Ngày này năm xưa 2/3: Ban hành Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia

Ngày này năm xưa 2/3: Chính phủ chính thức ban hành Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương, sự kiện quốc tế và các sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 2/3

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 2/3/1926: Học sinh Trường Kỹ nghệ thực hành Huế đã kéo đến tòa Khâm sứ Trung kỳ đưa ra 3 yêu sách: Nâng cao chương trình học – Không nhục mạ học sinh – Cải thiện đời sống học sinh.

Ngày 2/3/1946: Quốc hội khóa I trong phiên họp đầu tiên đã thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Chính phủ gồm 10 vị bộ trưởng và Bác Hồ được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Chính phủ. Vào lúc 10 gờ 30 phút Chính phủ tuyên thệ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc: "Chúng tôi, Chính phủ kháng chiến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tối cao cố vấn đoàn và ủy viên kháng chiến, trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, xin thề cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền dân chủ Việt Nam, mang lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc..."

Kỳ họp này cũng đã thành lập Ban dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm 11 người đại diện cho nhiều tổ chức đảng phái, khác nhau do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Ban dự thảo Hiến pháp có nhiệm vụ tổng kết các ý kiến tham gia đóng góp của nhân dân và xây dựng dự thảo sau cùng để trình ra Quốc hội xem xét, thông qua.

Ngày 2/3/1943: Bác sĩ A.Yersin qua đời tại Nha Trang. Ông là một nhà vi trùng học nổi tiếng người Pháp gốc Thụy Sĩ, sinh năm 1863. Từ cuối nǎm 1889, ông tới Việt Nam, cuộc đời ông dành hầu hết thời gian và tâm huyết cho các cuộc thám hiểm và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, mà tập trung là Tây Nguyên. Ông đã góp phần phát hiện ra cao nguyên Lang Bian và ra đời thành phố du lịch Đà Lạt.

Ngày 2/3/1973: Sau khi hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký, ngày 2-3-1973, Hội nghị quốc tế về Việt Nam được triệu tập ở Paris gồm đại biểu của Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, 4 bên tham gia ký hiệp định và 4 nước trong ủy ban giám sát quốc tế (Ba Lan, Canađa, Hunggari và Inđônêxia). Tất cả các nước dự Hội nghị đã ký vào bản định ước ghi nhận và bảo đảm hiệp định Paris và các nghị định thư kèm theo được thi hành nghiêm chỉnh.

Ngày 2/3/1979: Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam được ban hành theo quyết định số 121 - TCTK/PPCĐ của Tổng cục Thống kế. Danh mục này được xác lập trên cơ sở các đặc điểm sinh hoạt vǎn hóa và ý thức của các dân tộc ở Việt Nam. Hiện nước ta có 54 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có phong tục, tập quán và sắc thái riêng đã góp phần làm rực rỡ vườn hoa dân tộc Việt Nam đủ mầu sắc. Truyền thống Đại đoàn kết các dân tộc ngày nay được tôn trọng và phát huy.

Ngày 2/3/2015: Chính phủ ban hành Nghị định số 15-CP về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Ngày 2/3/2015: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 07/2015/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia.

Ngày 2/3/2015: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 265/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tăng cường năng lực đơn vị thực hiện trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngày 2/3/2022: Chính phủ ban hành Nghị quyết số 23/NQ-CP về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền.

Ngày 2/3/2018: Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 638/QĐ- BCT áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP (mã số vụ việc SG06) từ các nước và vùng lãnh thổ khác nhau.

Sự kiện quốc tế

Ngày 2/3/1836: Nước Cộng hòa Texas tuyên bố độc lập từ México, song đến năm 1845 thì trở thành một bang của Hoa Kỳ. Đây là là tiểu bang đông dân thứ hai và có diện tích lớn thứ hai trong số 50 tiểu bang của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, và là tiểu bang lớn nhất trong số 48 tiểu bang liền kề của Hoa Kỳ. Texas trở thành tiểu bang dẫn đầu Hoa Kỳ trong nhiều ngành kinh tế, như nông nghiệp, hóa dầu, năng lượng, máy tính và điện tử, hàng không vũ trụ, và khoa học y sinh. Texas cũng dẫn đầu quốc gia về kim ngạch xuất khẩu kể từ năm 2002 và có tổng sản phẩm tiểu bang cao thứ hai.

Ngày 2/3/1919: Các đại biểu cộng sản, cách mạng xã hội, công đoàn họp tại Moskva để thành lập Quốc tế thứ ba (tức Quốc tế cộng sản). Tổ chức này giải tán năm 1943, được tái sinh lại năm 1947 và giải tán năm 1956, sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô. Cương lĩnh hoạt động của Quốc tế cộng sản là đấu tranh lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa bằng hình thức bạo lực cách mạng, thiết lập chuyên chính vô sản.

Ngày 2/3/1969: Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của máy bay Concorde được tiến hành tại Toulouse, Pháp. Concorde bắt đầu được đưa vào phục vụ năm 1976 và có thời gian hoạt động dài 27 năm. Concorde là máy bay chở khách siêu thanh thương mại thành công nhất từng hoạt động, (chiếc kia là Tupolev Tu-144 của Liên Xô). Vì vụ tai nạn duy nhất (năm 2000) cùng các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 và nhiều yếu tố khác, Concorde đã được cho ngừng hoạt động ngày 24 tháng 10 năm 2003, chuyến bay "về hưu" diễn ra ngày 26 tháng 11 năm ấy. Tuy đã ngừng hoạt động, Concorde vẫn là một biểu tượng trong lịch sử hàng không.

Ngày 2/3/1969: Cuộc chiến tranh biên giới giữa Liên Xô và Trung Quốc bùng nổ trên hòn đảo tranh chấp mà Liên Xô gọi là Damansky, Trung Quốc gọi là Trân Bảo. Hai bên đều đổ lỗi cho nhau cố tình khiêu khích, nổ súng trước. Kết thúc xung đột, Trung Quốc thừa nhận thương vong 92 người, khẳng định đã bắn chết và bị thương 230 lính Liên Xô, đồng thời phá hủy 19 xe tăng và thiết giáp. Phía Liên Xô công bố thương vong 152 người.

Vào tháng 10/1969, hai bên đưa ra một nghị quyết ban đầu về xung đột. Sau đó, tình hình hòa dịu dần và đến năm 1991, hai bên đạt thỏa thuận đảo Trân Bảo là một phần lãnh thổ Trung Quốc.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 2/3/1930: Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Quốc tế Cộng sản báo cáo việc Đảng Cộng sản Việt Nam và một Ban Chấp hành lâm thời đó được thành lập. Còn thư gửi Lê Hồng Phong thì cho biết Đảng đã “bao gồm trên 500 đồng chí với hơn 40 chi bộ, hơn 3.000 quần chúng”.

Ngày 2/3/1948: Báo Cứu Quốc đăng bài thơ Bác tặng cụ Bùi Bằng Đoàn:

“Khán thư sơn điểu thê song hãn,

Phê trát Xuân hoa chiếu nghiễn trì,

Tiệp báo tần lai lao dịch mã,

Tư công tức cảnh tặng tân thi”

Dịch:

Xem sách, chim rừng vào cửa đậu,

Phê văn, hoa núi ghé nghiên soi.

Tin vui thắng trận dồn chân ngựa,

Nhớ cụ thơ Xuân tặng một bài”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy Diêm Thống Nhất tại Hà Nội (năm 1956)

Ngày 2/3/1959: Bác đến thành phố Băngđung của Inđônêxia. Đọc diễn văn tại đây Bác đánh giá “Tinh thần Băngđung đó phát triển mạnh mẽ khắp thế giới làm lay chuyển tận gốc chủ nghĩa thực dân” và trong lễ nhận bằng “Tiến sĩ danh dự” của Đại học Patjajahan, Bác tâm sự: Tôi không có điều kiện học tập khi còn trẻ, nhưng đã học tập trong xã hội, trong cuộc sống và đã học tập để biết yêu nhân dân, yêu Tổ quốc, yêu hòa bình và ghét chủ nghĩa đế quốc, ghét áp bức và chủ nghĩa vị kỷ. Hướng về nam nữ sinh viên, Bác cổ vũ: “Con người ngày càng làm chủ được thiên nhiên, cũng như làm chủ được vận mệnh của xã hội và của bản thân mình. Thế hệ thanh niên là như mùa Xuân, như vì sao mới mọc...”.

Ngày 2/3/1961: Bác đăng bài báo “Tếu” phê phán một số người nhân dịp Tết đã in thiếp riêng “rồi gửi đi lung tung, gây lãng phí ” và khuyên:

Có gì tếu bằng tếu này

Cái bệnh hình thức từ nay xin chừa!"

Ngày 2/3/1962: đến thăm Đại hội Chiến sĩ thi đua lực lượng Công an nhân dân vũ trang, Bác tặng thơ:

“Non xanh nước biếc trùng trùng,

Giữ gìn Tổ quốc, ta không ngại ngùng gian lao.

Núi cao, sự nghiệp càng cao,

Biển sâu, chí khí ta soi vào càng sâu

Thi đua ta quyết giật cờ đầu”.

Sự kiện trong ngày 2/3/2023

- Quốc hội họp phiên bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV kiện toàn nhân sự Chủ tịch nước

- Tọa đàm Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự hình thành, phát triển của nền văn học nghệ thuật Việt Nam.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-23-ban-hanh-chuong-trinh-phat-trien-thuong-mai-dien-tu-quoc-gia-244458.html