Nghệ An: 50% số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện ở nhóm tuổi từ 15-29 tuổi trong năm 2022

Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12) là một cơ hội để tái khẳng định các cam kết về chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030, cũng là để nhắc nhở HIV vẫn là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng, nâng cao nhận thức về nạn dịch AIDS do việc lây nhiễm HIV.

Sáng ngày 29/11, tại huyện Đô Lương, Nghệ An, Ban Chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS tỉnh Nghệ An phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Đô Lương tổ chức Lễ Mít tinh và diễu hành hưởng ứng "Tháng Hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS và ngày Thế giới phòng, chống AIDS ngày 01/12" năm 2023 cấp tỉnh.

Các đại biểu dự lễ mit tinh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng, chống HIV/AIDS.

Phát biểu tại Lễ mít tinh, ông Nguyễn Văn Thương - Phó giám đốc Sở Y tế Nghệ An nhấn mạnh, HIV là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể tấn công bất kì ai, lây nhiễm HIV không phân biệt tuổi tác, gia đình, nghề nghiệp, địa vị xã hội. Bất kì ai nếu không có đầy đủ kiến thức về HIV/AIDS và không thực hiện các hành vi an toàn đều có nguy cơ bị nhiễm HIV.

Sau thời gian dài kiểm soát tốt, đại dịch HIV/AIDS đang có dấu hiệu gia tăng. Dịch HIV đang phát hiện chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ và có xu hướng tiếp tục tăng nhanh trong nhóm này. Trong năm 2022 có tới 50% số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện ở nhóm tuổi từ 15-29 tuổi.

Những năm qua, Nghệ An đã và đang từng bước kiểm soát HIV trong cộng đồng, dân cư; có rất nhiều sáng kiến hay, mô hình hiệu quả được áp dụng trong truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi, trong tiếp cận dịch vụ từ dự phòng lây nhiễm HIV, can thiệp giảm hại đến điều trị liên quan đến HIV/AIDS.

Hiện nay, Nghệ An đang là tỉnh có số người nhiễm HIV cao thứ 6 của cả nước và là một trong các tỉnh trọng điểm về ma túy. Tình hình dịch HIV/AIDS vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ gia tăng các trường hợp nhiễm mới còn rất lớn.

Phó giám đốc Sở Y tế Nghệ An Nguyễn Văn Thương kêu gọi toàn thể cộng đồng xã hội cùng hưởng ứng và chủ động tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 có chủ đề "Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!". Việc tổ chức Tháng hành động nhằm kêu gọi các ban, ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân, các khu công nghiệp, các tổ chức cộng đồng tăng cường sáng tạo, tiếp cận giải pháp mới và phù hợp nhằm hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Tổng số bệnh nhân đang điều trị ARV tại Nghệ An là 4.819, trong đó có 4.406 bệnh nhân được điều trị tại cơ sở y tế nhà nước, 268 bệnh nhân trong trại giam và 145 bệnh nhân tại phòng khám tư nhân. Hoạt động dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP): có 1.883 khách hàng đang tham gia điều trị.

Quang cảnh lễ mít tinh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng, chống HIV/AIDS tại huyện Đô Lương sáng 29/11.

Trong những năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Nghệ An, sự hỗ trợ về nhân lực, vật lực của Bộ Y tế, các tổ chức quốc tế, Nghệ An đã nỗ lực kết hợp triển khai toàn diện, hiệu quả các giải pháp về xã hội, về chuyên môn kỹ thuật y tế trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Qua đó, tình hình dịch HIV/AIDS ở Nghệ An từng bước được kiểm soát, số người nhiễm HIV mới, số trường hợp chuyển sang AIDS và tử vong liên quan đến HIV/AIDS hàng năm liên tục giảm.

Văn nghệ chào mừng tại Lễ mít tinh tại Trường THPT Đô Lương 1.

Trong suốt hành trình này, Đảng, Chính quyền các cấp, sự tham gia của các cơ quan liên quan, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các mô hình, sáng kiến của cộng đồng đã giúp tỉnh Nghệ An kiểm soát tốt dịch bệnh. Hiện Nghệ An mang lại kết quả đáng ghi nhận cho công tác phòng chống HIV/AIDS.

Để chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030, Phó Giám đốc sở Y tế Nguyễn Văn Thương đề nghị các sở, ban, ngành và các địa phương phối hợp với ngành Y tế trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động phòng, chống HIV/AIDS trong cơ quan, đơn vị với các hình thức phong phú như: Nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt văn nghệ, tọa đàm, hội thảo, băng rôn, khẩu hiệu...

Lãnh đạo huyện Đô Lương tặng quà cho những bệnh nhân nhóm cộng đồng HIV/AIDS.

Các cơ quan truyền thông tiếp tục nâng cao chất lượng các tin, bài, tuyên truyền phổ biến pháp luật, kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS. Qua đó tuyên truyền chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, phòng chống lây nhiễm trong các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao... góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong các cấp, các ngành. Huy động lực lượng thanh, thiếu niên và các em học sinh tham gia tuyên truyền và thực hiện phòng, chống các tệ nạn xã hội, HIV/AIDS tại địa phương, trường học.

Ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV. Tăng cường chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV, tăng cường chất lượng điều trị bằng thuốc Methadone, đẩy mạnh giám sát dịch HIV/AIDS, theo dõi, đánh giá và nghiên cứu khoa học cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Đoàn diễu hành míttinh cổ động toàn dân phòng chống HIV/AIDS tại huyện Đô Lương sáng 29/11

Tại Lễ mít tinh, đại diện nhóm cộng đồng ở huyện Đô Lương (Nghệ An) chia sẻ về hành trình sống, làm việc trong hơn 10 năm nhiễm virus HIV và qua đó cho biết, nếu tiếp cận điều trị sớm, đúng, tất cả mọi người đều có cơ hội sống khỏe mạnh, hữu ích.

Cũng tại buổi lễ, Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Nghệ An đã phát lời kêu gọi và đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội... quan tâm chỉ đạo phổ biến, quán triệt sâu rộng về mục tiêu, quan điểm, các giải pháp để nhằm kết thúc AIDS trước năm 2030 tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả.

Hoàng Trinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nghe-an-50-so-truong-hop-nhiem-hiv-duoc-phat-hien-o-nhom-tuoi-tu-15-29-tuoi-trong-nam-2022-16923112911544421.htm