Nếu nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi, cần tiêu hủy 100% đàn lợn

Sáng 14.9, trực tiếp chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ Thu Đông và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đặc biệt yêu cầu quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này.

Lợn nhập lậu từ biên giới Trung Quốc bị lực lượng chức năng phát hiện, tiêu hủy. Ảnh: PV

Phát biểu tại hội nghị, chuyên gia quốc tế Tổ chức Nông Lương thực Liên Hợp quốc (FAO) Ken Inui, nhấn mạnh: Bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) xuất hiện từ năm 1921 tại Kenya. Vào năm 1957, bệnh DTLCP lây sang châu Âu và sau đó sang các nước châu Mỹ. Sản phẩm lợn và nguyên vật liệu ô nhiễm là nguyên nhân gây lây lan.

Khi bị xâm nhiễm, Tây Ban Nha phải cần tới 35 năm để thanh toán bệnh này. Biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất là tiêu hủy toàn bộ đàn lợn nghi nhiễm bệnh. Virus gây DTLCP có thể gây chết 100% lợn nhiễm bệnh, hiện nay chúng ta vẫn chưa có vacine phòng bệnh.

"Người chăn nuôi không dùng thức ăn thừa cho đàn lợn, không sử dụng kim tiêm để tiêm cho cả đàn lợn bởi đây là đường lây lan rất lớn. Cần thực hiện biện pháp cách ly, tiêu độc khử trùng, đặc biệt phải thực hiện chăn nuôi theo tiêu chuẩn an toàn sinh học"- ông Ken Inui nhấn mạnh và lưu ý: Nếu 1 con lợn bị nhiễm bệnh, cần tiêu hủy cả đàn và thực hiện biện pháp giám sát, tiêu độc, khử trùng cả các vùng xung quanh.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cảnh báo: DTLCP đang có diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch ở Trung Quốc và nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam rất cao nếu chúng ta không kịp thời, chủ động ngăn chặn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các bộ, ban, ngành liên quan, các địa phương thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ và công điện của Bộ NNPTNT, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương quyết liệt phòng chống dịch bệnh, bảo vệ thành quả của ngành chăn nuôi.

Chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh về tình trạng diễn biến phức tạp của dịch bệnh. "Do vậy trước hết là phòng, sau đó là chống. Nếu không làm tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ngành chăn nuôi, thu nhập và đời sống của người nông dân. Các địa phương phải hành động quyết liệt, không được chủ quan với bệnh DTLCP.

Cần nắm bắt thông tin chính xác, kịp thời cung cấp cho địa phương, người dân và hộ chăn nuôi, từ đó tổ chức các biện pháp hành động. Nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu. Giám sát chặt chẽ, không để lây nhiễm qua đường biên giới.

“Yêu cầu tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc việc triển khai ngăn chặn dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi. Cần đóng cửa, vệ sinh tiêu độc các chợ có dịch bệnh; tiêu hủy đàn lợn nếu bị nhiễm bệnh; chủ động để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, dập tắt ngay nếu xuất hiện dịch bệnh. Bởi nếu để dịch bệnh lây lan, hậu quả sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Kh.V

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/neu-nhiem-benh-dich-ta-lon-chau-phi-can-tieu-huy-100-dan-lon-630848.ldo