chính phủ đề ra trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp dược liệu quốc gia.

Với việc xây dựng thông tư trên, người tiêu dùng và bệnh nhân hy vọng sẽ khắc phục được tình trạng mỗi nơi một giá thuốc và VTYT, giảm chi phí điều trị, bảo đảm nguồn cung ứng chất lượng thuốc tốt nhất trong khám, chữa bệnh.

LƯƠNG NGỌC HẢI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/mo-rong-minh-bach-quy-trinh-dau-thau-tap-trung-547868