'Người ở Hà Nội' đón Tết

'Người ở Hà Nội' là một khái niệm dùng để chỉ những người vốn không phải là gốc Hà Nội, mà là những người tứ xứ thập phương tụ về sinh nhai, lập nghiệp ở nơi thủ đô ngàn năm văn vật. Trước 5 ngày Tết, những 'người ở Hà Nội' đổ xô xuống đường đi sắm sửa, chúc tụng, lễ lạt...

Rồi áp Tết, nhà nhà, người người lên xe, lên tàu, tỏa đi tứ xứ thập phương, đường sá nghẹt tắc. Họ về lại chốn chôn nhau cắt rốn để mời tiên tổ về vui vầy Tết nhất... Rồi hết 5 ngày Tết, người người, nhà nhà lại lũ lượt về lại thủ đô. Và lại "công chiếu bộ phim" dài tập... tắc nghẹt…

Tết của những người “ở lại trông giữ Thủ đô”

Không phải tất cả những "người ở Hà Nội" nào cũng có thể trở về quê để đoàn viên, ăn Tết. Có nhiều lý do để họ ở lại Thủ đô, như: Có người hai chữ "quê hương" chỉ còn trong ký ức, vì đã là thế hệ thứ tư, năm...; có người không còn người ruột rà gần gũi ở quê như bố mẹ, anh chị em; có người quê cha đất tổ đã chia xong, anh em mỗi người mỗi ngả; có người vì nhiệm vụ phải tạm xa gia đình trực ca ngày Tết; có bạn trẻ, là sinh viên, tranh thủ mấy ngày Tết ở lại trải nghiệm "start up" để dần bước vào cuộc sống tự lập; có người, trước Tết, vội về thắp nén hương, ăn bữa cơm tất niên với anh em ruột thịt, xong lại tất bật hồi phố chuẩn bị Tết cho gia đình nhỏ của mình...

Cảnh những gia đình “người ở Hà Nội” đưa nhau trở lại Thủ đô sau những ngày về quê ăn Tết.

Nếu bạn là "người ở Hà Nội", chắc chắn bạn nằm một trong số những trường hợp như nêu ở trên... Buồn nhất là nhiều người không còn quê hương, không còn cha, mẹ, nếp nhà xưa... để còn chốn đi về... Một vài người đùa vui, "phải có trách nhiệm ở lại trông giữ Thủ đô để cho bà con yên tâm về quê ăn Tết". Nói vậy, chứ Tết nhất, không được đoàn viên nơi quê nhà, dù có mâm cao cỗ đầy cũng kém vui...

Vậy những "người ở Hà Nội" ở lại "trông giữ Thủ đô" sẽ làm gì trong mấy ngày Tết? Việc thường niên là dọn dẹp, trang trí nhà cửa. Tiếp đến là đi sắm Tết, đi chúc tụng người thân cùng ở lại phố và làm những việc thường niên khác mỗi khi Tết đến, Xuân về...

Ở phố bây giờ chẳng thiếu gì. "người ở Hà Nội" nếu ngại đi chợ truyền thống hoặc "shoping" siêu thị, chỉ cần vào Google, Facebook, Youtube chọn đào, quất, mai, lan, thủy tiên, cam, quýt, bưởi, bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành... là shiper mang đến tận nhà.

"Người ở Hà Nội" cũng sửa soạn cỗ bàn tiễn ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp và soạn bữa tất niên, mời tổ tiên về đón Tết cùng cháu con. Đêm Giao thừa, người ta hòa mình vào dòng người đổ về các địa điểm xem bắn pháo hoa. Sau 15 phút xem màn bắn pháo hoa tầm thấp ở Công viên Dịch Vọng, Cầu Giấy, thấy nhiều người trẻ livestream chúc Tết bố mẹ, ông bà ở quê. Có người còn khóc vì giao thừa không được quây quần đón Tết quê...

"Người ở Hà Nội" giờ cũng mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Hà Nội xưa. Sau Giao thừa, mọi người đến các đền, chùa để lễ bái, cầu mong năm mới quốc thái, dân an, gia đình cháu con hòa thuận, làm ăn tấn tới...

"Người ở Hà Nội" cảm thấy sung sướng hơn những thường nhật ồn ã, bụi bặm, tắc đường, đó là những con phố rộng thênh thang vắng lặng đến lạ lùng... Nhà "Người ở Hà Nội" đón Tết ở Thủ đô dịp Tết gần như nhà nào biết nhà nấy. Mà lối sống này đã trở thành văn hóa Hà Nội tự lúc nào. Thực ra thì thường cũng vậy... Vì thế mà ngày Tết, mọi người đều ở trong nhà, ít ra ngoài phố sá... Gần đây, một số ít gia đình đón Giao thừa xong là công kênh nhau về quê... Một số ít gia đình có điều kiện, tranh thủ đi du lịch trong và ngoài nước...

“Người ở Hà Nội” về quê ăn Tết

Những "người ở Hà Nội" về quê ăn Tết ngoài những niềm vui sum vầy nơi chôn nhau, cắt rốn, thì cùng trăm mối cần sự sẻ chia.

Thứ nhất là chuyện đi lại. Nếu "người ở Hà Nội" xưa khổ khó chuyện đi lại quanh năm, Tết nhất, thì bây giờ cũng khổ không kém. Những ngày áp Tết, "người ở Hà Nội" muốn về được quê, thoát ra khỏi được nội thành cũng mất cả giờ đồng hồ, thậm chí là hơn. Ngay cả ra đến đường cao tốc cũng tắc. Có năm, tắc xe đến nỗi có nhà phải ngả bánh chưng ra ăn tại rìa đường để lấy sức chờ thông xe.

Phương tiện về quê bây giờ rất sẵn, đường sá đẹp. Người ở tỉnh xa, đi về giờ chỉ mất vài giờ đồng hồ. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện tậu ô tô riêng để chủ động đi lại. Nhà sang thì đi tàu bay, thuê xe ô tô riêng, còn lại thì vẫn ra bến xe, ga tàu, chen chúc nhau để sớm được về đoàn tụ Tết quê. Nhiều gia đình trẻ, đi gần, gọn nhẹ là chạy xe máy công kênh nhau về quê ăn Tết. Nhìn cảnh này ở nhiều ngả đường, thấy không khí rất Xuân. Tuy nhiên, cũng rất e ngại sự rủi ro rình rập trên những nẻo đường...

Nhìn chung, "người ở Hà Nội" vất vả cả lúc đi và lúc về. Có năm, khi "người ở Hà Nội" hết Tết, trở lại Thủ đô làm việc, trạm thu phí cao tốc ở các cửa ngõ Thủ đô phải "xả trạm" để xe lưu thông nhanh, không bị ùn tắc kéo dài... Nhà nào cũng cố thu xếp về lại Thủ đô sớm hơn để phòng ùn tắc, nhưng hóa ra lại... cùng tắc. "Bộ phim" dài tập tắc đường năm nào cũng vẫn vậy...

“Người ở Hà Nội” trở lại... Hà Nội

Trở lại Hà Nội sớm, những "người ở Hà Nội" sẽ làm gì? Nếu ở nhà, sẽ làm thủ tục "hóa vàng" hết Tết. Có gia đình thì tranh thủ đi những ngôi chùa, đền thiêng trong Thăng Long tứ trấn. Nhưng, có lẽ theo thói quen thường nhật, nhà nhà lũ lượt kéo nhau vào các trung tâm thương mại lớn để ngắm hàng, ăn uống đồ Tây, Tàu để xóa bỏ sự ngấy của bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành của ẩm thực Tết truyền thống... Cũng vì thế mà khu ẩm thực ở các trung tâm thương mại lớn khách cứ xếp hàng rồng rắn gọi đồ ăn, uống. Hết chỗ, kín bàn ở các gian ẩm thực là chuyện rất bình thường...

Những người Hà Nội trẻ xếp hàng trong Trung tâm thương mại dịp Tết.

"Người ở Hà Nội" bây giờ ăn, uống cũng đậm chất "công nghiệp". Nếu người Nam bộ ưa nhậu lai rai với những món ăn dân dã, giản đơn, thì "người ở Hà Nội", nhất là giới trẻ có xu hướng chuộng ăn hàng, quán hơn là bữa cơm gia đình... Có nhà khoe, nhà có 4 người, cả tháng chưa ăn hết 5 kg gạo. Có anh bạn Tây đón giao thừa Tết ta ở Thủ đô Hà Nội thốt lên: "Không đâu sướng bằng Việt Nam, phố sá chỗ nào cũng có nhà nghỉ, quán ăn, thức ăn đường phố đa chủng loại, vừa rẻ lại vừa ngon!".

Quả thật, ở Hà thành, chỗ nào cũng nhan nhản "phố ẩm thực". Điều này tiện lợi, nhưng cũng đang làm "người ở Hà Nội" và cả số ít những người gốc Hà Nội còn sót lại dần mất đi thói quen ăn bữa cơm đầm ấm ở gia đình.

Tết xong, chỗ mà "người ở Hà Nội" tụ hội đông đúc nhất, đó là các trung tâm thương mại lớn như Lotte, Big C, Aeon... Các trung tâm này thường mở xuyên Tết. Ngày 30, sớm mùng Một Tết thường vắng khách. Độ mùng Hai là bắt đầu đông. "Đội quân" chán ngấy bánh chưng, thịt mỡ, đồ ta đổ xô vào các gian hàng ẩm thực Tây, Tàu, Nhật, Hàn, Thái để thưởng thức món lạ. Trải nghiệm ở Lotte Tây Hồ Tây, thấy các gian ẩm thực "người ở Hà Nội" xếp hàng dài chờ đến lượt chọn gọi đồ ăn. Các gian bán đồ điện tử, quần áo vắng khách. Các gian đồ lưu niệm Valentine thì đông nghịt người trẻ chọn đồ. Mấy gian sách đầu năm bán cũng chạy. Trẻ em vẫn thích mua sách thiếu nhi, nhất là truyện tranh. Giới tri thức thì chọn sách về các vấn đề chính trị - xã hội, văn hóa, giáo dục... Điều này chứng tỏ văn hóa đọc sách in vẫn còn chỗ đứng ở thời công nghệ số.

Cánh thanh niên được sinh ra ở Hà Nội ngoài việc rủ nhau vào các trung tâm thương mại lớn để ẩm thực, "check-in" các góc cảnh bài trí đẹp, lạ hoặc sắm đồ "hàng hiệu fake" thì đi xem phim rạp là một thú sang chảnh. Cánh trẻ "người ở Hà Nội" bây giờ có phong cách "săn" vé xem phim buổi đêm. Có đợt phim hay, gà gáy canh vẫn thấy cảnh cánh trẻ người xe như trảy hội ra khỏi trung tâm thương mại sau khi kết thúc buổi xem phim đêm...

Dạo ra phố thị, những nơi có những chợ truyền thống bán đồ sau Tết như "chợ" hoa lê Lạc Long Quân, chợ phiên chim, hoa, cây, cá cảnh ở Hoàng Hoa Thám, Tố Hữu. Thấy có nhiều người xem mua hoa lê miền mạn Lai Châu, Tuyên Quang về chơi. Nếu biết chăm, có thể lê cứ trắng muốt, đẹp đến tận tháng Tư...

Năm nay "đào rừng xuống phố" vẫn cứ ế ẩm, vì khách sành chơi rất kén chọn thế đẹp, bông to, nhiều nụ, bền. Chiều 30 Tết, vẫn thấy đào, quất, mai ngổn ngang trên các hè phố Hà thành. Nghĩ mà thương những người nông dân lầm lũi chân lấm tay bùn tạo ra những sắc màu rực rỡ mà vẫn ế ẩm.

Hết Tết, “người ở Hà Nội” lại rất vội

Người ta hay nói câu "Hà Nội không vội được đâu" để chỉ chuyện sống ở Hà Nội có muốn nhanh cũng không được, nhất là chuyện giao thông. Thực ra, hết Tết, những "người ở Hà Nội" lại vội vàng bước vào cuộc sống tấp nập, hối hả của những ùn tắc giao thông, của ô nhiễm không khí, tiếng ồn và cả những bon chen miếng cơm manh áo với bộn bề lo toan mưu sinh. Nhưng với không ít người, dù bận rộn, sướng khổ thế nào thì họ vẫn cứ muốn thời gian trôi đi thật nhanh để... đến Tết.

Hà Huy Phượng

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/nguoi-o-ha-noi-don-tet-i723712/