Nâng chiều cao đê tả Bùi: Nước lũ có bị tràn vào nội thành Hà Nội?

UBND Thành phố Hà Nội vừa qua đã giao sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội chủ trì và phối hợp với sở Kế hoạch và đầu tư, sở Tài chính tham mưu và trình UBND thành phố báo cáo, xin ý kiến của bộ NN&PTNT về việc nâng cấp tuyến đê tả Bùi.

Theo đó sở NN&PTNT Hà Nội được UBND thành phố giao làm chủ đầu tư thực hiện nâng cấp 1,5km đê tả Bùi từ trạm bơm Trung Hoàng, cầu Bến Cốc đến hết đập tràn thuộc địa bàn xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ. Công trình nâng cấp tuyến đê tả Bùi dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 30/4/2019.

Theo quy hoạnh khu vực này sẽ được nâng đê lên 1m và chỗ cao nhất là 1,5m để đảm bảo an toàn cho đê tả Bùi. Trong đó, UBND thành phố đã đồng ý cho nâng đoạn đê xung yếu tả Bùi dài 1,5km qua huyện Chương Mỹ bằng biện pháp đóng cọc bê tông để chống lũ.

Tuy nhiên, việc nâng cấp 1,5km đê tả Bùi cũng khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu việc nâng cấp, cải tạo như vậy, nếu xảy ra lũ lớn thì liệu nước lũ có tràn vào nội thành hay không?

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin vào chiều nay, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng chi cục Đê điều, Chánh Văn phòng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai TP.Hà Nội khẳng định: “Việc nâng cấp tuyến đê tả Bùi dài 1,5km không gây ảnh hưởng đến khu vực nội thành mà sẽ bảo vệ cho nội thành không bị lũ lụt khi nước sông Bùi và sông Tích lên cao”.

Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng chi cục Đê điều, Chánh Văn phòng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai TP.Hà Nội.

“Việc nâng 1,5km đê tả Bùi cũng chưa đáp ứng được việc chống lũ bởi đây là nâng thí điểm phương án mới và việc gia cố, nâng cấp 1,5km đê tả Bùi nhằm tạo điều kiện phát triển dân sinh và an toàn xã hội tại địa bàn đấy thôi. Để nâng cao khả năng chống lũ chúng ta cần nâng cấp, gia cố toàn bộ hệ thống đê toàn tuyến đê này dài 14,7km chứ không phải chỉ nâng 1,5km”, ông Đỗ Đức Thịnh thông tin thêm.

Tuy nhiên, triển khai được toàn bộ dự án này cần phải có thời gian bởi nguồn kinh phí sẽ rất lớn. Để nâng cấp đê Bùi thì kinh phí dự kiến rẻ nhất cũng phải từ 50 đến 70 tỷ đồng/km, thậm chí chỗ khó là 100 tỷ đồng/km. Đê trên địa bàn huyện Chương Mỹ có 14km thì kinh phí có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, Kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh, Ủy viên thường trực ban chấp hành hội KTS Hà Nội cho biết: “Tại Hà Nội, vùng Chương Mỹ, Ứng Hòa, Quốc Oai hay dọc phía Nam Hà nội dọc theo sông Bùi, sông Tích, sông Hoàng Long… những chiến lược đã được hoạch định thông qua các bản đồ đo đạc do Pháp và các chuyên gia, nghiên cứu thực hiện và kế thừa.

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường trực ban chấp hành hội KTS Hà Nội.

Đó là hành lang chống lũ, thoát lũ của sông Đáy, sông Tích, sông Bùi để cứu lũ cho nội thành vì thường xuyên bị lũ đe dọa nhiều năm bởi lũ lớn của sông Hồng, nếu nâng đê lên khiến nước không có chỗ thoát, chảy ngược về chỗ trũng và có thể sẽ gây ảnh hưởng đến nội đô. Bên cạnh đó, biện pháp này khá tốn kém vài trăm hoặc lên đến hàng ngàn tỷ đồng và chưa có gì đảm bảo sẽ hiệu quả. Bởi lẽ một vùng trũng ngập như vậy thì không ai dại gì làm kè ở nơi ao trũng”.

Bên cạnh đó, KTS Trần Huy Ánh cũng đưa ra giải pháp nhằm khắc phục tạm thời cho việc thoát lũ là dùng hệ thống thủy lợi đê điều bơm nước ra các dòng sông, hay mở rộng các vùng bán ngập để giảm áp lực của nước.

Tuy nhiên việc dùng máy bơm chỉ là việc làm tình thế khi tất cả các dòng sông đều ngập, bơm nước vòng quanh thì vô ích. Còn mở rộng vùng bán ngập thì có thể hạn chế được và tận dụng được để kinh doanh, sản xuất.

“Nên chăng tái thiết không gian sống thích ứng với 2 mùa lũ, mùa cạn, coi nước là tài nguyên thay vì thảm họa. Lấy trữ nước chủ động thay vì thoát nước bị động. Tổ chức sinh kế nông nghiệp/ngư nghiệp thay vì san nền đổ đất đô thị hóa tràn lan", KTS Ánh nói.

KTS Trần Huy Ánh cho rằng, giải pháp này huy động toàn dân tham gia, thay vì làm dự án chỉ có ngân sách chi ra trăm tỷ, ngàn tỷ mà hiệu quả chưa có gì đảm bảo, cần bình tĩnh suy xét thấu đáo mọi mặt một cách bình tâm thay vì những "sáng kiến" chợt lóe ra trong lúc nguy ngập.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nang-chieu-cao-de-ta-bui-nuoc-lu-co-bi-tran-vao-noi-thanh-ha-noi-a409302.html