NATO 'đặc biệt e ngại' năng lực hạm đội tàu ngầm Nga

Hạm đội tàu ngầm Nga gây ra những thách thức lớn đối với hải quân NATO khi sở hữu sức mạnh không thể xem thường.

Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang theo dõi với nỗi lo ngại lớn về sự phát triển sức mạnh của hạm đội tàu ngầm Nga. Đến cuối năm nay, dự kiến Điện Kremlin sẽ có thêm hai tàu ngầm hạt nhân nữa.

Nhiều quốc gia thuộc khối NATO cho biết, họ thực sự lo ngại trước tính năng kỹ chiến thuật đáng gờm, cũng như hoạt động của các tàu ngầm thuộc Hải quân Nga, cả loại thông thường lẫn hạt nhân.

Thực tế trên đã được tạp chí Newsweek của Mỹ thông báo cho công chúng, các nhà phân tích đã mô tả chiến lược mới của Moskva chính là "lên kế hoạch để chiếm ưu thế hoàn toàn dưới nước".

Ấn phẩm Newsweek lưu ý rằng trong bối cảnh căng thẳng giữa Moskva với phương Tây ngày càng gia tăng, "mối đe dọa của Nga" từ dưới nước ít được chú ý hơn, nhưng nó lại tỏ ra nguy hiểm hơn rất nhiều.

Liên bang Nga đang tăng cường sản xuất tàu ngầm có khả năng tiếp cận các mục tiêu quan trọng ở châu Âu và Mỹ, đồng thời trang bị cho những phương tiện tác chiến này các loại vũ khí tấn công uy lực nhất.

"Hải quân Nga sở hữu một trong những hạm đội tàu ngầm đa dạng nhất thế giới, bao gồm đủ chủng loại từ tàu ngầm diesel-điện tới tàu ngầm hạt nhân, chức năng của chúng trải dài từ tấn công, mang vũ khí chiến lược, tới đa dụng".

"Nhiều tàu ngầm trong số đó có khả năng mang tên lửa đạn đạo trang bị đầu đạn hạt nhân, đây là những phương tiện tác chiến mà Moskva coi là nhân tố chính trong khả năng răn đe chiến lược của mình", tờ Newsweek nói rõ.

Theo các chuyên gia quân sự, trong trường hợp xảy ra xung đột trực tiếp (ngay cả khi điều này khó xảy ra) giữa phương Tây và Nga, hạm đội tàu ngầm sẽ được sử dụng như một trong những công cụ nhằm “quản lý leo thang”.

Moskva được dự báo sẽ sử dụng hạm đội tàu ngầm phi hạt nhân như một biện pháp ngăn chặn phương Tây khai thác lợi thế của mình trong các lĩnh vực đặc biệt.

Ví dụ tàu ngầm Nga sẽ cắt đứt liên lạc ở Đại Tây Dương hoặc gây hại cho việc sản xuất hoặc vận chuyển hydrocacbon, điều này có liên quan đến thực tế vụ phá hoại đường ống Nord Streams bị cáo buộc do phương Tây tiến hành.

"Hải quân Nga đã và đang nỗ lực cải thiện hạm đội tàu ngầm kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Khác với tàu mặt nước, lực lượng tàu ngầm Nga đủ khả năng trở thành đối trọng với NATO".

"Vào tháng 12/2022, Tổng thống Vladimir Putin cho biết nước này sẽ đóng thêm nhiều tàu ngầm hạt nhân để đảm bảo an ninh của nước Nga trong nhiều thập kỷ tới", tờ báo Mỹ nhấn mạnh.

Các chuyên gia quân sự quốc tế chắc chắn rằng Nga sẽ có đủ khả năng để gây ra thiệt hại khổng lồ cho bất kỳ kẻ thù nào, và điều này phải được tính đến nếu đối phương có ý định đặc biệt".

Nhưng dự báo thời gian sắp tới Nga sẽ đối diện với một số khó khăn trong việc thực hiện bản kế hoạch trên. Tình hình kinh tế kém khởi sắc cộng với nguồn lực được ưu tiên cho bộ binh chắc chắn gây ảnh hưởng nặng nề.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nato-dac-biet-e-ngai-nang-luc-ham-doi-tau-ngam-nga-post532819.antd