Ngao ngán cảnh hàng ngàn người dân Hà Thành vật lộn với lũ 15 ngày qua

Mưa vẫn không ngớt mấy ngày gần dây và lũ rừng ngang đổ về khiến mực nước sông Bùi dâng lên cao, nên địa bàn huyện Chương Mỹ tiếp tục ngập úng trong biển nước, hàng ngàn người dân sống trong cảnh 'ao làng' tăm tối.

Toàn cảnh chương mỹ ngập lụt (ảnh: kiến thức)

Sơ tán trên 5.000 người dân

Những vùng bị ngập úng hầu hết ở vùng hữu sông Bùi và các khu vực trũng thấp ở vùng tả sông Bùi - hữu sông Đáy bị ngập úng.

Theo số liệu quan trắc mưa lũ, trong ngày 1-8, mực nước sông Bùi vẫn vượt mức báo động 3, ở mức 7,28m và đang có dấu hiệu xuống nhưng rất chậm, do khu vực đầu nguồn Lương Sơn - Hòa Bình và trên địa bàn Hà Nội vẫn tiếp tục có mưa, các hồ chứa cắt lũ sông Bùi đều đầy nước. Trong khi đó, cuối nguồn sông Bùi là sông Tích và sông Đáy, lũ cũng ở mức cao, nước rút chậm. Dọc sông Tích qua các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ…, nhiều làng cũng bị ngập nặng, theo SGGP.vn.

Đáng lo lắng là nước sông Bùi dâng cao, có nguy cơ uy hiếp tuyến đê tả Bùi. Nếu nước tràn qua mặt đê tả sẽ đổ xuống khu vực làng mạc thuộc phía nội thành Hà Nội, quốc lộ 6 Hà Nội - Hòa Bình sẽ ngập, giao thông lên Tây Bắc bị cắt đứt, thậm chí quận Hà Đông - Hà Nội cũng bị ảnh hưởng. Ngày 1-8, tình trạng ngập úng lâu ngày bắt đầu phát sinh những sự cố khó lường. Xã Thủy Xuân Tiên xuất hiện 1 hố sâu 2,5m, rộng 3m trước nhà ông Nguyễn Văn Viên ở tổ 10, thôn Xuân Trung. Hố sụt lún lan sang phần móng nhà ông bà Nguyễn Hữu Tuấn, Nguyễn Thị Như Quỳnh và Nguyễn Thị Cơi.

Ông Tạ Qua Được, Phó Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ, cho biết, địa phương đã huy động hơn 500 người đắp thêm hàng ngàn bao cát chống tràn đê tả sông Bùi. Lực lượng đắp đê là bộ đội Trung đoàn 692, Sư đoàn 301, Bộ Tư lệnh Thủ đô. Để bảo vệ đê tả, hiện nay toàn bộ các điểm xung yếu dọc tuyến này đã được UBND huyện Chương Mỹ và TP Hà Nội huy động lực lượng kè chắn bằng bao cát. Tại các điểm đê ngoài lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ ứng trực 24/24, các lực lượng khác trên địa bàn cũng tập trung chăm lo, giúp đỡ gia đình có nhà bị ngập. UBND huyện Chương Mỹ đã yêu cầu các đơn vị liên quan dừng ngay các hội nghị, hội họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó với mưa lũ, ngập úng.

Theo báo cáo của UBND huyện Chương Mỹ, tại đây có 3.629 hộ dân bị ngập, trong đó có 2.771 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước 0,5 - 2m. Từ ngày 28-7 đến nay, chính quyền địa phương đã sơ tán 5.167 người dân các xã Tốt Động, Thủy Xuân Tiên, Nam Phương Tiến và thị trấn Xuân Mai, Ngày 1-8, UBND huyện Chương Mỹ đã đề nghị triển khai dự án nâng cấp đê tả Bùi, hữu Đáy; hỗ trợ đầu tư hơn 447 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp 11 tuyến đê xung yếu bị tràn và sạt lở và các công trình vùng lũ.

Ngập nước và rác bủa vây khắp nơi (ảnh: kiến thức)

Hàng ngàn người dân sông chung với rác

Dù nước bắt đầu có dấu hiệu rút tuy nhiên tình hình ngập lụt ở Chương Mỹ vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Tới lúc này, hàng trăm căn nhà đã bị ngập sâu hoàn toàn trong nước khiến hàng nghìn người dân sơ tán.

Khủng khiếp nhất là rác thải nổi lềnh bềnh cùng nước lũ. Ông Nguyễn Nhã Tuyển, trưởng thôn 52, cho biết, nước lũ bắt đầu lên vào ngày 21-7 nhưng trước đó cả tháng trời, công ty môi trường đã không đến thu gom rác. Bây giờ, nhà nào cũng đầy rác.

Do ngập chìm trong nước lũ lẫn ngập rác, xác động vật chết nên môi trường ở vùng lũ hiện rất ô nhiễm. Nguy cơ gây dịch bệnh (đau mắt, tiêu chảy) rất cao. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến, cho biết, lũ tràn bờ sông vào làng, hơn 600 hộ bị ngập, ao cá, đầm thủy sản mất trắng, khoảng 32.000 con gia cầm bị chết. Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai đến thu gom rác khi đạt số lượng, 1 tuần 2 lần (thứ tư, thứ bảy). Nếu rác chưa đạt số lượng, công ty sẽ chờ đến khi nào đủ mới đến thu gom, Pv Laodong đưa tin.

Sạt lở lan rộng tại Hòa Bình, vỡ đê Bối ở Hà Nam

Từ đêm 31-7 đến 1-8, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vẫn có mưa to, xảy ra sạt lở. Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, đến sáng 1-8, tại lý trình km3, đường 445 thuộc khu vực xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn đã xuất hiện sạt lở taluy dương với khối lượng khoảng 600m3. Từ lý trình km3+100 đến lý trình km3+200, mặt đường xuất hiện vết nứt khoảng 100m, chiều rộng lớn nhất khoảng 20cm, mặt đường có chỗ lún sâu hơn 40cm. Vết sụt lún này đã tạo thành một khu vực khoảng 300m2 và có nguy cơ trượt sạt xuống sông Đà. Khu vực sụt lún ảnh hưởng trực tiếp đến 4 hộ dân phía taluy âm và 3 hộ dân phía taluy dương, gây ách tắc giao thông toàn bộ khu vực này. Đây là khu vực nằm ở phía dưới khu vực sạt lở tại phường Đồng Tiến - TP Hòa Bình (khiến 29 hộ dân bị thiệt hại do đổ xuống sông Đà) cũng thuộc hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình.

Theo báo cáo của UBND TP Hòa Bình, trong số 29 hộ dân bị ảnh hưởng, có 28 hộ có nhà xây và 1 hộ có đất trống. Trong đó, 9 nhà sập hoàn toàn, 10 ngôi sập nửa nhà, 9 ngôi nhà bị rạn nứt có nguy cơ sụp đổ. Tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo chính quyền địa phương khẩn trương di dời 4 hộ tại khu vực xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn và 35 hộ khu vực tổ 26, phường Đồng Tiến - TP Hòa Bình đến nơi ở an toàn.
Còn tại tỉnh Hà Nam, nước lũ trên sông Đáy dâng cao, từ đêm 21-7, đoạn đê Bối chạy qua xã Đinh Xá (TP Phủ Lý - Hà Nam) có 2 điểm sạt lở nên nước tràn qua, làm ngập các thôn Tái 1, Tái 2 và thôn 7 Phạm. Đến ngày 1-8, hơn 100 hộ dân ở đây vẫn ngập trong nước lũ. Hiện nay, các hộ dân ở đây đang phải di chuyển bằng thuyền.

Ngọc Hiền

Nguồn Thế Giới Trẻ: http://thegioitre.vn/tin-tuc/xa-hoi/ngao-ngan-canh-hang-ngan-nguoi-dan-ha-thanh-vat-lon-voi-lu-15-ngay-qua-55158.html