Người giữ nghề rèn truyền thống ở bản Pặt Pháy

Là thế hệ thứ 3 trong gia đình có nghề rèn truyền thống, lò rèn của gia đình ông Vì Văn Xiên, bản Pặt Pháy, xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp, vẫn sớm tối 'đỏ lửa' trong gần 40 năm qua. Với những bí quyết gia truyền, sản phẩm rèn có độ tinh xảo, sắc và bền, được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Ông Vì Văn Xiên, bản Pặt Pháy, xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp, rèn dao.

Lò rèn của gia đình ông Xiên rộng khoảng 30m² ở ngay gần nhà. Ông Xiên chia sẻ: Những năm 1950, ông nội và bố tôi mở lò rèn và sửa chữa dụng cụ lao động cho bà con trong bản. Năm 14 tuổi, tôi học và có thể tự rèn một dụng cụ, như dao, cuốc, thuổng. Năm 2004, bố mất, tôi tiếp tục kế nghiệp nghề rèn. Bây giờ, gia đình chủ yếu rèn các loại dao; để có sản phẩm bền, đẹp phải trải qua nhiều công đoạn, từ lựa chọn thép, định hình phôi, nung, rèn, tôi, mài, làm cán...

Lò rèn truyền thống trước đây được đắp bằng đất trộn rơm nhào nhuyễn, sau đó để khô tự nhiên; mặt lò võng xuống để đựng than, bên hông lò có một lỗ hình tròn để lấy gió từ bễ thổi vào. Bễ lò rèn dùng bằng 2 thân cây gỗ lớn đục rỗng, có pít-tông như cái bơm dùng hai tay đẩy để thổi gió vào lò. Than dùng để rèn là than gỗ nhãn, gỗ dẻ, sau khi đốt than phải ủ dưới hố đất một tuần mới sử dụng được. Bây giờ, có quạt điện thay bễ kéo tay, dùng than đá và có máy dập phôi thép, giúp một số công đoạn rèn nhanh và tiện lợi hơn. Tùy vào từng loại thép, độ các bon của thép khác nhau mà áp dụng những cách tôi khác nhau, như tôi bằng nước, bùn ao hoặc dầu nhớt; có thể tôi 1 phần lưỡi dao, một nửa lưỡi hoặc tôi toàn bộ dao...

Theo ông Xiên, khó nhất trong rèn là việc tôi lưỡi, vì công đoạn này quyết định công cụ có sắc bén, độ bền có cao hay không. Người thợ lâu năm nhìn độ đỏ hồng của màu thép khi nung để quyết định chính xác thời điểm tôi, để lưỡi công cụ sau khi tôi không bị nứt, đạt độ chịu lực tốt khi sử dụng. Vỏ dao, cán dao thường được làm bằng gỗ lát hoa, pơ mu hoặc dâu rừng, bởi những loại gỗ này có vân đẹp, thớ gỗ dai, dễ tạo hình và có độ bền, bóng theo thời gian sử dụng. Cán dao và vỏ dao được gia cố bằng khâu đồng để tăng độ thẩm mỹ.

Năm 2022, gia đình ông Xiên mở rộng quy mô lò rèn và đầu tư thêm máy mài, máy chà, máy cắt phôi thép và làm đa dạng các sản phẩm. Hiện nay, mỗi tháng, lò rèn của ông sản xuất từ 30-40 sản dao các loại, tiêu thụ trong tỉnh và bán cho khách ở các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Nội..., thu nhập trung bình từ 6-7 triệu đồng/tháng.

Mặc dù các sản phẩm rèn ngoài thị trường ngày một đa dạng, nhưng lò rèn của gia đình ông Vì Văn Xiên vẫn quanh năm đỏ lửa, tiếng búa vẫn vang lên đều đặn mỗi ngày, bởi sản phẩm giữ được uy tín, giúp gia đình có thu nhập ổn định và góp phần gìn giữ, phát huy nghề truyền thống trên đất Dồm Cang.

Bài, ảnh: Trường Sơn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/guong-sang-ban-lang/nguoi-giu-nghe-ren-truyen-thong-o-ban-pat-phay-rjzuSqfSR.html