Nêu cao ý thức trách nhiệm trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Ngày 8/3/2023, Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Theo đánh giá tại hội nghị, năm 2022, tình hình thời tiết, khí hậu thủy văn, thiên tai, tai nạn trên biển và khu vực biên giới đất liền ở hầu hết các vùng, miền trên cả nước diễn ra hết sức phức tạp, các hình thái thời tiết cực đoan gia tăng. Tuy nhiên, với tinh thần, ý chí trách nhiệm chính trị cao, nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh, các đơn vị BĐBP đã chủ động, sẵn sàng trong mọi tình huống thiên tai, tổ chức TKCN, cứu hộ kịp thời, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

BĐBP Nghệ An giúp người dân huyện Kỳ Sơn khắc phục hậu quả lũ quét. Ảnh: Hải Thượng

Sẵn sàng lao vào nguy hiểm cứu giúp dân

Cho tới bây giờ, nhiều người dân xã Tà Cà và thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn vẫn chưa quên trận lũ quét kinh hoành đã cuốn đi tất cả tài sản hồi đầu tháng 10/2022. Hơn 600 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó, 55 nhà của người dân bị sập hoàn toàn. Trước tình huống khẩn cấp đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An, các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) của các đơn vị Biên phòng đứng chân trên địa bàn huyện Kỳ Sơn ngay lập tức lên đường đi vào “tâm lũ” cứu giúp dân.

Cũng như nhiều đồng đội khác, khi nhận lệnh hành quân vào vùng nguy hiểm, Thiếu tá Trần Văn Tùng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Nậm Càn, BĐBP Nghệ An không một chút đắn đo, e ngại, bởi anh luôn mang trong mình ý thức trách nhiệm vì nhân dân của người lính quân hàm xanh. “Chúng tôi chỉ có một suy nghĩ làm sao đến được địa bàn để giúp dân sớm nhất có thể” – Thiếu tá Tùng chia sẻ.

Sau gần 6 giờ hành quân cả bằng xe cơ giới và cuốc bộ, Thiếu tá Trần Văn Tùng cùng đồng đội đã tới được bản Sơn Hà, nơi bị thiệt hại nặng nề nhất, khó tiếp cận nhất. Anh nhớ lại: “Trước mặt chúng tôi là khung cảnh hoang tàn, ngổn ngang. Nhà cửa của người dân đều bị san phẳng. Những ngôi nhà đổ sập, tài sản bị cuốn trôi hết khiến người dân trở tay không kịp. Trên khuôn mặt người dân hiện rõ sự thất thần, hoảng sợ. Lúc đó, chúng tôi không còn cảm thấy mệt nhọc nữa mà bắt tay ngay vào công việc để giúp người dân vơi bớt nỗi đau mất mát”.

Ròng rã gần 1 tháng trời, anh Tùng và đồng đội đã làm việc không biết mệt mỏi trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ để giúp bà con ổn định cuộc sống. Có thể nói, trong điều kiện thiếu thốn, nguy hiểm, chỉ có quyết tâm và trách nhiệm mới giúp những người lính vượt lên tất cả để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ứng cứu nhân dân.

Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2022, trên hai tuyến biên giới của cả nước đã xảy ra 1.064 vụ/2.888 người/706 phương tiện bị thiên tai, tai nạn, sự cố hỏa hoạn; trong đó, có 30 vụ/412 người/7 phương tiện nước ngoài và 40 vụ cháy rừng (so với năm 2021, tăng 33 vụ/198 người/157 phương tiện).

Các đơn vị BĐBP đã điều động gần 14.000 lượt CBCS/431 lượt tàu, xuồng, ô tô các loại, phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng tại chỗ, các Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải huy động 240 phương tiện tổ chức ứng cứu, TKCN, khắc phục hậu quả thiên tai được 511 vụ, cứu vớt 558 người/261 phương tiện, tham gia chữa cháy 60,7ha rừng.

Điển hình, ngày 26/2/2022, BĐBP Quảng Nam điều động 35 CBCS/6 ca nô, huy động 20 phương tiện tham gia cứu vớt được 22 người và 17 thi thể nạn nhân trong vụ ca nô QNa 1152 bị chìm tại khu vực biển Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam. Ngày 12/7/2022, BĐBP Kiên Giang điều động 10 CBCS/1 phương tiện và huy động 1 phương tiện tổ chức cứu vớt an toàn 5 người và 2 thi thể trong vụ chìm tàu lưới ghẹ (không biển kiểm soát) tại cửa sông Dương Đông. Ngày 2/10/2022, BĐBP Thừa Thiên Huế điều động 8 CBCS/1 tàu, huy động 1 phương tiện tổ chức cứu vớt an toàn 9 ngư dân trong vụ tàu TTH 96365 bị chìm tại khu vực cách Bắc cửa biển Thuận An khoảng 17 hải lý.

Chuẩn bị tốt để ứng phó kịp thời

Thực tiễn công tác cho thấy, trong năm qua, các đơn vị BĐBP đã kịp thời ứng phó với thiên tai, sự cố, triển khai TKCN có hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân. Kết quả đó có được là do các đơn vị đã chủ động trong công tác nắm tình hình, kịp thời triển khai thực hiện nhiệm vụ với tinh thần, ý chí trách nhiệm chính trị cao, ý thức chấp hành mệnh lệnh nghiêm túc. Chủ động xây dựng, rà soát bổ sung và triển khai Kế hoạch phòng thủ dân sự (PTDS)- phòng chống thiên tai (PCTT), TKCN, đồng thời, coi trọng công tác lãnh đạo, giáo dục chính trị tư tưởng cho CBCS sẵn sàng tham gia giúp đỡ đồng bào gặp nạn trong bất kỳ hoàn cảnh, tình huống nào.

Trong năm 2022, BĐBP đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 421.524 lượt phương tiện/2.001.374 lượt người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển, vòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Hỗ trợ, giúp đỡ hơn 22.000 hộ dân/hơn 63.000 khẩu di dời đến nơi tránh trú; chằng chống gần 2.200 căn nhà, 37 điểm trường học; kéo 2.690 phương tiện nhỏ lên bờ; gia cố và di chuyển 6.254 lồng bè nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn.

Công tác huấn luyện, diễn tập, tập huấn kỹ năng PCTT, TKCN được tổ chức nghiêm túc theo đúng chương trình huấn luyện của Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam. Bộ Tư lệnh BĐBP cũng chỉ đạo, hướng dẫn BĐBP các tỉnh, thành phố tham gia diễn tập PTDS theo kế hoạch của địa phương được 17 lần/557 CBCS/54 phương tiện. Các đơn vị Biên phòng đã phát huy tốt hiệu quả hoạt động của các loại trang bị, phương tiện được trang cấp, kết hợp giữa nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu với nhiệm vụ PTDS - PCTT và TKCN.

Xác định việc nâng cao nhận thức cho người dân có vai trò quan trọng trong công tác PCTT, TKCN, trong năm 2022, các đơn vị BĐBP cũng chủ động phối hợp với cơ quan, lực lượng chức năng ở địa phương tăng cường tuyên truyền Luật PCTT, kỹ năng, kiến thức về PCTT cho gần 45.000 quần chúng nhân dân; cấp phát hơn 2.500 tờ rơi và 1.200 phao áo, 1.600 lá cờ Tổ quốc cho nhân dân địa bàn biên giới, vùng biển đảo. Đồng thời, thường xuyên tổ chức củng cố, xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động của 3.466 Tổ tàu thuyền đoàn kết với trên 21.400 tàu cá và hơn 136.000 ngư dân, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong sản xuất và tích cực hỗ trợ TKCN khi có tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, các đơn vị BĐBP cũng đã phổ biến quy định, xử lý thảm họa tàu thuyền và sự cố tràn dầu trên biển cho gần 700 lượt chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân.

Đánh giá kết quả công tác PCTT, TKCN của BĐBP, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục PCTT, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT khẳng định: “BĐBP luôn tiên phong, đi trước, về sau trong các trận thiên tai, đặc biệt đối với công tác hỗ trợ nhân dân vùng biên giới, hải đảo, ven biển khắc phục hậu quả thiên tai như sửa chữa nhà ở, dọn vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Trong nhiều trường hợp, các đơn vị Biên phòng còn bố trí nơi trú tránh, đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân sơ tán tại đồn Biên phòng. Bên cạnh đó, BĐBP luôn là thành viên tích cực, trách nhiệm cao trong phối hợp, tham gia hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về PCTT”.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/neu-cao-y-thuc-trach-nhiem-trong-phong-chong-thien-tai-tim-kiem-cuu-nan-post459532.html