Một người làm quan,…

BPO - Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam có câu thành ngữ rằng, “Một người làm quan, cả họ được nhờ” hay “một người làm quan, trăm họ được nhờ”. Những tưởng cả nghĩa bóng và nghĩa đen của câu thành ngữ này chỉ phù hợp và tồn tại trong xã hội ngày xưa, nhưng xem ra với thực tế ngày nay nó vẫn còn tồn tại bởi những cái rễ “cọc”. Bằng chứng là trong lúc cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đang gồng mình phòng, chống đại dịch Covid-19 với quyết tâm cao nhất, thì lại có những người “ngồi không” trong nhà, không thuộc diện ưu tiên nhưng nhờ có quan hệ thân quen hoặc là “con ông cháu cha” nên đã được tiêm vắc xin trước. Đã vậy, họ còn công khai khoe mẽ trên mạng xã hội. Và điều này đã dấy lên sự bất bình trong cộng đồng.

Giọt nước tràn ly

Đó là vào ngày 15-7-2021, á hậu N.T.N và hiện là doanh nhân đã chia sẻ hình ảnh tiêm vắc xin tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội. Kèm theo hình ảnh là những dòng trạng thái với nội dung: “Có người anh vừa tài giỏi xuất chúng, khả năng lãnh đạo siêu phàm mà có tấm lòng nhân ái, lo sức khỏe cho những người xung quanh. Người anh là TS.BS Đỗ Đình Tùng, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội đã vô tình hỏi mình rằng: Cô đã tiêm vắc xin chưa? Thế rồi trao đổi qua lại và mình quyết định gửi thông tin để người anh đăng ký và hôm nay mình chính thức đã được tiêm vắc xin”.

Tiếp đó, thêm giọt nước đã làm tràn ly là vào ngày 19-7-2021, trên tài khoản facebook cá nhân có tên là V.P.A đã "khoe" được ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 của Pfizer. Và chủ tài khoản này đã viết một đoạn trạng thái với nội dung: Dịch bệnh ngày càng đáng sợ, kể cả AstraZeneca cũng được, nhưng 2 vợ chồng cứ muốn chờ Pfizer để tiêm. Đúng như mong đợi, tối qua vừa đọc báo Hà Nội giãn cách, thì ông ngoại gọi điện mai tiêm luôn, Pfizer con nhé, mà thở phào nhẹ nhõm. Hoàn thành mũi 1, vậy là cũng có chút yên tâm giữa đại dịch ngày càng đáng sợ. Cảm ơn ông bà ngoại lúc nào cũng kịp thời lúc các con cần. Chưa hết, cũng ở dòng trạng thái này, chủ tài khoản còn đăng kèm ảnh đang tiêm vắc xin, cùng 2 tấm giấy xác nhận đã tiêm vắc xin phòng Covid-19, do Bệnh viện Hữu Nghị (Bộ Y tế) cấp. Đã vậy, khi nhiều bạn bè vào bình luận, hỏi về thủ tục đăng ký thế nào để được tiêm vắc xin phòng Covid-19, thì tài khoản V.P.A vô tư trả lời rằng: “Chị không đăng ký em ạ. Chờ đăng ký không biết đến bao giờ mới được tiêm”.

Hai sự việc nêu trên đã khiến cộng đồng mạng phẫn nộ. Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ “cô V.P.A là con cháu của ai”, mà không cần đăng ký nhưng vẫn được tiêm vắc xin, trong khi nhiều người đang chờ đợi để đăng ký tiêm. Vì, theo chiến lược tiêm chủng của Việt Nam từ tháng 7-2021 đến tháng 4-2022, có 16 đối tượng được ưu tiên tiêm chủng. Trong đó, ưu tiên đầu tiên cho các y, bác sĩ, người tham gia phòng chống dịch, lực lượng quân đội, công an, cán bộ ngoại giao, hải quan, người cung cấp dịch vụ thiết yếu… Do số lượng vắc xin Covid-19 hạn chế, Việt Nam vẫn đang triển khai tiêm theo thứ tự ưu tiên nêu trên. Các đơn vị trong danh sách được ưu tiên tiêm đều phải lập danh sách, có xác nhận, đóng dấu của lãnh đạo đơn vị. Và cần hiểu rõ rằng, sự ưu tiên này là ưu tiên cho nhóm có nguy cơ là những bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu, cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội phục vụ công tác phòng, chống dịch..., không phải ưu tiên cho những người có vị thế, quan hệ hay quen biết… Vì vậy, việc một số cá nhân dùng ảnh hưởng, quan hệ để có “suất” tiêm vắc xin khiến dư luận bất bình và cho rằng, đây là hành động lố bịch, vô cảm, thiếu sự chia sẻ với người dân và cả nước.

Một người làm quan, cả họ “giữ mình”

Trước tình hình nêu trên, Thanh tra Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị báo cáo, giải trình cụ thể, chi tiết về sự việc nói trên. Về trường hợp của á hậu N.T.N, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã yêu cầu Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo triển khai ngay kiểm tra thông tin trên liên quan việc tiêm vắcxin phòng Covid-19 tại Bệnh viện Xanh Pôn. Đồng thời, khẩn trương báo cáo, giải trình cụ thể các thông tin nêu trên, báo cáo gửi về Văn phòng UBND thành phố. Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu toàn bộ các đơn vị, lực lượng tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 của thành phố thực hiện đảm bảo quy trình, thủ tục, đúng đối tượng theo quy định của Chính phủ và thành phố; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm các quy định trong quá trình tổ chức tiêm vắc xin. Và rồi đây, sự việc sẽ được cơ quan chức năng làm sáng tỏ và có biện pháp xử lý thỏa đáng, nghiêm minh.

Nhân đây xin nói thêm về ý nghĩa của câu thành ngữ “Một người làm quan, cả họ được nhờ”. Đây là biến thể của câu thành ngữ Hán Việt “Một người làm quan, trăm họ được nhờ”. Trăm họ ở đây được hiểu là một vùng rộng lớn, nhỏ nhất là một tổng và lớn nhất là quốc gia, xã tắc. Bởi người xưa quan niệm, người làm quan được ví như “phụ mẫu” (cha mẹ) của dân, có vai trò trách nhiệm nặng nề. Và chữ quan viết theo chữ Hán gồm ba bộ, bộ trên là “miên”, tức là mái nhà và dưới là hai bộ “khẩu”, tức là miệng và cũng có nghĩa là người, nhiều người. Tức là, làm quan là cái mái nhà che mưa nắng, bão gió cho dân chúng. Hơn nữa, với quan niệm Nho giáo, thì làm quan là cơ hội để được hành thiện rộng khắp. Vì thế, trong Kinh Dịch có viết: “Tích thiện chi gia, Tất hữu dư khánh” (nghĩa là, nhà tích thiện ắt có nhiều niềm vui).

Và tổ tiên chúng ta ngày xưa còn có câu: “Tổ tông công đức thiên niên thịnh; Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh”. Nghĩa là tổ tiên tích đức làm việc thiện thì gia đình, dòng họ hưng thịnh ngàn năm và con cháu hiếu thảo sẽ được vinh hiển dài lâu. Hay, “Tổ tiên tích đức, con cháu hưởng phúc”. Trong một dòng họ, nếu có người làm quan thanh liêm, lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân, người trong dòng họ ấy nhất định được hưởng phúc báo. Ngược lại, nếu một người làm quan tham ô, hại dân hại nước, người ấy tuy có thể “nâng đỡ” một vài người thân trong họ hay tích cóp tiền của bất lương cho con cháu, nhưng chút lợi ích ấy không thể vững bền. Làm việc ác là tạo nghiệp, tổn đức, bản thân và dòng họ người đó cũng vì thế mà chịu ác báo.

Vào thời Bắc Tống ở Trung Hoa ngày xưa có một gia tộc hưng thịnh suốt 800 năm là “được nhờ” ông tổ hành đại thiện. Đó là Phạm Trọng Yêm (989-1052) là một nhà chính trị, nhà văn, nhà quân sự và nhà giáo dục nổi tiếng thời Bắc Tống. Trong suốt cuộc đời làm quan của mình, ông xả bỏ lợi ích bản thân, mà một lòng lo cho bách tính và tấm lòng chân thiện của ông đã gieo mầm cho phúc báo đời đời của Phạm gia. Bốn người con trai của Phạm Trọng Yêm lớn lên đều thông minh phi phàm, tài đức vẹn toàn, cũng được làm quan tới tể tướng, tam công cửu khanh, thị lang. Cháu chắt Phạm gia cũng đều vinh hiển, có đức, có tài, phúc báo kéo dài không dứt.

Với tất cả người làm quan có tấm lòng nhân đức, chăm sóc, yêu thương dân chúng như cha mẹ, hay như Phạm Trọng Yêm thì câu nói “một người làm quan, cả họ được nhờ” quả là đúng đắn. Ngược lại thì chắc chắn một người làm quan, nhưng cả họ phải biết “giữ mình”, không thì sẽ có ngày cả họ dắt nhau vào khám…

Diệp Viên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/125618/mot-nguoi-lam-quan