Nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ phụ trách cải cách hành chính

Cán bộ, công chức làm công tác cải cách hành chính (CCHC) là chủ thể trực tiếp triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu CCHC. Vì vậy, đội ngũ này cần được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên.

Sở Nội vụ phối hợp với Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Đại Nam (TP Hà Nội) chia sẻ những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá cải cách hành chính. Ảnh: PHẠM THÙY

Những lớp tập huấn, khóa bồi dưỡng cho cán bộ, công chức kiến thức cơ bản, nền tảng về CCHC giúp họ làm tốt vai trò của mình, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân cũng sẽ tăng lên.

Mắt xích quan trọng

Công tác CCHC của TP Tuy Hòa thời gian qua đạt được những kết quả tích cực, trong đó có sự góp sức không nhỏ của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu công tác CCHC. Chị Võ Thị Thanh Tuyền, công chức Văn phòng - Thống kê UBND xã Bình Kiến cho biết: “Tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ công tác CCHC do UBND thành phố tổ chức, tôi có thêm kiến thức, kỹ năng để tham mưu cho lãnh đạo triển khai tốt hơn công tác CCHC tại đơn vị”.

Còn theo bà Lê Thị Nỷ, Phó Chủ tịch UBND phường 8, thông qua tập huấn về công tác CCHC với phương pháp giảm lý thuyết, tăng sự phân tích cụ thể theo thực tế rất dễ hiểu, dễ làm, đảm bảo thực chất, dễ vận dụng, thực hiện hiệu quả và kịp thời.

Tại Tây Hòa, việc UBND huyện này phối hợp Sở TT&TT và Sở Tư pháp tập huấn nghiệp vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính cho cán bộ, công chức liên quan trên địa bàn huyện không những giúp họ nâng cao năng lực, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp khi tham gia thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia, mà còn thay đổi phương thức giải quyết thủ tục hành chính từ trực tiếp sang trực tuyến. Qua đó đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của tiến trình xây dựng chính quyền điện tử của huyện.

Đánh giá được tầm quan trọng của việc tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho những người thực hiện công tác CCHC, mới đây, Sở Nội vụ phối hợp với Trung tâm Đào tạo - Nghiên cứu khoa học tổ chức và quản lý thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức 2 lớp tập huấn dành cho đối tượng là công chức, viên chức tham mưu, thực hiện công tác CCHC của các sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND huyện, xã.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bùi Trọng Lân, để thực hiện tốt công tác CCHC, nâng cao thứ hạng các chỉ số trong những năm tới, ngoài quyết tâm của lãnh đạo các cấp trong chỉ đạo, điều hành thì công chức, viên chức phụ trách tham mưu công tác CCHC tại các cơ quan, địa phương cũng đóng vai trò quan trọng. Do đó, tại các lớp tập huấn, đội ngũ này đã được các báo cáo viên dày dạn kinh nghiệm chia sẻ các giải pháp, kỹ năng về xây dựng kế hoạch CCHC; theo dõi, đánh giá CCHC; truyền thông, tuyên truyền về CCHC và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. “Có thể khẳng định, đội ngũ phụ trách tham mưu công tác CCHC là một mắt xích quan trọng không thể thiếu trong quá trình cải thiện các chỉ số CCHC”, ông Lân khẳng định.

Đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên

Trong thời đại 4.0, để không bị lạc hậu trước những kiến thức mới, kỹ năng hiện đại trong xử lý các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, những người phụ trách tham mưu công tác CCHC cần được bồi dưỡng, trang bị những kiến thức mới thường xuyên nhằm nâng chất lượng, hiệu quả công việc.

Theo Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Đặng Văn Trọng, những cán bộ, công chức, viên chức phụ trách, tham mưu công tác CCHC cần được bồi dưỡng thường xuyên về lý luận chính trị, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước và các kiến thức bổ trợ theo vị trí công việc, chức danh tiêu chuẩn để góp phần nâng cao chỉ số CCHC.

Giám đốc Sở TT&TT Trần Thanh Hưng cho biết: Chuyển đổi số đang dần trở thành xu thế không thể đảo ngược và là bước đi quan trọng để thực hiện nền kinh tế số và xã hội số, mở ra cho mỗi địa phương, mỗi nền kinh tế và mỗi tổ chức, cá nhân cơ hội phát triển chưa từng có, nhưng cũng là những thách thức, yêu cầu mới đặt ra. Công tác chuyển đổi số ở tỉnh ta còn chậm, trong đó có nguyên nhân liên quan đến nhân lực về công nghệ thông tin.

Để hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số vào năm 2025, hướng đến năm 2030 và để thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, theo ông Trần Thanh Hưng, tỉnh cần chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để thực hành chuyển đổi số. Đồng thời đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế; phát triển đội ngũ chuyên gia, đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp với các lớp tu nghiệp hợp lý.

Đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cán bộ, công chức, viên chức dù ở chức vụ, vị trí nào đều phải biết được những nội dung về CCHC. Riêng cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách về CCHC phải chuyên sâu, có hệ thống hơn nên cần phải được bồi dưỡng thường xuyên về kỹ năng, nghiệp vụ CCHC.

“Thực hiện Chương trình hành động số 07 của Tỉnh ủy về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh và tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp triển khai thực hiện. Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng mở các lớp bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác CCHC các cấp. Bên cạnh đó, các cơ quan được giao chủ trì từng nội dung CCHC mở các lớp tập huấn chuyên môn, chuyên đề theo từng lĩnh vực”, đồng chí Tạ Anh Tuấn cho biết.

PHẠM THÙY

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/405/306949/nang-cao-nang-luc-nghiep-vu-cho-doi-ngu-phu-trach-cai-cach-hanh-chinh.html