Nâng chất công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự

Thời gian qua, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh Long An bám sát chức năng, nhiệm vụ, thực hiện hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cũng như đóng góp cho công tác cải cách tư pháp (CCTP) trong giai đoạn hiện nay.

Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm chứng minh tội phạm trong giải quyết các vụ án hình sự, không để xảy ra oan, bỏ lọt tội phạm.

Thông tin từ VKSND tỉnh, trong năm 2023, tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc dư luận xã hội quan tâm. Trước tình hình đó, VKSND 2 cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 1.350 vụ án/2.291 bị can, tăng 184 vụ/413 bị can so với năm 2022. Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, VKSND 2 cấp tỉnh thụ lý 2.394 tin, đã giải quyết 2.137 tin và ban hành 1.688 văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh tin báo.

Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự, VKSND 2 cấp tỉnh thụ lý kiểm sát điều tra 1.919 vụ/3.087 bị can, ban hành 22 kiến nghị yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục vi phạm trong hoạt động điều tra và 15 kiến nghị phòng ngừa tội phạm,...

Đối với công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự, VKSND 2 cấp tỉnh thụ lý 1.228 vụ án hình sự sơ thẩm/2.369 bị cáo. Tòa án Nhân dân đã giải quyết 1.060 vụ/1.933 bị cáo, trong đó xét xử 1.053 vụ/1.923 bị cáo; xét xử án trọng điểm 81 vụ, rút kinh nghiệm 96 vụ và xét xử theo thủ tục rút gọn 3 vụ. Riêng đối với xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự, năm 2023, VKSND 2 cấp tỉnh thụ lý 239 vụ/395 bị cáo, giải quyết 196 vụ/313 bị cáo, đạt 82%.

Qua hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, VKSND ban hành 17 kiến nghị Tòa án Nhân dân khắc phục vi phạm trong công tác xét xử; 28 kháng nghị, báo cáo đề nghị VKSND cấp trên xem xét kháng nghị giám đốc thẩm 5 vụ, ban hành 28 thông báo rút kinh nghiệm.

Theo đánh giá của VKSND tỉnh, năm 2023, VKSND 2 cấp tỉnh hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu nghiệp vụ của ngành, của Quốc hội và vượt kế hoạch năm 2023. Trong đó, kiểm sát việc giải quyết tin báo đúng hạn 100%, ban hành quyết định truy tố đúng thời hạn, đúng tội danh 100%; không để xảy ra án quá hạn; không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội, không có trường hợp nào VKSND truy tố mà Tòa án Nhân dân tuyên không phạm tội.

Trong thực hiện công tác CCTP, VKSND 2 cấp tỉnh chủ động phối hợp với Tòa án Nhân dân chọn các phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần CCTP, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành KSND. Trong đó, tổ chức 270 phiên tòa rút kinh nghiệm, 9 phiên tòa trực tuyến.

Trong năm, VKSND 2 cấp tỉnh tổ chức tập huấn, triển khai ứng dụng báo cáo án bằng sơ đồ tư duy trong lĩnh vực hình sự, dân sự; tổ chức thành công cuộc thi kỹ năng ứng dụng phần mềm I-mind Map 10 để vẽ - thuyết trình sơ đồ tư duy trong báo cáo án nhằm tự đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, kiểm sát viên.

Theo Viện trưởng VKSND tỉnh - Trương Văn Nghị, năm 2024, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành là tập trung thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố và kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm, phúc thẩm các vụ án hình sự. VKSND tỉnh tiếp tục xác định nhiệm vụ chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt, quan trọng hàng đầu.

Trong đó, VKSND tỉnh yêu cầu các phòng nghiệp vụ, VKSND cấp huyện tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra một cách thực chất, hiệu quả ngay từ giai đoạn thụ lý nguồn tin tội phạm, bảo đảm việc thụ lý phải có dấu hiệu tội phạm.

Đối với công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm, phúc thẩm các vụ án hình sự, trong năm 2024, VKSND tỉnh yêu cầu các phòng nghiệp vụ, VKSND cấp huyện xây dựng các giải pháp, tăng cường công tác phối hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp theo dõi, chỉ đạo.

Đồng thời, VKSND 2 cấp tỉnh sẽ chủ động đề ra các biện pháp nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử, thực hiện nghiêm các nguyên tắc của pháp luật hình sự, chú trọng nguyên tắc suy đoán vô tội, trọng chứng hơn trọng cung, chuyển hóa chứng cứ kịp thời bảo đảm chứng minh tội phạm trong giải quyết các vụ án hình sự, không để xảy ra oan, bỏ lọt tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cũng như đóng góp cho công tác CCTP./.

Kiên Định

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nang-chat-cong-tac-thuc-hanh-quyen-cong-to-va-kiem-sat-hoat-dong-tu-phap-trong-linh-vuc-hinh-su-a172650.html