Nâng cao vai trò, hiệu quả của báo chí, truyền thông trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đặc biệt coi trọng việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tinh thần này được thể hiện sáng rõ và rất sớm trong các văn kiện Hội nghị thành lập Đảng, Đại hội Đảng lần thứ nhất, đặc biệt, được cụ thể hóa trong bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1945).

Nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật là bảo vệ chính bạn, gia đình bạn và xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh

Quá trình cách mạng vẻ vang của dân tộc ta đã chứng minh hùng hồn rằng sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhân tố hết sức quan trọng để đất nước ta vượt qua mọi khó khăn thử thách, đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Trong sự nghiệp vĩ đại ấy có sự đóng góp rất đáng tự hào của báo chí Cách mạng Việt Nam.

Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo trong bất cứ hoàn cảnh nào luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chiến lược. Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”.

I. THỰC TRẠNG VAI TRÒ CỦA BÁO CHÍ TRONG XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN

Những thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới mở ra những cơ hội thuận lợi để báo chí không ngừng trưởng thành, phát triển. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện cả nước có 868 cơ quan báo chí, tổng số lao động trong các cơ quan báo chí là 41.600 người (trong đó, có 19.166 người được cấp thẻ nhà báo), có 72 đài phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử.

Sự phát triển về nhân lực, đội ngũ những người làm báo, sự ra đời của các cơ quan báo chí với đầy đủ những loại hình truyền thông đa phương tiện, hiện đại, tạo mạng lưới thông tin rộng khắp ở các vùng, miền, góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời, sinh động đến với mọi tầng lớp nhân dân.

Nâng cao vai trò, hiệu quả của báo chí, truyền thông trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

1. Những thành tựu và đóng góp tích cực của báo chí, truyền thông trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN

Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn xác định công tác tuyên truyên xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của mình. Với tinh thần đồng hành, trách nhiệm và tâm huyết, nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng những chuyên trang, chuyên mục về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, mở ra những cơ hội để các nhà báo, cộng tác viên và quần chúng nhân dân tích cực tham gia, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức với công tác xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong tình hình mới.

Có thể điểm qua một số ví dụ tiêu biểu: Báo Nhân Dân, từ nhiều năm qua, đã chú trọng tham gia giám sát và phản biện việc ban hành và thực thi các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tham gia giám sát và phản biện xã hội các vấn đề xã hội; giám sát và đấu tranh chống các hành vi tiêu cực, tham nhũng... Ngay từ những ngày đầu thực hiện công cuộc Đổi mới, Báo Nhân Dân đã có loạt bài “Những việc cần làm ngay” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với bút danh NVL, sau đó báo chí cả nước hưởng ứng bằng việc mở chuyên mục: “Hưởng ứng những việc cần làm ngay” và tiếp đến là diễn đàn: “Nói và Làm”... Từ đó, hàng loạt vấn đề nổi cộm tiêu cực, những biểu hiện đặc quyền, đặc lợi của một số người, nhóm lợi ích đã bị đưa ra ánh sáng. Truyền hình Nhân Dân gần đây đã rất tích cực sản xuất nhiều tác phẩm như: "Xây dựng Nhà nước pháp quyền để phụng sự nhân dân tốt hơn", "Tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN", "Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam", "Xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân", "Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV: Hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa", "Triển khai các chuyên đề xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền",

Báo Quân đội nhân dân ngày 3/7/2021 có bài viết: "Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, đưa đất nước phát triển bền vững". Nội dung bài viết nói về Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Tại cuộc họp, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã nhấn mạnh tinh thần cần xây dựng một Đề án có tính chiến lược, thiết thực đối với người dân và cơ quan Nhà nước, thực sự là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Thống nhất những quan điểm cơ bản, đột phá cần thiết để xây dựng mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tầm nhìn 2045 đảm bảo thành công. Trong đó, có vấn đề bảo vệ nhân dân, bảo vệ con người, xây dựng kỷ cương, phòng chống tham nhũng, hệ thống pháp luật đảm bảo hội nhập quốc tế. Đặc biệt cần bám sát nguyên tắc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở.

Báo Công an nhân dân có bài viết "Luận điệu sai trái về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam" ngày 10/01/2022. Bài viết khẳng định: Không thể lập luận rằng “xây dựng Nhà nước pháp quyền là đi theo con đường TBCN”, không thể xuyên tạc ở Việt Nam “chỉ có đảng trị, không pháp quyền”, rêu rao “pháp trị thì xã hội không thể có tự do, dân chủ, nhân quyền. Đưa ra luận điệu này, các đối tượng nhằm cố tình phê phán thể chế chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; ca ngợi, cổ súy, hướng lái, thúc đẩy mô hình nhà nước tam quyền phân lập, những cái gọi là giá trị “tự do, dân chủ, nhân quyền” phương Tây; dẫn dắt, gieo rắc nhận thức lệch lạc, xuyên tạc bản chất, vị trí, vai trò của nhà nước pháp quyền XHCN; chia rẽ khối đại đoàn kết, mối quan hệ, thể chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Mặt khác, việc tung ra luận điệu trên làm méo mó bản chất, tính ưu việt của chế độ xã hội, làm giảm uy tín, vị thế Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trên trường quốc tế.

Tạp chí Cộng sản đăng bài "Một số vấn đề về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam", được Tạp chí Mặt trận dẫn lại. Bài viết nêu thực trạng: "Đất nước ta sau hơn 35 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đan xen. Điều đó đặt ra những yêu cầu mới đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN nói riêng".

Tạp chí Tuyên giáo đăng bài "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" (20/10/2021) trong mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bài báo đã nêu: "Quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cũng đồng thời là quá trình đấu tranh với những quan điểm, luận điệu chống phá của các thế lực thù địch. Đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài, đòi hỏi sự nhạy bén cả về tư duy lẫn cách thức tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị". Bên cạnh đó, bài báo đã nêu thực trạng: Xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, phủ nhận nền dân chủ XHCN và Nhà nước pháp quyền XHCN là những trọng tâm chống phá “không ngừng nghỉ” của các đối tượng và thế lực phản động, thù địch, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Từ đó, bài báo các nhiệm vụ đấu tranh phòng chống các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc trong thời gian tới cần chú trọng: đấu tranh với quan điểm “không có đa nguyên, đa đảng thì không bao giờ có dân chủ”; đấu tranh với quan điểm lợi dụng “xã hội dân sự” để âm mưu gây chuyển hóa chính trị ở Việt Nam; đấu tranh với quan điểm “Chỉ có thể chống được tham nhũng khi thực hiện thể chế tam quyền phân lập để kiểm soát quyền lực”.

Đài Truyền hình Việt Nam có phóng sự “Những cơ hội để nâng cao tầm và thế đất nước” trên VTV4 – kênh báo chí đối ngoại hàng đầu hiện nay. Hay Đài Truyền hình Công an Nhân dân ANTV có tác phẩm “Luận Điệu Sai Trái Về Xây Dựng Và Hoàn Thiện Nhà Nước Pháp Quyền XHCN VN” ở trên chuyên mục Góc Nhìn Sự Thật. Hay kênh Truyền hình Thông tấn Vnews, có phóng sự "Vai Trò Của Nhân Dân Trong Hoàn Thiện Nhà Nước Pháp Quyền XHCN" liên quan đến Hội thảo “Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức xã hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 23/11/2021.

Ngoài ra, Trang thông tin điện tử của Hội đồng lý luận Trung ương có bài viết: "Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng” ngày 19/01/2022. Bài viết nhấn mạnh: "Kế thừa tinh thần các kỳ Đại hội trước, Đại hội XIII của Đảng coi “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Trang thông tin điện tử của Ban Nội chính Trung ương có bài viết: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam" ngày 2/2/2022, bài viết nêu: "Từ điều kiện thực tế của đất nước, kế thừa những tinh hoa, giá trị tiến bộ của nhân loại, đường lối đổi mới của Đảng đã định hình rõ những quan điểm lớn, sâu sắc và toàn diện về xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN, sau này là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đồng thời, là xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, đề cao vai trò của luật pháp. Điều này cũng chính là việc kế thừa tư tưởng của Hồ Chủ tịch về một Nhà nước kiểu mới “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”, cơ sở để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN sau này. Đây là bước tiến về nhận thức lý luận, thể hiện giá trị chung của nhân loại và đặc điểm riêng của chính thể Cộng hòa XHCN Việt Nam, được thực hiện trong đời sống kinh tế, xã hội và chính trị của đất nước."

Gần đây, các cơ quan báo chí đã rất tích cực đưa các sản phẩm báo chí về chủ đề xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền với hàng ngàn tin bài trên báo điện tử và hàng trăm video clip truyền hình được dẫn trên sóng truyền hình hoặc trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tik Tok... Nội dung, hình thức các tin bài được dẫn dắt đầy đủ thông tin, hình thức trình bàysinh động. Tuy nhiên, tôi cho rằng, để có đánh giá chính xác, khách quan, tin cậy của công chúng về lĩnh vực “xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền” thì rất cần có những hội thảo chuyên ngành để nghiên cứu sâu vấn đề này.

Đặc biệt, Hội nhà báo Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội và các cơ quan báo chí cả nước tổ chức rất thành công 2 giải báo chí lớn về Quốc hội Việt Nam nhân kỷ niệm 70 năm và 75 năm Quốc hội Việt Nam, có sức lan tỏa mạnh trong xã hội về vai trò, sứ mệnh lịch sử và thành tựu to lớn của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Có thể khẳng định, với nội dung và hình thức ngày càng đa dạng, phong phú, Báo chí Cách mạng Việt Nam đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Đặc biệt, báo chí đã góp phần tích cực tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; củng cố mối quan hệ bền chặt, máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, tạo sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Qua phản ảnh của báo chí, sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đã đạt được những kết quả nổi bật và toàn diện: hoạt động xây dựng pháp luật được tăng cường cả về số lượng và chất lượng; đổi mới tư duy về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN; khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch, trách nhiệm giải trình, phân cấp, phân quyền khoa học, hiệu lực, hiệu quả hơn; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước được triển khai tích cực bằng nhiều biện pháp; sự lãnh đạo của Đảng, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội tham gia đóng góp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền không ngừng được nâng lên; dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được coi trọng…

Bên cạnh những thành tựu, báo chí cũng thẳng thắn nêu lên những hạn chế, khuyết điểm trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN như: Bộ máy nhà nước còn công kềnh, nhiều tầng nấc, một số lĩnh vực chưa được phân công, phân quyền đủ mạnh, chưa rành mạch dẫn đến tình trạng thẩm quyền vừa bị phân mảnh, manh mún vừa có sự trùng giẫm, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Việc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực còn nhiều bất cập. Yêu cầu xây dựng một hệ thống hành chính dựa trên nguyên tắc phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, chuyên nghiệp chưa theo kịp với thực tiễn; hệ thống luật pháp tuy đã có bước phát triển mạnh, nhưng vẫn còn tình trạng vừa thiếu, vừa yếu. Thủ tục hành chính còn rườm rà, chất lượng của một số văn bản pháp luật còn hạn chế; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật ở một số nơi còn bị buông lỏng, việc chấp hành pháp luật có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; tham nhũng, tiêu cực tuy có giảm, nhưng diễn biến còn phức tạp, trách nhiệm giải trình của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước trước dân có nơi còn hình thức. Cải cách tư pháp đã có nhiều tiến bộ trong hoạt động tố tụng, xét xử các vụ án, song tình trạng oan sai, nợ đọng còn nhiều. Vai trò của hệ thống thông tin, báo chí đã được coi trọng hơn, nhưng việc xử lý thông tin, trách nhiệm giải quyết một số vụ việc chưa rõ ràng, thậm trí nhiều vụ việc còn chưa minh bạch. Thực hành dân chủ chưa thật đồng bộ, đặc biệt trong xử lý các mối quan hệ giữa quyền và trách nhiệm, dân chủ và kỷ cương ở một số lĩnh vực, bộ phận cơ quan công quyền với người dân chưa rõ ràng…

Hội thảo khoa học "Vai trò của Công an nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân" tổ chức năm 2021 tại Hà Nội

2. Những bất cập, hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm của báo chí, truyền thông trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN

Tuy nhiên, đồng thời với những thành tựu, đóng góp tích cực và những thuận lợi, hiện nay báo chí nước ta cũng có nhiều hạn chế, thiếu sót và cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong việc phản ảnh thực tiễn đất nước nói chung và tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN nói riêng.

Trước những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, của quá trình toàn cầu hóa, một số cơ quan báo chí có xu hướng thương mại hóa, rời xa tôn chỉ, mục đích. Một số cơ quan báo chí còn thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận, thông tin thiếu chính xác, ít tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt mà chỉ nặng phản ảnh về mặt trái của xã hội... Một số nhà báo không được đào tạo bài bản, thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu kinh nghiệm nghề nghiệp, kiến thức về luật pháp, có trường hợp bị các thế lực xấu dụ dỗ, lôi kéo, không vượt qua sự cảm dỗ nên đã vi phạm đạo đức, pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp… Một số nhà báo bị mạng xã hội dẫn dắt, đưa tin thiếu kiểm chứng, chạy theo tâm lý nhất thời của đám đông; vội vàng, cẩu thả trong cách giật tít, câu view, câu like, gây bức xúc dư luận, làm tổn hại đến uy tín, danh dự, hình ảnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, lợi dụng sức mạnh của công nghệ truyền thông và những sơ hở trong quản lý thông tin, nhất là thông tin trên mạng xã hội, các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước tìm mọi cách để truyền bá những tư tưởng cực đoan, quan điểm sai trái về thể chế chính trị, nền dân chủ XHCN, chủ quyền quốc gia, dân tộc, tôn giáo. Một số nhà báo xử lý thông tin không phù hợp, khoét sâu vào những vấn đề còn đang gây tranh luận trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, không lường hết được phản ứng của công chúng, tạo cớ cho kẻ xấu lợi dụng để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước pháp quyền XHCN.

Báo chí tuy đã chú ý phản biện xã hội trong quá trình xây dựng chính sách công cũng như các vấn đề kinh tế - xã hội, nhưng chưa thực sự thường xuyên, chủ động, chưa phong phú, chưa sắc bén và thuyết phục, chưa thật sự chiếm lĩnh được công chúng. Báo chí nhìn chung vẫn chưa kịp thời đấu tranh với những luồng ý kiến lợi dụng danh nghĩa phản biện xã hội để châm chọc, đả kích, thậm chí chống đối đường lối, chủ trương, chính sách, giải pháp đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Phản biện xã hội của báo chí chưa chú trọng kết nối và tương tác xã hội; chưa phát huy hiệu quả báo chí đa nền tảng và truyền thông đa phương tiện trong hệ sinh thái truyền thông online để tập hợp đông đảo công chúng; từ đó tạo luồng ý kiến tích cực chi phối thông tin trên mạng xã hội và hệ sinh thái truyền thông online nói chung; chưa hình thành được các “siêu thị” sản phẩm báo chí số, truyền thông số để làm chủ mặt trận thông tin.

Điều cần đặc biệt lưu ý là hiện nay không chỉ là tình trạng “báo hóa” trang tin điện tử mà đang có sự chuyển dịch từ tình trạng “ báo hóa” trang tin điện tử sang“ báo hóa” mạng xã hội. Cụ thể là giao diện mạng xã hội giống như báo điện tử, gồm các chuyên mục, các thể loại, kể cả bài phóng sự điều tra giống như sản phẩm báo chí. Có xu hướng lập nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội tạo thành một kiểu hệ sinh thái, đồng loạt đăng bài tiêu cực gây áp lực lên các tổ chức, cơ quan, đơn vị, hoặc gây phân tâm xã hội trong việc xây dựng và ban hành thực hiện một số chính sách công. Có thể nói tình trạng “ báo hóa” trang thông tin điện tử và “ báo hóa” mạng xã hội là “ lỗ hổng” chưa được khắc phục triệt để với những biện pháp đủ mạnh của các cơ quan chức năng, gây tác động tiêu cực đến môi trường tư tưởng, văn hóa và đồng thuận xã hội.

Xây dựng nhà nước pháp quyền và thực hiện chiến lược cải cách Tư pháp trong thời kỳ phát triển mới của đất nước

II. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ ĐỂ NĂNG CAO VAI TRÒ, HIÊU QUẢ CỦA BÁO CHÍ, TRUYỀN THÔNG TRONG XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN

Bối cảnh hội nhập quốc tế, sự phát triển của khoa học - công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra những cơ hội để báo chí nước ta không ngừng đổi mới, sáng tạo, tiếp thu những kinh nghiệm làm báo của các nước tiên tiến để không ngừng phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của các tầng lớp nhân dân. Nền tảng của công nghệ số đã góp phần truyền tải thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân một cách nhanh chóng, kịp thời, hấp dẫn.

Để nâng cao vai trò quan trọng và phát huy hiệu quả to lớn của báo chí, truyền thông( những đề xuất kiến nghị này chủ yếu tập trung vào công tác báo chí ) trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, trong thời gian tới, xin đề xuất thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, cả hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan xây dựng, hoạch định, điều hành chính sách, các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo cả nước cần nhận thức sâu sắc về hơn nữa vai trò và trách nhiệm chính trị của báo chí trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo, đó là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị.

Thứ hai, có cơ chế phù hợp và khoa học để cung cấp thông tin chính thống, kịp thời, tin cậy cho báo chí, tạo điều kiện để báo chí bám sát các hoạt động toàn diện trên mọi lĩnh vực của nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, tăng cường làm tốt các nội dung tuyên truyền trọng tâm sau đây:

a. Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

b. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội với vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.

c. Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ban, ngành; giữa Trung ương với địa phương.

d. Xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Thực hiện tốt trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân...

Thứ ba, báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực gắn với tăng cường rèn luyện đạo đức, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên trong hệ thống công quyền, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, báo chí cần chú trọng việc phát hiện, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình hay, những nhân tố mới, có tính đột phá, tạo sức bật mới trong xây dựng Nhà nước pháp quyền từ trung ương đến cơ sở.

Thứ tư, báo chí tham gia hiệu quả vào kiểm soát quyền lực Nhà nước. Một nền dân chủ thực sự chỉ có khi quyền lực nhà nước được kiểm soát, hạn chế bởi những thiết chế dân chủ. Công khai, minh bạch được coi là một trong những phương thức kiểm soát, hạn chế quyền lực nhà nước. Nhà nước với tư cách là chủ thể của quyền lực công phải công khai, minh bạch hoạt động của mình với toàn thể xã hội và công chúng. Mọi hoạt động của nhà nước phải được công bố hoặc phổ biến, truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, làm cho mọi người dân có thể tiếp cận được các quyết định của nhà nước một cách dễ dàng. Công khai, minh bạch trong quản lý hành chính nhà nước là việc làm cho mọi người dân có thể biết và hiểu cơ quan hành chính nhà nước có chức năng, nhiệm vụ gì, hoạt động như thế nào trong khuôn khổ phù hợp với thực tiễn và các quy định của pháp luật. Ngược lại, khi sự công khai, minh bạch không được đề cao, quá trình xây dựng thể chế sẽ có chỗ cho hiện tượng “mua, bán chính sách”, cơ chế xin - cho, thủ tục hành chính không rõ ràng là cơ hội để cán bộ công quyền nhũng nhiễu, hạch sách người dân, là môi trường để những hành vi tham nhũng, tiêu cực nảy sinh. Báo chí chính là phương tiện hữu hiệu để thực hiện công khai, minh bạch.

Thứ năm, tăng cường tính phản biện xã hội của báo chí. Mục đích của phản biện xã hội là huy động, tập hợp, kết nối nguồn lực trí tuệ của đông đảo nhân dân vào quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách công, hạn chế chi phối của lợi ích nhóm. Phản biện xã hội tập trung vào các chính sách, quyết sách của Nhà nước bởi các chính sách, quyết sách này liên quan mật thiết đến lợi ích của đông đảo nhân dân, các nhóm xã hội. Mỗi khi chính sách, quyết sách “đụng chạm” đến lợi ích của đông đảo nhân dân, được báo chí nêu lên thì công chúng xã hội sẽ quan tâm nhiều hơn. Đó chính là thế mạnh truyền thông của báo chí.

Gần đây, báo chí và dư luận xã hội cũng đã phản biện về một số dự luật, và từ dư luận xã hội, Quốc hội cũng đã bỏ phiếu thuận lòng dân. Trước những vấn đề kinh tế - xã hội hay chính sách công, nếu báo chí không chủ động nêu và phản biện xã hội để góp phần xây dựng chính sách, thì mạng xã hội sẽ lên tiếng và báo chí sẽ đánh mất vai trò trung tâm chi phối dư luận xã hội.

Tọa đàm “35 năm vì nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức năm 2020

Thứ sáu, từ đó, cần xây dựng cơ chế để báo chí tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách công, coi đó là một khâu không thể thiếu. Khi tìm kiếm mô hình hay chuẩn bị ban hành chính sách, Đảng và Nhà nước cần báo chí phản biện xã hội, các tầng lớp nhân dân thảo luận, được phản ảnh tập trung nhất thông qua báo chí. Khi chính sách đã ban hành, báo chí vào cuộc giải thích, tuyên truyền, hướng dẫn và khi chính sách triển khai thực hiện, báo chí thực thi giám sát xã hội, bảo đảm cho chính sách đi vào cuộc sống, hướng trúng nhóm đối tượng của chính sách. Báo chí tham gia vào quá trình chính sách công được coi là một nhân tố đảm bảo thành công cho chính sách đó.

Thứ bảy, báo chí đẩy mạnh đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, thù địch về bản chất, mô hình, mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Tung ra các luận điệu sai trái, công kích vào bản chất, vai trò của nhà nước pháp quyền XHCN là một trong những mũi nhọn mà các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị tập trung chống phá trong suốt quá trình cách mạng, xây dựng, hoàn thiện nhà nước XHCN Việt Nam. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đưa ra nhiều quan điểm, luận điệu nhằm bác bỏ, phủ nhận vai trò, tính chất pháp quyền của Nhà nước XHCN Việt Nam.

Do vậy, báo chí cần tiếp tục phát huy những thành tựu, ưu thế và khắc phục những khó khăn, yếu kém để báo chí thực sự là công cụ, vũ khí sắc bén của Đảng, là phương tiện thiết yếu của xã hội, góp phần quan trọng vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII: “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”.

Báo chí cần phát hiện và cảnh báo kịp thời những vấn đề, những điểm nóng chính trị - xã hội, những bức xúc của nhân dân, cung cấp thông tin cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả. Báo chí cần có chiến lược phủ sóng trên không gian mạng, xây dựng những hệ bài chuyên luận và những tuyến bài bảo vệ kết hợp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Các cơ quan báo chí phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà báo trẻ, cây bút sắc bén sáng tạo những sản phẩm báo chí có giá trị cao , có khả năng nhận diện, phòng ngừa, đấu tranh phản bác và bẻ gãy có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ tám, Nhà nước rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí và truyền thông, tạo diều kiện để báo chí, truyền thông phát triển lành mạnh, đúng hướng. Luật báo chí năm 2016, qua 6 năm thực hiện đã tỏ rõ hiệu quả, nhưng cần được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới và sự phát triển rất nhanh của đời sống xã hội, đời sống báo chí trong thời đại tryền thông kỹ thuật số. Cần tập trung xây dựng những đạo luật liên quan đến thông tin trên mạng xã hội, nền tảng kỹ thuật - công nghệ để sửa đổi, bổ sung nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trước sự lớn mạnh và chi phối của các tập đoàn truyền thông đa quốc gia trong hệ sinh thái truyền thông online toàn cầu. Hiện nay, pháp luật về quyền tiếp cận thông tin đã được ban hành, tuy nhiên do cơ chế đảm bảo thực hiện quyền này của người dân chưa đủ rõ ràng và hiệu lực nên hiệu quả thực thi trên thực tế chưa cao. Việc đảm bảo hiệu quả thực thi luật về quyền được thông tin là vấn đề rất quan trọng nhằm tăng cường công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước nói chung và đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói riêng, trong đó có sự tham gia trực tiếp của báo chí. Làm tốt quy hoạch báo chí, tăng cường sức mạnh truyền thông cho các cơ quan báo chí chủ lực, kiên quyết chấn chỉnh những sai phạm trong hoạt động báo chí.

Thứ chín,có các cơ chế, chính sách, biện pháp phù hợp, hiệu quả xây dựng đội ngũ báo chí Cách mạng Việt Nam ngày càng vững mạnh với 3 yêu cầu cơ bản: vững vàng bản lĩnh chính trị, tinh thông nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, có cơ chế đào tạo tuyển chọn những người đủ phẩm chất và năng lực lãnh đạo các cơ quan báo chí, hết sức tránh bổ nhiệm những người không có nghiệp vụ báo chí vào các vị trí lãnh đạo các các cơ quan báo chí.

Chú ý xây dựng đội ngũ các nhà báo chuyên sâu về Nhà nước pháp quyền. Cùng với việc phát triển hạ tầng kỹ thuật truyền thông, cần chú trọng phát triển đội ngũ nhà báo chính luận, có khả năng phân tích, bình luận chính sách cũng như các vấn đề kinh tế - xã hội. Thực tế những năm gần đây cho thấy, còn thiếu vắng các bài phân tích, bình luận có chiều sâu, đủ sức thuyết phục công chúng và dư luận xã hội. Cần sớm có chương trình, chính sách và kế hoạch nhất quán về đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà báo chuyên sâu, nhà báo chính luận, có chính sách cụ thể để các cơ quan báo chí và nhà báo ngày càng coi trọng báo chí chính luận.

Thứ mười, trên cơ sở phát huy kết quả tích cực của Giải báo chí về Quốc hội 5 năm một lần như trước đây, có thể nghiên cứu tổ chức Giải báo chí toàn quốc về Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN hai năm một lần. /.

Nhà báo Hồ Quang Lợi

Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Nguồn Người Làm Báo: https://nguoilambao.vn/nang-cao-vai-tro-hieu-qua-cua-bao-chi-truyen-thong-trong-xay-dung-va-hoan-thien-nha-nuoc-phap-quyen-xhcn-viet-nam-n54683.html