Người phụ nữ 'phá rào' gom gạo cho TP.HCM trong những ngày thiếu ăn

Từ một tổ chức không có tên tuổi, nhưng với lòng nhiệt thành đầy trách nhiệm, bà Ba Thi cùng các thành viên trong Ban Thu mua đã giải quyết tình trạng thiếu gạo của TP.HCM.

Chân dung Anh hùng lao động Nguyễn Thị Ráo - Ba Thi trên bìa sách.

Cô ba Thi và hột gạo của tác giả Hoài Bắc là cuốn sách viết về những đóng góp to lớn của Anh hùng lao động Nguyễn Thị Ráo - Ba Thi, người phụ nữ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, “phá rào”, thực hiện “cởi trói”, “tả xung, hữu đột” khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long để gom góp từng hạt gạo mang về cho TP.HCM trong những ngày thiếu ăn.

“Phá rào” đi thu mua gạo

Sách cũng cho biết những lát cắt phản ánh sống động đời sống của TP.HCM trong những ngày đầu sau giải phóng. Khi đó, TP.HCM là thành phố đông dân nhất nước, với hơn 2 triệu người, nên nhu cầu lương thực rất lớn. Giống trong phạm vi cả nước, thành phố cũng áp dụng chế độ bao cấp lương thực nên tình hình cung cấp lương thực càng khó khăn hơn.

Theo thời giá lúc ấy, Nhà nước phải bù lỗ số tiền hàng trăm triệu đồng. Năm 1977, Sở Lương thực không đủ gạo bán cho dân. Có lúc gạo dự trữ cho thành phố chỉ còn đủ ăn một tuần. Cả thành phố nhao lên, những người dân lao động ở thành phố biết thế nào là ăn độn.

Đó là thời của bột mì, sắn, bo bo, người dân đùa nhau ăn gạo “Hòa Lan”, thật ra đây là cách nói trại của ăn gạo trộn khoai lang. Hình ảnh từng đoàn người rồng rắn xếp hàng trước các cửa hàng lương thực quốc doanh; cảnh ăn độn của biết bao hộ gia đình thành phố, trong khi đó không biết bao hộ nông dân ở miền Tây lúa chất đống mà không sao tiêu thụ được đã trở thành một ký ức in đậm về thời kỳ khốn khó này.

Trước tình thế này, bà Ba Thi - Phó giám đốc Sở Lương thực - đề xuất thành lập một Ban Thu mua để tổ chức mua gạo từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về cứu đói cho người thành phố (trên thực tế Ban Thu mua này không có tên chính thức trong văn bản).

Bà Ba Thi vốn là cán bộ lãnh đạo trong hai thời kỳ chống Pháp và Mỹ. Bà được gọi tên theo bí danh của chồng bà, ông Nguyễn Trọng Tuyển, nguyên Bí thư tỉnh ủy Gia Định, hy sinh năm 1959. Sau năm 1975, bà được bạn bè, đồng nghiệp gọi vui là “người lính già”. Và ngay trong thời bình, người lính ấy vẫn chọn xông pha trên mặt trận kinh tế.

Sách Cô Ba Thi và hột gạo. Ảnh: MC.

Với Tổ chức Thu mua này, bà Ba Thi đã cùng các cộng sự ngày đêm dồn sức lực, sáng tạo ra nhiều cách chạy gạo. Từng thành viên trong Tổ chức thu mua, phần đông là thành viên nữ đã sẵn sàng đi về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có khi xa tận Minh Hải (chia thành Cà Mau, Bạc Liêu ngày nay), đến từng xã ấp, vào từng gia đình, vận động người dân mang thóc đến bán để về TP.HCM cứu đói. Kinh tế giai đoạn này rối ren, không ít thương lái, con buôn tận dụng sơ hở để làm giá lương thực, Ban Thu mua của bà Ba Thi có lúc còn bị nhầm là những người buôn lậu, “phá hoại kinh tế”.

Làm chủ và bình ổn thị trường lương thực của TP.HCM

Từ một tổ chức không có tên tuổi, nhưng với lòng nhiệt thành đầy trách nhiệm của các thành viên trong Ban Thu mua, tình trạng thiếu gạo của TP.HCM và khan hiếm hàng tiêu dùng thiết yếu của bà con nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long được giải quyết một bước.

Sau này, Ban Thu mua phát triển thành Công ty Kinh doanh Lương thực Thành phố, với tư cách là Giám đốc, bà Ba Thi phải gánh trên vai nhiều trọng trách nặng nề hơn: vừa phải nắm được nguồn hàng, vừa phải tổ chức vận chuyển, phân phối sao cho kịp thời, hiệu quả, đảm bảo hạt gạo nhanh chóng đến được với đông đảo người dân…

Việc làm này là rất khó khăn đối với doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lương thực bởi cơ chế quan liêu bao cấp lúc bấy giờ. Đứng trước những yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, bà Ba Thi đã dũng cảm sáng tạo trong tổ chức thực hiện để đi đến thành công.

Hàng nghìn đại lý bán lẻ trải rộng khắp các phường đã giành thế chủ động trên thị trường. Tình trạng gian thương và phá hoại trên lĩnh vực kinh doanh lương thực bị khoanh lại ở một số chợ và bị dập tắt nhanh chóng. Từ đó, Công ty Kinh doanh Lương thực Thành phố đã đảm bảo mua tận gốc và bán đến tận tay người tiêu dùng, nhanh chóng làm chủ và bình ổn thị trường lương thực của TP.HCM.

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ III (11/1983), Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã đánh giá cao những đóng góp của Công ty Kinh doanh Lương thực Thành phố trong việc bình ổn giá, bình ổn thị trường.

“Công ty Kinh doanh Lương thực Thành phố của chị Ba Thi, mở trong thời gian ngắn hàng nghìn điểm bán gạo lẻ hiệu quả dưới hình thức các đại lý, được lòng cán bộ và đồng bào, được trung ương khen ngợi. Chúng ta đã có 'mô hình chị Ba Thi' ở ngành gạo. Tại sao không thể có 'mô hình chị Ba Thi' ở ngành rau, ngành cá, ngành thịt, ngành chất đốt…”, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt nói.

Ổn định và làm chủ thị trường lương thực ở TP.HCM những năm 1980 là một thành tích không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị - xã hội. Ghi nhận những đóng góp của nữ giám đốc Ba Thi, năm 1983, Hội đồng Nhà nước đã tặng thưởng bà Huân chương Lao động hạng Nhì. Năm 1984, bà lại được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Năm 1985, bà được tuyên dương là Anh hùng lao động.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-phu-nu-pha-rao-gom-gao-cho-tphcm-trong-nhung-ngay-thieu-an-post1427781.html