Nghĩa tình của những người cộng sản

Trải qua gần 1 thế kỷ đoàn kết gắn bó với nhau và 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác toàn diện, hai nước Việt Nam-Lào cùng theo đuổi mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trên dải đất biên giới Việt-Lào, trải qua 88 năm kể từ ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2018) và 63 năm ngày thành lập Đảng Nhân dân cách mạng Lào (22/3/1955 - 22/3/2018), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh hai bên biên giới không chỉ thực hiện mục tiêu ấy, mà còn vun đắp cho tình hữu nghị sắt son, bền chặt để xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển bền vững.

Đồng chí Văn Xay Pheng Xum Ma, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư, Tỉnh trưởng Hủa Phăn, Lào và đồng chí Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sơn La. Ảnh: Phạm Vân Anh

Kỳ 1: Nơi ghi tạc nghĩa tình từ trước

Biên cương thắm tình đồng chí

Khu lưu niệm Bác Hồ tại bản Xiêng Vang, huyện Nong Bok, tỉnh Khăm Muộn có diện tích rộng gần 2.000m2, do 13 gia đình Việt kiều sinh sống tại bản Xiêng Vang hiến tặng đã được Đảng và Nhà nước, nhân dân Lào phối hợp cùng Đảng và Nhà nước, nhân dân Việt Nam đầu tư xây dựng. Nơi đây, năm 1928, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại bắt đầu truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng cứu nước mới vào Đông Dương.

Tại bản nhỏ vùng biên này, Người đã soạn tài liệu tuyên truyền, mở lớp dạy chữ, đào tạo cán bộ cách mạng cho một số Việt kiều yêu nước và những người Lào tiến bộ. Sau khi ra đời chưa được bao lâu, do yêu cầu của cách mạng, tháng 10-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương để tăng cường thêm sức mạnh cho phong trào đấu tranh của ba nước Đông Dương. Năm 1951, từ thực tiễn đấu tranh cách mạng ở Lào, Việt Nam và Cam-pu-chia, tại Đại hội lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương đã quyết định thành lập Đảng cách mạng ở mỗi nước.

Cùng đến thăm Khu di tích lịch sử Lao Khô tại xã biên giới Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, Thiếu tướng Thoong Lếch Măng Lọ Mệnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ An ninh Lào chia sẻ với chúng tôi bằng tiếng Việt khá sõi: “Đồng chí Cay Xỏn Phôm Vi Hản đã được gia đình cụ Tráng Lao Khô nhận làm con nuôi. Tại vùng đất biên cương này, đồng chí đã tổ chức thành lập Quân giải phóng Lào, lấy tên đơn vị là Lát Xa Vông. Sau này, đồng chí đã đặt tên bản là Lao Khô để tưởng nhớ những người từng giúp mình và cách mạng Lào. Chúng tôi cũng không bao giờ quên tình cảm sắt son ấy”.

Nắm chặt tay Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP Việt Nam giữa biên cương lộng gió, Thiếu tướng Thoong Lếch khẳng định rằng, kế thừa truyền thống của cha anh đi trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hủa Phăn luôn xác định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn là người đồng chí, anh em kề vai sát cánh với Hủa Phăn, giúp bạn đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai nước qua lại thăm hỏi lẫn nhau và làm ăn sinh sống thuận lợi.

“Lưỡng quốc” đảng viên

Thời điểm sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giang sơn thu về một mối, hai nước Việt – Lào cùng bước vào công cuộc tái thiết đất nước, tiến theo con đường CNXH. Giữa bộn bề công việc, song lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước đã sớm thống nhất giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ. Ngày 18-7-1977, “Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào” đã được kí kết.

Cũng như 10 tỉnh biên giới Việt-Lào khác, vùng biên giới Quảng Trị cũng có nhiều thay đổi về hành lang, mốc giới giữa hai nước, dẫn đến việc có nhiều vùng đất trước đây của ta nay quy thuộc về bạn và ngược lại. Tháng 7-1979, đồng chí Hồ Lôi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy huyện Nam Hướng Hóa đã bàn giao cho chính quyền bạn các bản quy thuộc sang đất Lào. Đảng viên và nhân dân đang sinh sống tại các bản được trưng cầu ý kiến là chuyển về Việt Nam hay ở lại bản cũ.

Khi ấy, đã có 7 đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam do điều kiện lịch sử đã chọn ở lại nơi chôn nhau cắt rốn và được bạn hướng dẫn, làm thủ tục để trở thành đảng viên Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, đồng thời, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của khu vực biên giới của tỉnh Sa-la-van hôm nay. Ông Ba-lây Bun-xa-vang, Huyện ủy viên, Chánh Văn phòng Huyện ủy Sa Muội cho chúng tôi xem những trang viết chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp của người đảng viên Hồ Khắc Lợi trong cuốn lịch sử Đảng bộ Sa Muội.

Sinh năm 1942 tại vùng biên Hướng Hóa, người thanh niên Pa Cô ấy đã hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ với bí danh Sô-vê La-va. Ngày 2-3-1961, khi đang chiến đấu tại khu vực A Lưới, ông vinh dự được kết nạp và trở thành đảng viên của Đảng bộ miền Nam do đồng chí Phạm Hùng làm Bí thư.

Ông Lợi cho biết, ông từng được cử ra học nghiệp vụ tại Trường Công an nhân dân vũ trang tại Sơn Tây và được điều động nhận công tác tại lực lượng An ninh vũ trang miền Nam, có nhiệm vụ chỉ đạo công tác bảo vệ cho dân công vận tải lương thực, đạn dược tiếp ứng cho mặt trận Bình Trị Thiên để chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Cùng hoạt động thời kì đó với ông có Thiếu tướng Trần Đình Dũng, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP. Khi đó chiến trường còn nhiều khó khăn gian khổ, chính đồng chí Trần Đình Dũng là người đã gắn bó cùng ông vượt qua nhiều khoảnh khắc nguy nan.

Khi quê hương Tù Muồi của ông quy thuộc về đất Lào cũng là lúc ông Lợi đang đảm nhận vai trò Bí thư Đảng ủy xã. Sau đó, xã Tù Muồi được đổi tên thành cụm bản Ba và giữ nguyên tên gọi đó cho tới nay. Đảng viên Hồ Khắc Lợi cũng được Đảng bộ huyện Sa Muội hướng dẫn, làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng và trở thành đảng viên Đảng Nhân dân Cách mạng Lào từ năm 1980. Vốn là một chiến sĩ An ninh vũ trang miền, giỏi nghiệp vụ và công tác dân vận, lại thông thạo ba thứ tiếng (tiếng Việt, tiếng Lào, tiếng Pa Cô – Vân Kiều) nên ông Lợi đã biết phát huy tốt vai trò xây dựng cơ sở chính trị và phát triển kinh tế ở một vùng biên giới mới giải phóng còn hoang vu, hẻo lánh với nhiều khó khăn gian khổ.

Năm 1990, ông được tín nhiệm bầu vào cương vị Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Sa Muội. Thật khó có thể kể hết những khó khăn mà người chiến sĩ cộng sản ấy phải trải qua để cùng Đảng bộ và nhân dân huyện Sa Muội vươn lên thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Ông Ba Lây Bun Xa Vang chia sẻ rằng, những năm tháng đồng chí Hồ Khắc Lợi làm Bí thư Huyện ủy, bà con 8 cụm bản trực thuộc huyện Sa Muội đã quen với hình ảnh người Bí thư cùng nhân dân xắn quần lội ruộng, sắn tay áo san đường, lấp hố để nối thông giữa các bản, giúp bà con không phải luồn rừng mà đi như trước. Năm 1993, Bí thư Hồ Khắc Lợi được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Sa La Van cho tới năm 2004 mới nghỉ hưu, trở lại sinh sống tại quê nhà và tiếp tục đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ cụm bản Ba. Hai người con của ông đều là cán bộ, đảng viên của huyện Sa Muội, đang phụ trách các lĩnh vực y tế và an ninh.

Ở tuổi 75, trong trái tim người đảng viên, người chiến sĩ cách mạng lão thành ấy, sắc cờ đỏ búa liềm tươi thắm dẫu bay trên đất Việt hay đất Lào, luôn thúc giục ông cống hiến, xây dựng cho tình hữu nghị đặc biệt, đoàn kết truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt-Lào ngày càng sắt son, bền chặt.

Kỳ 2: Sắt son nghĩa Đảng, tình anh em

Phạm Vân Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nghia-tinh-cua-nhung-nguoi-cong-san/