Một 'bách khoa toàn thư' về bài chòi

Với hơn 400 trang sách, "Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định" của tác giả Nguyễn An Pha là một công trình nghiên cứu, sưu tầm và biên khảo chứa đựng nhiều tri thức cả về lý luận và thực tiễn của một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống ra đời từ thế kỷ thứ XV ở các tỉnh ven biển miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận mà trong đó, Bình Định được xem là cái nôi của sự phát tích gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ, người được xem là ông tổ của nghệ thuật bài chòi.

Nguyễn An Pha, Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định, NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2019.

Ở phần I- Tổng quan về bài chòi dân gian Bình Định, từ những tìm hiểu và chứng lý lịch sử thấu đáo, tác giả đã cho bạn đọc thấy một điều rất thú vị: Nghệ thuật bài chòi ra đời từ hội đánh bài trong những cái chòi nhưng không hề mang tính bài bạc, tiêu cực mà nó hoàn toàn mang tính giải trí và đại chúng. Trò chơi này càng về sau càng được nâng lên thành một nghệ thuật với tư cách là một nghệ thuật văn hóa dân gian.

Ngay trong phần mở đầu cuốn sách cũng đã cho thấy một chân lý: Nghệ thuật ra đời từ cuộc sống lao động của con người. Từ thuở xa xưa ở Bình Định, nhiều thú dữ trên rừng thường về phá hoại mùa màng, quấy nhiễu cuộc sống của người dân. Để chống lại thú dữ, người dân trong làng đã dựng những chiếc chòi rất cao ở ven rừng và bìa làng. Trên mỗi cái chòi cắt cử một vài thanh niên nông dân trai tráng canh gác, nếu thấy thú dữ về phá hoa màu thì đánh trống, hô to để đuổi chúng... Trong quá trình canh gác ấy, để đỡ buồn chán, họ đã nghĩ ra cách giao lưu với nhau bằng những câu hát, câu hò. Hình thức ban đầu là người trên các chòi đã ngồi trên chòi để hát - hô đối đáp giữa chòi này với chòi khác. Về sau, người dân còn sáng tạo ra cách ngồi trên chòi chơi bài tam cúc (tương tự như chơi bài tổ tôm ở ngoài Bắc). Hình thức vừa chơi bài, vừa hô (hát) giữa các chòi với nhau để giải trí này đã được dân gian gọi là hô bài chòi, khởi nguồn của nghệ thuật bài chòi tồn tại đến ngày nay.

Có thể nói, bằng những tìm kiếm không mệt mỏi với tư cách là một nghệ nhân, một nhà sưu tầm và nghiên cứu, công trình của Nguyễn An Pha đã làm sáng tỏ nhiều ngóc ngách, khía cạnh của một nghệ thuật dân gian quen thuộc với nhiều người nhưng không phải ai cũng có thể hiểu biết về bài chòi và nguồn gốc của nghệ thuật dân gian bài chòi, nâng bài chòi từ chỗ chỉ là một trò chơi khi Tết đến xuân về ở các vùng quê nông thôn Bình Định và các tỉnh Trung Trung Bộ thành một nghệ thuật dân gian mang đậm tính folklore. Đó là đóng góp đáng kể từ Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định.

Ngày nay, cứ vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, chúng ta dễ dàng bắt gặp ở những vùng quê Bình Định từ An Nhơn đến Hoài Nhơn, Tuy Phước... những hội đánh bài chòi râm ran người chơi có khi kéo dài hàng chục ngày từ mồng Một Tết cho đến hết mồng mười tháng Giêng âm lịch. Bởi với người Bình Định, hội đánh bài chòi có một sức cuốn hút kỳ lạ, đến mức: Rủ nhau đi đánh bài chòi/Để con nó khóc cho lòi rún ra (Ca dao Bình Định). Theo Nguyễn An Pha, người Bình Định mê bài chòi vì họ tìm thấy trong đó những bài học về triết lý nhân sinh, về lẽ ứng xử ở đời, về tình yêu vợ chồng, gái trai, đôi lứa. Chẳng thế mà câu hát: Vợ chồng âu yếm mặn nồng/Hai đầu một gối mới hòng yên vui. Không chỉ là câu thai con bài Chín gối trong hô bài chòi mà còn là tình yêu của một đôi vợ chồng trẻ đang thì say đắm nhau không thể tách rời. Hoặc: Thấy anh em cũng muốn theo/Chỉ sợ anh nghèo anh bán em đi... thì đâu chỉ là nói về con nhì nghèo mà đó còn là tình yêu và lòng chung thủy, nghĩa phu thê...

Cứ thế, hội bài chòi sống mãi sau những rặng tre làng, tưng bừng mãi giữa những sân đình hoặc đơn giản trên một khu ruộng bỏ không của làng quê yên ả.

Ngoài những tri thức vừa tổng quan vừa rất cụ thể, Công trình Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định còn mang đến cho bạn đọc những gương mặt nghệ nhân bài chòi tiêu biểu ở vùng đất giàu thơ văn nhạc họa Bình Định từ Nghệ nhân Nhân dân Lê Thị Đào, Nghệ nhân Nhân dân Minh Đức, NSƯT Nguyễn Kiểm cho đến các Nghệ nhân nổi tiếng Trần Văn Tới, NNƯT Minh Lưỡng, NN ƯT Minh Liễu, Nguyễn Văn Quý, Phạm Lau, Nguyễn Thị Kiều My... tất cả đã làm nên một không gian nghệ thuật bài chòi sống động và hấp dẫn.

Điều quý nhất từ Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định đọng lại với người đọc chính là sự hiểu biết, nhận thức thấu đáo của con người Bình Định từ những người thuộc tầng lớp bình dân đến quan chức chính quyền các cấp về một giá trị quý báu của nghệ thuật bài chòi, một loại hình văn hóa phi vật thể mà ở những vùng đất khác không dễ gì có được. Chính họ đã đầu tư không ít trí tuệ, tiền của và công sức để giữ gìn và phát triển các hội bài chòi, và sân khấu bài chòi dân gian trên đất Bình Định sống mãi và phát triển như ngày nay.

Cũng vì thế mà có thể nói, Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định có giá trị như là một cuốn "bách khoa toàn thư" về bài chòi không chỉ riêng cho bài chòi Bình Định.

Chẳng thế mà người Bình Định cũng như những ai yêu mến, quan tâm đến nghệ thuật hô - hát bài chòi đã rất vui mừng và tự hào khi vào ngày 7-12- 2017, UNESCO công nhận Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Riêng tác giả, năm 2019, công trình Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định đã vinh dự nhận giải Nhì B (không có giải A) giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

HÀ TÙNG SƠN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_233164_mot-bach-khoa-toan-thu-ve-bai-choi.aspx