Một cuộc chiến kinh tế mới đã bắt đầu giữa Mỹ và Trung Quốc

Mỹ và Trung Quốc đã bước vào thời kỳ căng thẳng mới liên quan đến một cuộc chiến kinh tế.

Vào ngày 3 tháng 7, Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố áp dụng các biện pháp hạn chế đối với việc xuất khẩu ra nước ngoài hai khoáng sản quan trọng đó là gali và germani cùng các hợp chất khác của chúng.

Đây là thành phần rất cần thiết để sản xuất chất bán dẫn và các sản phẩm công nghệ cao khác (vi mạch và chip).

Hành động của Bắc Kinh là một phản ứng đối với sự "không thân thiện" từ Hoa Kỳ và các đồng minh của họ, bằng mọi cách ngăn cản Trung Quốc phát triển ngành công nghiệp điện tử của mình.

Các chuyên gia gọi vụ việc là “đòn trả đũa của Trung Quốc” và mở đầu cho một vòng chiến kinh tế mới giữa Bắc Kinh và tập thể phương Tây, vốn thực sự muốn hạn chế sự phát triển của quốc gia châu Á này.

Lệnh cấm của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8. Kể từ đó, tất cả các công ty muốn tiếp tục xuất khẩu sản phẩm như vậy sẽ phải nộp đơn lên Bộ Thương mại và cung cấp thông tin về khách hàng. Cơ quan này sẽ bắt đầu hệ thống hóa và phân tích dữ liệu về người mua nước ngoài.

Phương Tây nghi ngờ rằng Bắc Kinh sắp áp đặt lệnh cấm cung cấp cả đất hiếm đối với họ. Theo trung tâm nghiên cứu Critical Minerals Intelligence Centre của Anh, Trung Quốc chiếm khoảng 94% sản lượng gali trên thế giới.

Theo giám đốc công ty Lipmann Walton & Co, ông Anthony Lipmann - đơn vị kinh doanh đất hiếm, hành động như vậy có thể gây nhiều rắc rối và dẫn đến hậu quả cực kỳ tiêu cực cho ngành công nghệ cao.

Gali là thành phần quan trọng để sản xuất chip bán dẫn và radar công nghệ cao.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia trong ngành tin rằng hành động của Trung Quốc có thể kích thích sản xuất kim loại hiếm ở các khu vực khác trên hành tinh.

Có ý kiến cho rằng gali và germani không được phân loại là kim loại hiếm, vì chúng cũng có thể thu được trong quá trình xử lý các loại nguyên liệu thô khác, bao gồm than và bauxite dưới dạng sản phẩm phụ. Chỉ là người Trung Quốc giữ giá thấp nhất.

Một mặt, sẽ dễ dàng thay thế Trung Quốc trên thị trường, vì châu Âu cũng có đủ dự trữ, nhưng mặt khác không phải mọi thứ đều đơn giản như vậy.

Trước tiên cần tăng sản lượng khai thác, chúng sẽ đắt hơn các sản phẩm của Trung Quốc. Sau đó, cần phải bão hòa thị trường, điều này có thể không hiệu quả, bởi vì với sự phát triển của công nghệ, nhiều kim loại hơn sẽ được yêu cầu.

Đổi lại, người đứng đầu công ty phân tích Hallgarten - ông Christopher Ecclestone, chuyên về lĩnh vực khai thác, tự tin cho rằng hành động của Trung Quốc cuối cùng có thể dẫn đến việc bắt đầu sản xuất lớn đối với kim loại này ở phương Tây.

"Giá sẽ tăng trong một thời gian ngắn, nhưng sau đó Trung Quốc sẽ mất vị trí thống lĩnh thị trường, như đã xảy ra trước đó với antimon, vonfram và đất hiếm", ông Ecclestone nhận xét.

Lưu ý rằng vào cuối tháng 6, các hãng tin như Wall Street Journal và Financial Times cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nghiên cứu khả năng đưa ra các hạn chế mới đối với việc xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo (AI) sang Trung Quốc và những quốc gia "đáng ngờ" khác, có thể được sử dụng bởi quân đội.

Lệnh cấm giao hàng không có giấy phép đặc biệt có thể được đưa ra sớm nhất vào tháng 7 và đặc biệt sẽ ảnh hưởng đến những công ty sản xuất chip như Nvidia và AMD. Điều này đã khiến cổ phiếu Nvidia giảm 3% và con số này của AMD là 2,4%.

Theo Reporter

Sao Đỏ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mot-cuoc-chien-kinh-te-moi-da-bat-dau-giua-my-va-trung-quoc-post645614.html