Một nghị quyết hợp ý Đảng – lòng Dân

Thành phố Hà Giang phấn đấu đến năm 2025 trở thành đô thị loại II; xây dựng thành phố sáng - xanh - sạch - đẹp và đáng sống. Để hiện thực mục tiêu đó, cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân thành phố Hà Giang đang triển khai quyết liệt các giải pháp cụ thể hóa Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 21.9.2020 của BTV Thành ủy về xã hội hóa (XHH) xây dựng, chỉnh trang đô thị giai đoạn 2020 - 2025.

Bà Hoàng Thị Lâm, Bí thư Chi bộ tổ 16, phường Nguyễn Trãi trao đổi với chủ đầu tư Dự án Cải tạo nâng cấp đường Nguyễn Du phương án triển khai thực hiện dự án.

Sau hơn 3 năm thực hiện, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ thành phố, đến xã, phường, tổ dân phố, đặc biệt là sự đồng thuận của người dân, công tác XHH chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố đạt được kết quả khá toàn diện. So với thời điểm trước khi có nghị quyết, đến nay từ thành phố đến các vùng nông thôn như được “thay da, đổi thịt” bằng những công trình chỉnh trang đô thị theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tiêu biểu như khu vực Tượng đài Bác Hồ tại Quảng trường 26/3; sân Công viên Cây xanh và Cột mốc số 0; khu vực trước cổng Tỉnh ủy, UBND tỉnh; Thành ủy, UBND thành phố… Tại khu vực trung tâm thành phố - Quảng trường 26/3 và Công viên Cây xanh, Cột mốc số 0 đã được thành phố triển khai lát đá, lắp hệ thống đèn Led và các tiết chế văn hóa phục vụ những sự kiện văn hóa, kinh tế, chính trị lớn của tỉnh, thành phố và phục vụ người dân thành phố thư giãn, thể dục, thể thao. Tại đây hàng tuần đón hàng nghìn khách du lịch, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần. Đa số du khách đến đây đều ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp của một thành phố trẻ nơi cực Bắc của Tổ quốc từng bước hiện đại nhưng vẫn giữ được sự bình yên vốn có, với điểm nhấn là dòng sông Lô thơ mộng và sự bài trí hài hòa trong kiến trúc của các công trình và công tác chỉnh trang đô thị.

Du khách chụp ảnh lưu niệm trên núi Cấm.

Sau 5 năm trở lại Hà Giang, du khách Lê Hồng Vinh, quận Ba Đình (Hà Nội) không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của thành phố Hà Giang. Ông nhớ lại: Trước dịch Covid-19, đoàn du khách của ông có lên thăm Hà Giang, ngoài cảm nhận về một thành phố yên bình, con người thân thiện, mến khách, một cảm giác khác cũng xen lẫn trong ông đó là sự hiu quạnh, bởi lòng đường, hè phố “cổ kính” quá mức… Trầm tư bên ly cà phê trên đỉnh núi Cấm một hồi lâu, ông như bừng tỉnh, cười nói: “Hà Giang rất đẹp! Ngoài vẻ đẹp sẵn có thiên nhiên ban tặng như núi Mỏ Neo, núi Cấm, dòng sông Lô; người Hà Giang được cả nước biết đến bởi sự chân tình, cởi mở và hiếu khách. Lần này, sau mấy năm quay lại, dạo quanh một vòng, cảm nhận của tôi thành phố Hà Giang như “lột xác”. Những con đường đã được cải tạo, nâng cấp trải thảm át – phan; vỉa hè được lát đá khang trang, sạch đẹp hơn”. Ông cũng cho biết thêm: Đặc biệt ấn tượng với Quảng trường 26/3, khu vực Công viên Cây xanh, Cột mốc số 0 và những công trình kiến trúc độc đáo, mang đậm bản sắc vùng cao như Bảo tàng tỉnh đã tạo nên một thành phố Hà Giang “xưa và nay”.

Dưới cái nắng cuối Thu, đầu Đông, con đường Nguyễn Du (đường bờ sông), phường Nguyễn Trãi như rộng hơn, đẹp hơn. Nhớ lại, hơn một năm về trước, con đường này được biết nhiều bởi “ổ voi”, “ổ gà”. Nay được sự đầu tư của thành phố, sự đồng thuận của nhân dân, con đường đã mang diện mạo mới, khang trang – sạch đẹp.

Bà Hoàng Thị Lâm, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 16, phường Nguyễn Trãi cho biết: Khi thành phố, phường Nguyễn Trãi thông báo đầu tư nâng cấp con đường Nguyễn Du, toàn bộ nhân dân trong tổ, với 150 hộ đều rất vui mừng, bởi con đường này đã xuống cấp khá nghiêm trọng, toàn tổ đã đề nghị thành phố nâng cấp hàng chục năm nay giờ mới thực hiện. Triển khai dự án, chi ủy, chi bộ đã họp phân công nhiệm vụ cho các đoàn thể đến 130 hộ liên quan để tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp, phối hợp với đơn vị thi công làm cống, rãnh, lát vỉa hè… từ đó 100% hộ có liên quan đều đồng thuận nên công việc tiến triển khá suôn sẻ. Để công trình đảm bảo chất lượng, mỹ quan, tổ dân phố 16 cũng đã thành lập Tổ giám sát cộng đồng, đảm bảo “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Thực hiện công tác xã hội hóa chỉnh trang đô thị lát vỉa hè, lề đường, đến hết năm 2023, thành phố đã thực hiện nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, lát gạch, đá vỉa hè 24 tuyến đường phố trong đô thị, với tổng diện tích gần 41.425 m2; trải thảm bê tông át - phan được 21.967 m2, trên 43.765 m2 mặt đường bê tông xi măng và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác… với tổng kinh phí gần 185,42 tỷ đồng, trong đó Nhà nước đầu tư gần 119,754 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 65,665 tỷ đồng.

Đồng chí Hầu Minh Lợi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hà Giang cho biết: Với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh, là nơi kết nối các trung tâm du lịch lớn của tỉnh, thành phố Hà Giang xác định xây dựng thành phố theo hướng hiện đại, sáng – xanh – sạch – đẹp, cụ thể là công tác chỉnh trang đô thị là nhiệm vụ quan trọng, trên tinh thần xã hội hóa, phát huy nội lực trong nhân dân. Có thể khẳng định Nghị quyết 02 đã đi vào cuộc sống, hợp với ý Đảng – lòng Dân. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác xã hội hóa chỉnh trang đô thị; phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về công tác đô thị; sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của thành phố để đầu tư thi công hạ tầng; đẩy mạnh xã hội hóa công tác xây dựng, chỉnh trang đô thị thành phố Hà Giang để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng thành phố Hà Giang hoàn thành tiêu chí đô thị loại II vào năm 2025”.

Bài, ảnh: VĂN NGHỊ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202402/mot-nghi-quyet-hop-y-dang-long-dan-880664a/