Nâng cao chất lượng thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội

Việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội có vai trò quan trọng, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội ở mỗi địa phương. Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao nhằm đánh giá những kết quả mà tỉnh ta đã đạt được trong việc xây dựng nếp sống văn hóa ở cơ sở thời gian qua.

Biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Lễ hội Tràng An. Ảnh: Ninh Mạnh Thắng

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, ngày 09/02/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 05/CT-TTg về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang (Gọi tắt là Chỉ thị số 05), Ngành Văn hóa và Thể thao đã làm gì để sớm đưa Chỉ thị này đi vào cuộc sống?

Đ/c Nguyễn Mạnh Cường: Trước khi Chỉ thị số 05 được ban hành thì tỉnh ta cũng đã có chặng đường dài thực hiện nhiệm vụ xây dựng nếp sống văn minh (NSVM) trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ theo tinh thần Chỉ thị 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, các cấp, các ngành, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch hành động phù hợp và tích cực triển khai thực hiện. Nhờ đó, những năm qua, việc thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở tỉnh ta đã đi vào nền nếp, việc tuyên truyền đưa Chỉ thị số 05 đi vào cuộc sống cũng có nhiều thuận lợi.

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao đã hướng dẫn các địa phương thực hiện việc kiểm tra, rà soát, sửa đổi, bổ sung và tổ chức xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Trong đó chú trọng hướng dẫn cơ sở đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang vào nội dung của các bản hương ước, quy ước.

Đến nay, toàn tỉnh có 1.679/1.679 hương ước, quy ước có nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Các địa phương, đơn vị trong tỉnh thường xuyên tuyên truyền, quán triệt đến đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người dân chấp hành kỷ luật, kỷ cương, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống phô trương, hình thức, nhất là vai trò gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan đơn vị; tăng cường kiểm tra, thanh tra các hành vi vi phạm trong việc thực hiện nếp sống văn minh đối với việc cưới, việc tang.

Qua đó, phát huy tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong việc chấp hành và vận động gia đình, người thân, nhân dân chấp hành các quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang cũng được xác định là một tiêu chí để chấm điểm và bình xét gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa hàng năm và đưa vào nội dung tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh.

PV: Qua hơn một năm tích cực thực hiện, Chỉ thị 05 đã tạo được sự chuyển biến như thế nào trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh ta?

Đ/c Nguyễn Mạnh Cường: Năm 2018, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 6516 đám cưới được tổ chức, trong đó có 6410 đám cưới thực hiện nếp sống văn minh (chiếm 98,37%), đặc biệt có 5748 đám cưới không mời thuốc lá (chiếm 88,21%).

Nhìn chung các đám cưới đều được tổ chức trên cơ sở tìm hiểu, tự nguyện của đôi nam nữ, đảm bảo thực hiện đúng Luật Hôn nhân và Gia đình. Các gia đình tổ chức lễ cưới trang trọng, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục, quy ước, hương ước nơi cư trú, điều kiện kinh tế - xã hội của gia đình, địa phương, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Các thủ tục trong việc cưới được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ. Nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã xây dựng, triển khai và nhân rộng mô hình điểm cưới “6 không”: không tổ chức ăn uống linh đình, kéo dài (việc tổ chức ăn uống chỉ gói gọn trong gia đình, nội tộc); không hút thuốc lá và dùng thuốc lá tiếp đãi khách; không tổ chức đám cưới quá 1,5 ngày; không tổ chức vui chơi, văn nghệ quá 22h; không tổ chức hôn lễ quá 45 phút, không lợi dụng đám cưới để tụ tập uống rượu, bia say; không vi phạm pháp luật an toàn giao thông trong quá trình đưa, đón dâu.

Một đám cưới theo nếp sống mới ở huyện Yên Mô. Ảnh: CTV

Bên cạnh đó, ở một số địa phương cũng đã có nhiều sáng tạo trong việc tổ chức lễ cưới văn minh, tiết kiệm. Điển hình như ở huyện Yên Mô, một số xã, thị trấn đã bố trí phòng đăng ký kết hôn có trang trí cờ, phông, khẩu hiệu và tổ chức trao giấy đăng ký kết hôn trang trọng. Ở huyện Hoa Lư và Yên Khánh, chính quyền và các đoàn thể ở cơ sở đứng lên cùng gia đình tổ chức lễ cưới tại trụ sở nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn đảm bảo trang trọng vui tươi được nhân dân ủng hộ…

Đối với việc tang, việc tổ chức lễ tang trên địa bàn tỉnh đều có sự tham gia tích cực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở xã, phường, thị trấn và các tổ chức ở thôn, xóm, phố. Các địa phương đã xây dựng được quy chế tang lễ, gắn với hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố. Năm 2018 có 4556 đám tang trong đó có 4529 đám tang thực hiện nếp sống văn minh (chiếm 99,41%).

Nhìn chung việc tang lễ ở các địa phương đều được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, phù hợp với hương ước, quy ước của cơ sở và quy định của pháp luật. Các gia đình tang chủ đã thực hiện nghiêm thủ tục khai tử. Đa số các đám tang thực hiện tốt nếp sống văn minh, những biểu hiện mê tín, dị đoan, hủ tục lạc hậu được hạn chế; khi tổ chức đưa tang không gây cản trở, ách tắc giao thông và an toàn nơi công cộng, đã chấm dứt việc rải tiền Việt Nam đồng, hạn chế việc rải tiền vàng mã trên đường đưa tang.

Thực hiện việc tang đảm bảo vệ sinh và vệ sinh môi trường theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hầu hết các đám tang không để người chết quá 48 giờ, tỉ lệ các đám tang thực hiện điện táng, hỏa táng ngày càng nhiều (chiếm 23,79%). Nhiều nơi đã kế thừa và phát huy phong tục tốt đẹp của địa phương trong đám tang như: tự nguyện giúp đỡ gia đình tang chủ; không hút thuốc lá; không tổ chức ăn uống linh đình; tuần lễ tiết cho người quá cố chỉ tổ chức trong nội bộ gia đình, họ tộc; tục cúng 3 ngày, 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu, giỗ hết tang, cải táng diễn ra gọn nhẹ.

PV: Để việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội thực sự trở thành nếp nghĩ, là hành động thường xuyên của nhân dân, ngành Văn hóa và Thể thao cần tập trung vào những giải pháp nào, thưa đồng chí?

Đ/c Nguyễn Mạnh Cường: Mới đây nhất, ngày 11/09/2019, Tỉnh ủy Ninh Bình đã có Công văn số 2140-CV/TU về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh. Công văn ra đời được kỳ vọng sẽ huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân cùng chung tay khắc phục được những hạn chế trong việc thực hiện nếp sống văn minh ở cơ sở.

Trong Công văn 2140 cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội. Đối với Ngành Văn hóa và Thể thao, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều nội dung và hình thức phong phú, gắn với thực tiễn cuộc sống của người dân để nhân rộng nhiều hơn nữa các mô hình điểm, để mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính về việc đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân.

Ngành Văn hóa cũng sẽ tăng cường hơn nữa vai trò và hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về văn hóa, trong đó có việc cưới, việc tang; thường xuyên rà soát, kiện toàn tổ chức, bộ máy, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa; thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời biểu dương các mô hình điển hình, đơn vị, tập thể cá nhân tiêu biểu, người tốt, việc tốt trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.

Tiếp tục củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng cường đội ngũ cán bộ quản lý của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở để nhân rộng mô hình tổ chức đám cưới tại nơi sinh hoạt cộng đồng; Động viên quần chúng nhân dân tích cực tham gia công tác giám sát, phát hiện, phê phán đối với các hộ gia đình, cá nhân cố tình vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang…

PV: Xin cảm ơn đồng chí

Nguyễn Hùng (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: http://baoninhbinh.org.vn/nang-cao-chat-luung-thyc-hien-nep-song-van-minh-trong-viec-cuoi-viec-tang-va-le-hoi-20190920090421529p0c3.htm