Nâng niu di sản và thương hiệu 'Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông'

Trong các ý kiến đóng góp cho dự thảo chiến lược du lịch của Sở Du lịch TP.HCM, người viết bài này và một số chuyên gia đã đề nghị nên xem xét việc tái sử dụng tên gọi độc đáo Hòn ngọc Viễn Đông hoặc Hòn ngọc Á Đông. Chỉ xét về góc độ kinh tế, mỹ danh lâu đời ấy đã là một thương hiệu hấp dẫn, không những để gia tăng thu hút du lịch mà còn lôi cuốn giao thương và đầu tư.

Hàng chữ Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh có mặt trên logo UBND thành phố từ nhiều năm nay. Hai chữ Sài Gòn sau tháng 4.1975 trở thành một không gian xưa trong một không gian mới - đã mở rộng hơn gấp bội. Nhưng đó vẫn là cái tên nhắc nhớ quá khứ vàng son của hơn 300 năm kiến tạo. Trong đó, mỹ danh Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông vẫn được lưu giữ trong ký ức nhiều thế hệ. Một tên gọi yêu kiều như thế không ngẫu nhiên mà có…

Xuất xứ từ kỳ vọng và thực tế

Vào năm 1881, ông Jules Blancsubé, thị trưởng đầu tiên của Sài Gòn nêu lên tên gọi La Perle de l’Extrême-Orient - “viên ngọc trai của miền xa nhất phương Đông” trong một cuộc diễn thuyết tại Hiệp hội Hàng hải và Thuộc địa. Ông cho rằng khi hoàn thiện hệ thống đường thủy và đường sắt tân kỳ liên thông khắp Đông Dương, mà trung tâm là Sài Gòn thì chốn đô hội này thật sự trở thành Hòn ngọc Viễn Đông. Khi đưa tin cuộc nói chuyện đầy hào hứng kể trên, báo L’Avenir diplomatique - Tương lai ngoại giao, tại Paris vào tháng Tư năm ấy, cho biết họ đã dẫn nguồn từ báo Time - Thời đại của Anh quốc. Như vậy, có lẽ mỹ danh Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông bắt đầu lan truyền trong thế giới phương Tây từ cuối thế kỷ XIX.

Đoạn cuối bài báo trên báo L’Avenir diplomatique ngày 7.4.1881 tại Paris ghi lại phát biểu của Jules Blancsubé - kỳ vọng Sài Gòn là “Hòn ngọc Viễn Đông” (Thư viện Quốc gia Pháp)

Đến năm 1918, nhà báo Phạm Quỳnh lần đầu tiên từ Hà Nội vào Sài Gòn cũng đã nhắc đến tên gọi La Perle de l’Extrême-Orient mà ông dịch là “hạt báu của Á Đông”. Bước vào thập niên 1920 trở đi, mỹ danh ấy được chính quyền Pháp quảng bá trên các ấn phẩm giới thiệu Đông Dương như một điểm đến du lịch hấp dẫn của thế giới.

Cùng thời gian này, rải rác đây đó, người Anh đã gọi Hồng Kông cùng Singapore - hai thành phố thuộc địa giàu có của mình là Pearl of Far East! Dĩ nhiên, không ai độc quyền danh hiệu trên bởi tạo hóa cho chúng ta nhiều viên ngọc trai chứ không chỉ một viên ngọc duy nhất. Và mỗi viên ngọc trai xinh đẹp đều có vẻ lấp lánh, tinh anh của riêng nó. Với Sài Gòn, từ đầu thế kỷ XX, danh hiệu Hòn ngọc Viễn Đông không còn là một kỳ vọng mà là thực tế hiển nhiên.

Lớn dậy từ cái nền thiên - địa - nhân ưu thế

Trời phú cho Sài Gòn mưa thuận gió hòa cùng nguồn nước ngọt dồi dào, thực vật và sinh vật phong phú, thuận lợi cho mưu sinh và xây dựng phố thị. Tuy vậy, vẻ đẹp thiên nhiên quý giá nhất tại đây chính là vị trí vùng trung điểm nối kết biển cả với đồng bằng sông Cửu Long, cùng miền Đông Nam bộ và Nam Tây Nguyên, bằng các con sông lớn và mạng lưới sông rạch chằng chịt. Mặt khác, Sài Gòn còn là nơi liên thông dễ dàng với Campuchia, Lào và Thái Lan bằng cả đường thủy và đường bộ.

Từ thế kỷ XVII, trong tầm nhìn của người Việt, Sài Gòn là vùng “đắc địa”, hội đủ cả ba yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa, xứng đáng là nơi xây dựng cơ nghiệp thủ phủ lâu dài của cả dải đất phương Nam. Ngay từ thuở ấy, Sài Gòn là nơi hội tụ nguồn nhân lực tứ xứ bao gồm dân cư gốc Khmer, Chăm - mang sắc thái văn hóa Ấn Độ và dân cư người Việt, người Hoa đến từ văn hóa Đông Á.

Trang mở đầu sách Hướng dẫn du lịch Sài Gòn 1930 của nhà sách J.Aspar, có tên gọi Sài Gòn là Hòn ngọc Viễn Đông (Thư viện Quốc gia Pháp)

Khi xâm chiếm Sài Gòn và Nam kỳ vào năm 1859, thực dân Pháp tiếp quản một gia sản rất ý nghĩa. Từ cái nền quý hiếm đó, trong hơn 80 năm, chính quyền Pháp và cộng đồng bản địa cùng kiến tạo một Sài Gòn tân tiến, công nghiệp hóa mạnh mẽ. Những thập kỷ sau đó, người Việt quản trị Sài Gòn tiếp tục xây đắp một đô thị hiện đại hoàn thiện đâu ra đó. Nói về công sức khởi dựng thành phố, học giả Vương Hồng Sển đưa ra một hình ảnh rất ấn tượng: Không bàn tay người Việt tô điểm, không máu huyết người Việt làm xi măng, chưa chắc Sài Gòn có bộ mặt mới xinh như ngày nay!

Cho đến năm 1975, mặc dù qua nhiều cơn binh lửa, Sài Gòn vẫn là đô thị tổng hợp nhiều tinh hoa độc đáo của cả nước, cùng nhiều dấu ấn quốc tế.

Lấp lánh nhiều giá trị đa dạng, đa sắc

Gia sản mỹ lệ của Sài Gòn xuyên thế kỷ không chỉ là cảnh quan và kiến trúc đặc sắc, có đủ nét văn hóa Đông Á, Nam Á và Âu Tây. Đó còn là vai trò, chức năng quan trọng của một đại cảng thị và một thủ phủ lớn của khu vực Thái Bình Dương, thông thương nhiều châu lục. Tại đây ra đời trước nhất các ngành công nghiệp và dịch vụ mới mẻ của Việt Nam, từ đóng tàu đến công nghiệp nhẹ và từ viễn thông, công nghệ sinh học đến tài chính và đào tạo nghề. Mặt khác, từ cuối thế kỷ XIX, bộ máy quản trị đô thị của Sài Gòn từng hoạt động chuyên nghiệp theo những thể thức công nghiệp, văn minh và dân chủ, vốn đã trở thành khuôn mẫu ở các đô thị phương Tây. Thêm nữa, Sài Gòn còn là nơi đô hội văn hóa - văn nghệ và trí thức, có giá trị lan tỏa và thu hút nhân tài cả ba miền. Nơi đây là “bà đỡ” của nhiều ngành sáng tạo mới mẻ như báo chí, xuất bản, đờn ca tài tử - cải lương, tân nhạc và điện ảnh.

Suốt chiều dài lịch sử, Sài Gòn thực sự là một hợp chủng phố - hợp chủng thị với một cộng đồng dân cư đa sắc tộc, đa ngành nghề. Hết thảy đều chịu thương chịu khó và năng động, nhiều lần vượt qua nghịch cảnh. Thị dân Sài Gòn tập hợp nhiều tầng lớp từ thợ thuyền, tiểu thương, tiểu nông đến giới doanh thương, trí thức và quan chức. Ý thức dân chủ và nếp sống công nghiệp hòa quyện trong mỗi tầng lớp ở nhiều mức độ khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Song tựu trung, sau hơn một thế kỷ hun đúc, người Sài Gòn tân tiến là một cộng đồng đông đảo, quen thuộc với kinh tế thị trường và các thể chế phóng khoáng. Cộng đồng người Sài Gòn có nhiều tố chất tích cực, đóng góp vào sự đa dạng và kiên cường của dân tộc Việt Nam hiện đại.

Vẻ đẹp lấp lánh nhiều mặt của Hòn ngọc Viễn Đông không chỉ là kết quả của các chính sách quản trị mà còn là kết quả của tiếp biến và giao duyên văn hóa Đông - Tây. Khi giành lại độc lập và thống nhất, người Sài Gòn cũng như toàn thể người dân Việt Nam đã có cơ hội làm chủ và kế thừa cả tài sản hữu hình và vô hình của đô thị giàu đẹp này.

Bản thân 4 chữ Hòn ngọc Viễn Đông là một đúc kết chính xác và xứng đáng là một phần di sản quan trọng của Sài Gòn xưa và TP.HCM nay. Ảnh: Nguyễn Minh Tú

Đừng lãng phí một thương hiệu vàng

Giờ đây, khi tìm hiểu và ngắm nhìn các vẻ đẹp toàn diện của Sài Gòn qua ba thế kỷ xây dựng, chúng ta có thể đồng thuận mỹ danh Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông hoàn toàn không phải là một từ ngữ cường điệu. Bản thân 4 chữ Hòn ngọc Viễn Đông là một đúc kết chính xác và xứng đáng là một phần di sản quan trọng của Sài Gòn xưa và TP.HCM nay. Chúng ta không nên “phân biệt đối xử”, coi danh hiệu ấy chỉ là “tàn tích” của thực dân hay các chế độ cũ mà không cần kế thừa và phát huy. Bởi thực ra, đây chính là danh hiệu chung cho toàn thể cộng đồng dân cư và các thế hệ khổ công tạo dựng thành phố, vượt qua bao khó khăn và biến động của lịch sử.

Hãy ngẫm xem, mỹ danh Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông là tài sản trí tuệ - hình thành từ lâu đời, rất cần được quảng bá rộng rãi và đưa vào giáo dục trong lịch sử đô thị. Đặc biệt, với giới trẻ, lịch sử phong phú của Sài Gòn cũng như tên gọi đầy tự hào đó nếu được truyền thông sâu rộng, chắn chắn sẽ tạo thêm niềm tin yêu và trân trọng công sức của tiền nhân. Hơn nữa, từ hiểu biết về quá khứ rạng rỡ của thành phố và danh hiệu Hòn ngọc Viễn Đông, giới doanh thương, nhất là các bạn trẻ đang sôi nổi khởi nghiệp sẽ có thêm nhiều cảm hứng và chất liệu để sáng tạo và gia tăng giá trị cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Không chỉ là thương hiệu du lịch

Mới đây, trong các ý kiến đóng góp cho dự thảo chiến lược du lịch của Sở Du lịch TP.HCM, một số chuyên gia đã góp ý không nên chọn một slogan - tiêu đề chung chung “ở đâu cũng có” là Vibrant City - đô thị sống động. Người viết bài này và một số chuyên gia đã đề nghị nên xem xét việc tái sử dụng tên gọi độc đáo Hòn ngọc Viễn Đông hoặc Hòn ngọc Á Đông. Chỉ xét về góc độ kinh tế, mỹ danh lâu đời ấy đã là một thương hiệu hấp dẫn, không những để gia tăng thu hút du lịch mà còn lôi cuốn giao thương và đầu tư.

Trong thực tế ở nhiều nước và Việt Nam đã và đang ra đời một ngành kinh tế tổng hợp đang trỗi dậy, được gọi là Kinh tế di sản - Heritage Economy. Thu nhập đến từ di sản không đơn thuần là kinh doanh du lịch hay công nghiệp văn hóa (bảo tàng, biểu diễn âm nhạc, sản xuất và buôn bán tác phẩm mỹ thuật và nghệ thuật...). Chính “đầu máy di sản” đã và sẽ kéo theo một loạt ngành nghề liên quan như sản xuất hàng lưu niệm, trùng tu công trình xưa, tổ chức ẩm thực và lễ hội, kể cả đào tạo nhân lực cho nhiều ngành nói trên.

Đặc biệt, ở các nước tiên tiến, các ngành kinh doanh địa ốc, kinh doanh bán lẻ, công nghiệp sáng tạo đã coi các di sản vật thể và phi vật thể cùng các yếu tố lịch sử hay lạ là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút người mua hay người tiêu dùng thế hệ mới. Di sản Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông trên nhiều lĩnh vực có đủ nguyên liệu cho các hoạt động kinh tế di sản nói trên.

Khảo sát, nâng niu và chọn lọc

Bản thân tên gọi Sài Gòn đã và đang tồn tại song hành với tên thành phố Hồ Chí Minh trong gần 50 năm qua, sẽ tiếp tục là nguồn trợ lực về cả tinh thần và vật chất cho một đô thị luôn tiến lên phía trước. Dĩ nhiên, để thừa kế và tôn tạo di sản Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông không chỉ là việc phục hưng thương hiệu. Đó còn là công việc nghiên cứu chọn lọc các giá trị nhiều mặt của quá trình kiến tạo thành phố.

Mỹ danh Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông là tài sản trí tuệ lâu đời, rất cần được quảng bá rộng rãi và đưa vào giáo dục trong lịch sử đô thị. Ảnh: Thắng Phan

Đã đến lúc chính quyền cần tìm kiếm, tập hợp và khảo cứu các tài liệu về lịch sử sinh hoạt và quản trị Sài Gòn xưa hiện đang nằm tản mác ở các cơ quan lưu trữ, thư viện, trường đại học và viện nghiên cứu trong, ngoài nước. Cùng lúc, chính quyền và các hội đoàn nên tiến hành vận động hỏi chuyện, ghi chép ký ức, sưu tầm tư liệu và hiện vật từ người dân và các gia đình đã sinh sống lâu đời. Đồng thời, không thể không tìm hiểu từ các cựu viên chức, chuyên gia trong, ngoài nước có nhiều hiểu biết về lịch sử thành phố ở nhiều thời kỳ khác nhau.

Mong rằng nay mai, các bảo tàng, thư viện, lưu trữ, cơ quan truyền thông và các cơ quan nghiên cứu cùng các nhà sưu khảo sẽ hợp tác xây dựng một Trung tâm thông tin Di sản Sài Gòn - TP.HCM trong thực tế và trên không gian mạng. Đó sẽ là nơi lưu giữ hiện vật, sách báo, phim ảnh, những ghi chép từ nhiều nguồn về lịch sử kiến tạo đô thị. Đó cũng là trung tâm dữ liệu về các kinh nghiệm quy hoạch, xử lý các vấn nạn trong quá trình quản trị thành phố trên nhiều lĩnh vực, để phòng chống các tai ương tương tự trong hiện tại và tương lai.

Không riêng Sài Gòn, nhiều đô thị lớn nhỏ lâu đời của Việt Nam đều có nhiều nét đặc sắc riêng biệt. Nếu biết tìm hiểu thấu đáo và phát huy đầy đủ các giá trị di sản thì sẽ có thêm nguồn lực dồi dào để làm giàu thêm đời sống kinh tế và văn hóa của từng bản thân, gia đình và đất nước.

Phúc Tiến

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nang-niu-di-san-va-thuong-hieu-sai-gon-hon-ngoc-vien-dong-42194.html