Nghiện thiết bị điện tử có thể là dấu hiệu sớm của tăng động, tự kỷ?

Trẻ em có nguy cơ di truyền mắc rối loạn phổ tự kỷ (ASD) có thể dành hàng giờ mỗi ngày để dán mắt vào màn hình thiết bị điện tử, nhưng các nhà khoa học cho biết điều đó không có nghĩa là việc sử dụng thiết bị điện tử gây ra ASD. Đây là kết quả nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Psychiatry Research.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, trẻ em mắc chứng rối loạn tăng động/giảm chú ý (ADHD) dần dần tăng thời gian sử dụng thiết bị điện tử khi chúng lớn lên, ngay cả khi ban đầu chúng tiếp xúc với màn hình thiết bị điện tử ở mức độ ít.

Trưởng nhóm nghiên cứu, PGS.TS Nagahide Takahashi tại Đại học Nagoya (Nhật Bản) cho biết: "Mặc dù thời gian sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài ở giai đoạn thơ ấu được cho là nguyên nhân gây ra ASD/ADHD, nhưng kết quả của nghiên cứu mới này cho thấy một số trẻ có thể có khuynh hướng di truyền về sử dụng màn hình thiết bị điện tử vì mắc ASD".

"Thời gian sử dụng thiết bị điện tử có thể là dấu hiệu sớm của ASD chứ không phải là nguyên nhân, vì trẻ mắc ASD thường bị thu hút bởi đồ vật hơn là trẻ bình thường. Do đó, việc kết luận thời gian sử dụng thiết bị điện tử kéo dài là yếu tố nguy cơ gây ASD có thể là chưa đầy đủ" - Tiến sĩ Takahashi cho biết thêm.

Theo các nhà khoa học, hầu hết mọi người đang dành nhiều thời gian hơn cho các thiết bị điện tử, bao gồm điện thoại thông minh, máy tính, tivi và hệ thống trò chơi điện tử, đặc biệt là đối với nhóm trẻ bị rối loạn phát triển thần kinh.

Trong nghiên cứu hợp tác với các nhà khoa học tại Đại học Hamamatsu (Nhật Bản), Tiến sĩ Takahashi và cộng sự đã phân tích 6,5 triệu điểm khác biệt trong DNA của 437 trẻ em để xác định tính nhạy cảm di truyền đối với ASD và ADHD. Họ đã tính toán chỉ số nguy cơ di truyền để đánh giá mức độ ảnh hưởng của những thay đổi trong gen liên quan đến ASD/ADHD.

Kết quả cho thấy, những trẻ có tính nhạy cảm di truyền cao hơn với ASD đã sử dụng các thiết bị có màn hình trong thời gian dài hơn từ thời thơ ấu, khoảng trên 4 giờ mỗi ngày. Ngoài ra, trẻ mắc chứng ADHD ngày càng sử dụng thiết bị điện tử có màn hình nhiều hơn khi chúng lớn lên.

Trẻ mắc chứng ADHD ngày càng sử dụng thiết bị điện tử có màn hình nhiều hơn khi chúng lớn lên.

Nhóm nghiên cứu cho biết: "Nhìn chung, những trẻ có nguy cơ di truyền mắc ASD có khả năng cao hơn 1,5 lần rơi vào nhóm sử dụng thiết bị điện tử 3 giờ/ngày và có khả năng cao hơn 2,1 lần rơi vào nhóm sử dụng thiết bị điện tử trên 4 giờ/ngày".

"Theo nghiên cứu, trẻ em có nguy cơ mắc chứng ADHD thì có xu hướng dành nhiều thời gian hơn sử dụng thiết bị điện tử, đặc biệt nghiện chơi game là phổ biến. Vì trẻ nguy cơ mắc ADHD thì có xu hướng sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài hơn, nên các bậc cha mẹ cần thận trọng và lưu ý về điều này để tránh các hậu quả sức khỏe đối với trẻ" – Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Thanh Liêm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nghien-thiet-bi-dien-tu-co-the-la-dau-hieu-som-cua-tang-dong-tu-ky-169231101165821788.htm