Ngành giáo dục Yên Bái sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 71

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 71, chất lượng giáo dục Yên Bái đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Một giờ học thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải có ứng dụng công nghệ vào giảng dạy.

Một giờ học thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải có ứng dụng công nghệ vào giảng dạy.

Nghị quyết số 71/NQ-HĐND, ngày 16/12/2020 thông qua Đề án Phát triển giáo dục mầm non tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, Đề án triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và Đề án phát triển Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành. Nghị quyết số 33/NQ-HĐND ngày 31/8/2022 của HĐND tỉnh điều chỉnh một số điểm của Nghị quyết số 71 cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 đã đặt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em tiếp cận giáo dục mầm non chất lượng cao. Qua 3 năm thực hiện, Đề án đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Toàn tỉnh hiện có 178 trường mầm non độc lập, 12 trường phổ thông có nhóm lớp, 89 nhóm trẻ, lớp mầm non độc lập tư thục được cấp phép hoạt động. Đội ngũ giáo viên mầm non được củng cố với việc tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục mầm non công lập được 375 giáo viên, 8 nhân viên và đang thực hiện quy trình xét tuyển viên chức vào vùng đặc biệt khó khăn.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đây là điều kiện quan trọng để các trường nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ. 100% các cơ sở giáo dục mầm non được đánh giá đạt tiêu chuẩn trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích. 100% cơ sở giáo dục mầm non triển khai đổi mới giáo dục. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi được đầu tư, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 75,4%. 126 trường mầm non đạt kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia (vượt chỉ tiêu 6 trường).

Việc triển khai Chương trình GDPT 2018 và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 cũng là nhiệm vụ quan trọng trong sự phát triển giáo dục của tỉnh. Chương trình GDPT mới mang đến những phương pháp giảng dạy hiện đại và phù hợp với nhu cầu của học sinh. Từ việc áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy đến việc tăng cường giáo dục kỹ năng sống và giáo dục toàn diện, Chương trình GDPT 2018 đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trung học trong tỉnh. 100% học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 được học 2 buổi/ ngày; 100% học sinh từ lớp 3, lớp 4 được học Tin học, Ngoại ngữ (đạt chỉ tiêu Đề án). Tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp học cấp tiểu học đạt 99,9% (vượt 2%); cấp THCS đạt 96,8% (vượt 1,8%); cấp THPT đạt 96,7 % (vượt 6,7%).

Các điều kiện căn bản về đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị, sách giáo khoa cho việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 được đảm bảo. Các đơn vị nhà trường đã phát huy được tinh thần sáng tạo của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong thực hiện các hoạt động đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Các đơn vị đã tích cực lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục của địa phương vào chương trình các môn học, hoạt động trải nghiệm. Phương pháp kiểm tra đánh giá cũng được đổi mới.

Cùng với đó, các cơ sở GDPT tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có khai thác hiệu quả các học liệu điện tử; thực hiện chương trình linh hoạt, sáng tạo, theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; vận dụng phù hợp những thành tố tích cực của các mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên được chăm lo, xây dựng. Từ năm 2021 đến nay, ngành đã tổ chức tuyển dụng 454 viên chức sự nghiệp GDPT công lập để bổ sung cho các cơ sở giáo dục. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên được thực hiện phù hợp với nhu cầu thực tế. Cơ sở vật chất, thiết bị, sách được đầu tư đúng, đủ.

Cùng với việc triển khai Chương trình GDPT mới, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là một mục tiêu quan trọng. Toàn tỉnh hiện có 338/442 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 207 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo một môi trường học tập tốt cho học sinh, mà còn góp phần tạo ra những thế hệ trẻ có năng lực cạnh tranh và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

Sau 3 năm thực hiện Đề án phát triển Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đã có những bước tiến đáng kể, khẳng định vị thế của mình trong hệ thống giáo dục của Yên Bái. Tỷ lệ học sinh dự thi học sinh giỏi quốc gia đạt giải đạt 54,4% (vượt 2,4% chỉ tiêu năm 2023, đạt 90,6% chỉ tiêu năm 2025); có 86,2% xếp loại học lực giỏi (vượt 16,2% chỉ tiêu năm 2025); 100% học sinh lớp chuyên Anh đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế từ 6.5 đến 8.0 (đạt chỉ tiêu năm 2025); 63,6% học sinh lớp chuyên tiếng Trung có chứng chỉ tiếng Trung bậc 4 trở lên; 100% học sinh đỗ đại học và du học, trong đó 65% học sinh đỗ nhóm trường đại học hàng đầu Việt Nam.

Trong năm học 2022 - 2023, nhà trường có 1 dự án đạt giải Ba Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; 13 học sinh đạt giải Cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng thế giới (MOS) 2023 khu vực Trung du miền núi phía Bắc, 3 giải MOS 2023 cấp Quốc gia; 5 Huy chương Vàng, 15 Huy chương Bạc, 56 huy chương Đồng vòng thi Quốc gia kỳ thi Olympic Toán quốc tế (TIMO); 1 Huy chương Vàng vòng thi Quốc tế kỳ thi Olympic Toán quốc tế (TIMO); 2 giải Ba Toán học học sinh sinh viên toàn quốc, 1 Huy chương Đồng Olympic Toán học thế giới.

Đội ngũ giáo viên tại trường đảm bảo có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy cao. 54,6% giáo viên có trình độ thạc sĩ; 1 giáo viên có trình độ tiến sĩ; 70% giáo viên dạy tiếng Anh có chứng chỉ quốc tế IELTS từ 7.0 trở lên; 30% giáo viên dạy môn Toán và các môn Khoa học tự nhiên giảng dạy một số chuyên đề bằng tiếng Anh. Ngoài ra, trường cũng được đầu tư vào cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình giảng dạy và học tập. Nhà trường cũng đặc biệt chú trọng vào việc phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Không chỉ giảng dạy kiến thức chuyên môn, trường còn định hướng và tạo điều kiện cho học sinh phát triển các kỹ năng mềm, như khả năng giao tiếp, tư duy logic, sáng tạo và lãnh đạo.

Ngành giáo dục - đào tạo tỉnh xác định, trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo các chỉ số tăng so với năm trước. Triển khai thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng hiệu quả, củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia; đảm bảo 100% các trường thực hiện tự đánh giá theo đúng quy định.

Thanh Ba

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/45/318184/nganh-giao-duc-yen-bai-sau-3-nam-thuc-hien-nghi-quyet-71.aspx