Nâng cao chất và lượng trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

Sáng 29/12, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chủ trì phiên họp.

Toàn cảnh cuộc họp.

Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được Quốc hội thông qua năm 2006 (Luật số 68/2006/QH11) và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007. Đây là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Đồng chí cho biết thêm, qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã đưa hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được nâng lên cả chất và lượng; phân công thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức minh bạch, phù hợp với quy định WTO và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam.

Tuy nhiên, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết thể chế hóa chủ trương, chỉ đạo mới đối với lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; đồng thời, thực tiễn thi hành luật thời gian qua cho thấy Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập về việc xã hội hóa hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn; hoạt động đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, chứng nhận, giám định);…

Đồng chí Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ trình bày các nội dung chính của dự thảo Luật.

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; tiếp thu, nội luật hóa các cam kết quốc tế, bảo đảm sự tương thích giữa quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết trong lĩnh vực này.

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã trao đổi, thảo luận về các nội dung về tiêu chuẩn cơ sở (TCCS), xuất bản và ban hành tiêu chuẩn quốc gia,… Cụ thể, đại diện VCCI đề xuất cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc việc xã hội hóa thủ tục thông báo TCCS. Ví dụ, doanh nghiệp có thể tự thực hiện hoặc ủy quyền cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện. Ngoài ra, việc quy định “tổ chức, cá nhân công bố tiêu chuẩn cơ sở có trách nhiệm thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền” sẽ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu nội dung này theo hướng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần rà soát quy định giữa giám định thương mại tại Luật Thương mại và giám định theo Luật TC&QCKT để tránh sự chồng chéo trong quy định pháp luật.

Còn đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đối với trường hợp xây dựng, thẩm định, ban hành TCVN/QCVN theo trình tự, thủ tục rút gọn, để rút ngắn thời gian, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời có TCVN/QCVN áp dụng phục vụ nhu cầu cấp thiết, đồng chí đề nghị cho phép cơ quan chủ trì dự thảo TCVN/QCVN có sự chủ động trong việc xây dựng dự thảo TCVN/QCVN, lập hồ sơ TCVN/QCVN đề nghị thẩm định và đề nghị cơ quan có thẩm quyền công bố, ban hành TCVN/QCVN khi hồ sơ đáp ứng đầy đủ yêu cầu.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng kết luận cuộc họp.

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá cao các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và sự chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của cơ quan chủ trì soạn thảo. Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, đánh giá thêm các quy định pháp luật và các Điều ước quốc tế có liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và tuân thủ các cam kết quốc tế; đồng thời rà soát dự thảo Luật đảm bảo thực hiện đúng chủ trương phân cấp, phân quyền

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, làm rõ thêm một số nội dung như: việc xã hội hóa hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn; hồ sơ, thời gian, quy trình thực hiện các thủ tục hành chính tại dự thảo Luật; trách nhiệm của các cơ quan có liên quan; công tác kiểm tra, hậu kiểm;...

Bảo Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nang-cao-chat-va-luong-trong-linh-vuc-tieu-chuan-quy-chuan-ky-thuat-post500490.html