Nhà báo, NSNA Lê Cương: Hai lần đi chiến trường, đoạt một giải của hội nhà báo quốc tế

vanhien.vn - Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Lê Cương (nguyên Trưỏng Đại diện Báo Ảnh VN tại tp HCM) và tôi cùng vào học khóa phóng viên đào tạo phục vụ chiến trường (GP10), nhưng tôi và Cương có những cái khác nhau: đó là Cương quê ở Thủ đô Hà Nội chính gốc, còn tôi lại là dân quê 'chân lấm tay bùn, cổ cày, vai bừa' chính hiệu, Cương học khoa Lý, tôi khoa Sử, Cương là p/v ảnh, tôi là p/v tin; Cương giỏi văn nghệ, đàn hát và nhẹ nhàng tế nhị, còn tôi 'nốt nhạc cắn đôi' không biết, không biết hát và trong đối xử thì cứ nói 'toạc móng heo', một cách thật thà, chân chất! Vậy mà, sau khi cùng vượt Trường Sơn vào Nam, rồi cùng công tác trong ngành Thông tấn, chúng tôi đã trở thành bạn bè thân thiết với nhau.

Lê Cương, trai HN trong rừng Xuân phương Nam (1973)

Trong số các cựu p/v khóa GP 10 hiện nay, chỉ có một người gọi tôi là “cụ”, đó chính là Lê Cương. Lúc đầu tôi cũng thấy lạ vì mình với các bạn hơn kém nhau chẳng là bao, thế mà mình lại được gọi là “cụ”! Nhưng đấy là nét đặc sắc của Lê Cương làm cho tôi thấy vui vui…

Sau khi vào R (căn cứ B2), ổn định nơi ăn ở, Cưong được Ban ảnh (B. 22) phân công làm biên tập viên phát ảnh Télephoto. Đối với phóng viên, công việc này cũng hơi tréo ngoe khi phải làm cả nhiệm vụ phát và nhận ảnh! Nhưng đây là kênh phát ảnh thời sự duy nhất ra HN (không có cách chuyển ảnh nào khác cả trên bộ, trên không), cung cấp ảnh về các hoạt động bảo vệ vùng giải phóng ra miền Bắc và đến với thế giới, nên hàng ngày, anh phải đến trực nhận phim từ phóng viên, chuyển lên buồng tối tráng, in mẫu, phóng ảnh, ghi chú thích, đánh máy, dán chú thích rồi đưa đến phòng kỹ thuật, cách đó chừng 2 cây số để phát ảnh. Tiếp theo, là nhận ảnh phát từ HN vào, nhiều khi, nhận ảnh muộn, phải một tay cầm đèn dầu dò dẫm, tay kia khua gậy đuổi rắn, đi về trên con đường mòn một mình trong rừng vắng! Nhưng chính từ công việc trên đã giúp anh rút ra được bài học kinh nghiệm quý báu là; các phóng viên tin, ảnh đều cần qua khâu biên tập. Đối với phóng viên ảnh thì qua đó, sẽ tích tụ kiến thức đa chiều, dần dần hình hành nên kỹ năng đường hướng chụp ảnh của mình. Đây là cách tự rèn luyện nghiệp vụ nhanh và hiệu quả nhất. Chính qua việc làm cả trong buồng tối đã giúp anh có kinh nghiệm làm ảnh phát về R khi đi chiến trường sau này.

Sau 6 tháng làm công việc trên, đầu tháng 2 năm 1974, anh cùng một số anh em phóng viên tin, ảnh được phân công đi chiến trường miền Tây Nam bộ. Cũng như những anh em khác, trước ngày lên đường, anh sắp xếp cẩn thận các đồ vật riêng tư, gửi lại căn cứ với lời dặn: "Nếu tôi hy sinh, xin gửi lại cho gia đình" – một lời dặn chân thực, cụ thể, nhưng cũng không ngăn được sự bùi ngùi, xúc động đến nao lòng cho cả người đi và nguời ở lại! Hôm đó, cả cơ quan sôi động lên, lãnh đạo cơ quan và các bạn đi tiễn khá đông vì đây là đoàn đi đông, xuống nơi xa nhất, gian khổ nhất và ra đi không hẹn ngày trở lại!

Để xuống miền Tây Nam bộ, trên đường đi, đoàn của anh phải vượt qua đất Căm pu chia của bọn Khơme đỏ phản động, rất nguy hiểm! Sau đó là qua kênh Vĩnh Tế (tỉnh Châu Đốc) mà mọi người thường gọi là kênh "Vĩnh biệt", bởi, đây là cửa ngõ duy nhất để xuống miền Tây Nam bộ! Địch đã đặt các chốt gác suốt dọc bờ kênh dài hàng chục km. Rất nhiếu cán bộ, chiến sĩ ta đã hy sinh khi vượt qua dòng kênh chỉ rộng khoảng 50 mét này. Đêm hôm đó, các anh cùng với các chiến sĩ bộ đội cùng đi đã nhẹ nhàng thả mình xuống trườn, bơi vượt kênh trong tiếng đạn bắn xối xả từ hai bên bốt gác của địch xuống dòng kênh. Khi lên bở, cả đoàn vội chạy bộ trên cánh đồng ngập nước gần đầu gối, "biến" vào rừng tràm. Sáng hôm sau, anh em được biết đêm qua vượt kênh, đoàn có hai chiến sĩ hi sinh và đơn vị đã kịp cử người quay lại tìm, mai táng ngay trên bờ kênh!

Vùng giải phóng miền Tây Nam bộ rộng lớn ở ven sông Cái Lớn, Cái Bè, U Minh thượng, U Minh hạ thuộc các tỉnh Rạch Giá và Cà Mau. Tại đây, ngay đêm đầu tiên, các anh đã tiến hành tác nghiệp ngay: chui vào mùng tránh muỗi, pha thuốc tráng phim ra bát, dùng lá chuối non bọc đèn pin để xem đồng hồ, kiểm tra phim. Hôm sau các anh chung tiền ra chợ Cà Mau mua giấy ảnh về phân xã Khu 9, phóng ảnh gửi về R. Do có thời gian làm biên tập viên phát ảnh Télephoto và được anh Minh Trường có kinh nghiệm buồng tối hướng dẫn, nên ảnh của các anh phóng có chất lượng khá tốt.

Phùng Đăng Bách và Lê Cương trên tàu rời HN đi B 16-3-73

Sau đó, anh em tiếp tục đi qua các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và vượt sông Hậu để đến Trà Vinh. Thật gian khổ, nguy hiểm khi xuyên qua vùng địch trong những tháng mùa mưa, nước trắng đồng, phải: ngày nghỉ đêm đi, nhẹ nhàng cắt qua khoảng giữa hai bót giặc, vượt đường giao thông, kênh rạch dày đặc cây ô rô, gai sắc nhọn! Đã vậy, ở đây, muỗi nhiều đến nỗi người dân không những mắc mùng cho mình mà còn phải mắc mùng cho lợn! Chúng đã gây khó khăn cho anh em: trong lúc cần cảnh giác, im lặng, thì chúng cứ lăn xả bám vào người, chích, hút máu! Anh em không dám vỗ, chỉ dùng tay vuốt nhẹ cánh tay, ống chân hoặc đùi vẫn nghe tiếng bụng muỗi vỡ lép bép... máu dính đỏ tay! Cuộc hành quân tiếp tục vượt qua các ấp chiến lược, bởi đây là vùng "da báo" giữa lực lượng giải phóng và địch chiếm đóng theo thế "cài răng lược". Khi vượt qua Quốc lộ 4 (đoạn Cái Sắn - Rạch Giá), trong đêm tối, dưới làn đại bác địch bắn chặn đường và lưới đạn 12 ly 7 từ đồn giặc quét qua, anh em phải "long kinh" (nín thở, ngậm ống thở lặn xuống, đi ngầm dưới nước) và men theo ấp các chiến lược. Cơm ăn được nấu bằng nước lội trong rừng tràm, có màu tím ngắt. Nhưng vất vả nhất đối với anh em phóng viên ảnh là phải bảo đảm phương tiện chụp ảnh sao cho tốt, nhất là khi vượt sông, kênh, rạch và đi trong trời mưa: anh em phải gói kỹ máy ảnh, phim, ống kính trong nhiều lớp túi ni lông, bỏ trong bòng, rồi gói vào trong áo mưa cho khỏi ướt! Đoạn từ Sóc Trăng sang Trà Vinh, cả nhóm thoát hiểm là nhờ anh giao liên đã phát hiện trên đường đi bị gài mìn và anh đã gỡ mìn thành công! Tính chung, từ R, xuống đến nơi công tác, các anh phải hành quân suốt 4 tháng trời, lâu hơn cả thời gian vượt Trường Sơn từ Bắc vào Nam một tháng! Tại đây, các anh đã chia nhau đi các địa bàn phản ánh về những đổi mới ở vùng giải phóng, về đánh bốt, chống càn, xây dựng lực lượng và bảo vệ, mở rộng vùng giải phóng!

Trong gian khổ vất vả đó, anh có những niềm vui bất ngời, hiếm có, đó là trên chiến trường này là anh đã gặp được người em trai sau hơn một năm xa cách. Ai cũng biết đi chiến trường đầy gian khổ, vất vả, nhiều khi gặp nhau, chỉ nghe qua giọng nói thôi, đã nhận nhau là đồng hương: đồng hương tỉnh, đồng hương khu 4 và cả đồng hương ... miền Bắc. Họ chia vui với nhau bằng hớp nước còn sót lại trong bình tông, hỏi bạn cần gì, nếu có, sẽ sẵn sàng cho, và ghi tên, địa chỉ quê nhà của nhau, nhiều khi không có giấy, đành ghi vội vào ... vạt áo của nhau, rồi chia tay, tiếp tục hành quân… Cho nên, anh gặp người em ở đây quả là điều bất ngờ với niềm vui không tả xiết. Anh kể lại: khi anh đi B thì Cường (Tiến ), em của anh đang học Đại học nhưng hơn một năm sau, khi xuống chiến trường, anh mới hay tin Cường cũng đã đi bộ đội vào B và đóng quân tại huyện này. Anh quyết đi tìm. Tối hôm đó, từ nơi ở, anh theo anh giao liên cùng 4 cán bộ địa phương đi xuồng, rồi đi bộ băng qua vườn, đồng lúa trong đêm tối, suốt 3 tiếng đồng hồ, mới tới trạm giao liên. Qua hỏi thăm cán bộ xã, anh được biết: có một Trung đoàn quân chủ lực người Bắc từ khu 9 về đóng rải rác trong các chòi ngoài đồng. Dù đã 10 giờ rưỡi đêm, anh vẫn đi, lội đồng trong ánh trăng mờ cuối tháng đến những chòi lá nơi đơn vị đóng quân hỏi thăm, nhưng không thấy. Mệt quá, anh tìm chỗ mắc võng ngủ trong một chòi chờ sáng hôm sau tìm tiếp. Tại đây, đột nhiên, anh nghe tiếng người nằm võng bên cạnh bẻ ngón tay kêu Rô...ố, rô...ốp, hai đợt liền. Nhớ đến người em có lối bẻ ngón tay kêu thành loạt như vậy, nên anh hỏi tên và hai anh em đã nhận ra nhau, cùng kêu lên: "Trời ơi", rồi tung mền ôm nhau! Bỗng nhiên, người em nhắc đến chuyện mẹ dặn là khi vào Nam phải tìm gặp anh, chụp chung tấm ảnh, rồi gửi ra Bắc cho mẹ. Sáng hôm sau, sẵn có máy, anh nhờ Phùng Đăng Bách, phóng viên tin cùng đi chiến trường, chụp cho hai anh em một kiểu ảnh. Trưa hôm đó, 4 chiếc máy bay A 37 đến ném hàng loạt bom xuống đây, nhưng rất may là không ai việc gì, trừ hai anh cán bộ huyện cùng đi hôm qua nghỉ ở trong trạm giao liên bị thương (may mà anh không nghỉ lại!). Ngay sau trận bom, đồng chí Trung đoàn trưởng của đơn vị Cường là ông Phạm Văn Trà, (sau này là Đại tướng, Bộ trưởng Quốc Phòng 2000-2005), hay tin hai anh em gặp nhau đêm qua, đã đến thăm, bắt tay hai người và bảo: "Chuyện thật hiếm có giữa chiến trường, sao nhà báo khéo tìm thế"?.

Sau đó, Cường theo đơn vị đi chiến đấu ở Vĩnh Long, còn anh ở lại Trà Vinh, rồi cả hai cùng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong ngày Đại lễ mừng chiến thắng, 15-5-75, anh đã thấy người em ôm súng AK đi giữa hàng quân diễu binh ở thị xã Vĩnh Long! Thật mừng khôn xiết! Đó cũng là ngày người em cùng đơn vị ra giải phóng đảo Thổ Chu trên vùng biển Tây Nam Tổ quốc! Hai năm sau ngày giải phóng, Cường được trở về trường Đại học. Nhưng thật đáng buồn là sau khi trở thành kỹ sư, làm việc ở ngành Xây dựng Hà Nội, em đã “ra đi” năm 2006 vì bạo bệnh! Dù sao, cuộc gặp gỡ bất ngờ của hai anh em trên chiến trường và tấm ảnh duy nhất chụp hôm đó, mãi mãi lắng đọng trong lòng anh và gia đình như một kỷ niệm tuyệt đẹp, không bao giờ phai!

Sau ngày Sài Gòn giải phóng không bao lâu, bọn Khơ me đỏ đã tấn công các tỉnh biên giới nước ta. Thế là, vào cuối năm 1977, anh lại cùng một số anh em phóng viên TTXVN đi chiến trường và lần này là biên giới Tây Nam. Các phóng viên TTX chia làm 6 tổ (tổ của anh có anh và nhà báo Trần Mai Hưởng, sau này là Tổng Giám đốc cơ quan) đi theo các mũi tiến công của các quân khu, quân đoàn tiến hành phản kích địch ở dọc biên giới. Đêm 25 tháng 12-78 từ Bến Sỏi quân ta dùng trọng pháo bắn dồn dập mở màn cho xe tăng bộ đội xung trận. Quân Pôn pốt tháo chạy, nhưng chúng vẫn không quên giết hại những người dân bị chúng dồn đến bến phà Niếc Lương làm bia đỡ đạn cho chúng, bằng cách bổ rìu vào đầu, mổ bụng lấy mật v.v... Quân ta giúp xe cơ giới đưa dân CPC về quê. Trên bến phà này, anh đã thấy một cô bé Khome khoảng 16-17 tuổi, thấp bé, cặp mắt to, đờ đẫn vì mệt mỏi, đội trên đầu thùng đồ nặng, ngơ ngác giữa dòng người chen chúc trở về quê cũ Svay Riêng. Nhìn cô bé đang nép ở góc phà, anh đã nhận ra nét đẹp trong nụ cười Bayon nổi tiếng của dân tộc Khơme. Ánh nắng chiều khô cháy đã làm tăng thêm vẻ đen sạm, chịu sự đớn đau tột cùng của người dân CPC bị dồn đuổi vào trại tập trung và cũng thể hiện sự mừng vui thoát khỏi họa diệt chủng Pôn pốt. Anh đã dùng tê lê chụp nhanh một kiểu ở cuối cuộn phim màu duy nhất!

Ngày 6-1-79, những chiếc phà Cần Thơ 200 tấn đã đến đưa xe tăng thiết giáp, pháo, bộ đội vượt sông. Hôm sau, 7-1, anh cùng Quân đoàn 4 vượt cầu Mô Ni Vông tiến vào Phnôm Pênh. Hoạt động trên đất CPC không đơn giản, vì chúng là bọn diệt chủng không còn tính người và anh em không biết tiếng như ở chiến trường VN. Mặc dù phải rút chạy, nhưng trên dọc đường đi, bọn Khme đỏ đã gài rất nhiều mìn, làm cho không ít xe của ta bị dính mìn nổ, nhiều người đã hy sinh! Thành phố Phnôm Pênh vắng lặng như thành phố chết, cổng các chùa chiền khóa chặt, không một tà áo vàng! Anh và nhà báo Trần Mai Hưởng đã dùng máy ghi những hình ảnh về ngày lực lượng cách mạng CPC làm chủ Thành phố với cờ 5 ngọn tháp tung bay trước Đài Độc lập, Hoàng cung, sân bay Pô Cheng tông v.v... và phát tin ảnh kịp thời về cơ quan. Tiếp theo là phát các tin ảnh tố cáo tội ác diệt chủng của chúng ở trại tập trung Ăng Ca, những hố chôn người tàn khốc ở rừng cao su và các tin ảnh về hoạt động cứu trợ thuốc men, giúp bà con Căm pu chia ổn định cuộc sống.

Những kết quả trên đã được Báo ảnh VN số tháng 1- 79 (phát hành bằng 5 ngữ Việt, Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha) giành 4 trang chọn đăng phóng sự về: “CPC- Chiến thăng - Hồi sinh”. Sách ảnh đầu tiên của Cộng hòa nhân dân CPC cũng đăng nhiều ảnh do các anh chụp trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam những năm 77 - 79, tin, ảnh trong và sau chiến dịch và những bằng chứng tội diệt chủng của chế độ Khme đỏ.

Cả hai ấn phẩm trên đều dùng tấm ảnh khuôn mặt cô bé Khome có nụ cười Bayon kỳ bí, như một biểu tượng, một lời mừng cho sức sống ngàn năm của dân tộc Khơme, cho đất nước CPC vượt lên đau thương! Tấm ảnh đã đoạt giải Khuyến khích của Tổ chức báo chí nổi tiếng thế giới, OIJ, năm 1979. Đây là giải thưởng quý nhất trong cuộc đời làm báo của anh.

Cuối cùng là môt điều bất ngờ thú vị nữa đến với anh là năm 2008, khi đang làm Trưởng Đại diện Báo Ảnh VN tại Tp HCM, anh đã nhận lại được cuốn sổ tay cùng các giấy tờ và ảnh cá nhân, do một người bạn lưu giữ. Sau 34 năm, kể từ ngày anh gửi lại đồ vật riêng ở căn cứ, trước khi đi chiến trường miền Tây Nam bộ đến lúc đó, anh nghĩ rằng sẽ không còn thấy nữa! Vật quý nhất trong những kỷ vật đó, là tấm ảnh Bác, đã tìm thấy trong tập ảnh của cha năm 1961, khi cha anh mất, lúc đó, anh mới 12 tuổi! Anh đã trân trọng cất giữ tấm ảnh Bác bên mình trong suốt thời kỳ học phổ thông, Đại học ở nơi sơ tán, vào lớp phóng viên và vượt Trường sơn đi B. Cho đến nay, anh vẫn không biết tác giả tấm ảnh là ai và không biết tại sao tấm ảnh lại nằm trong tập ảnh của gia đình mà cha anh cất giữ! Tấm ảnh chụp Bác ngồi trong khoang xe như tranh thủ đọc một cuốn sách, tư thế tự nhiên, chăm chú. Trên đường đi B, anh đã để ảnh trong cuốn sổ báo Nhân Dân năm 1973 - anh dùng để ghi Nhật ký. Mỗi khi mở nhật ký ra ghi, anh lại ngắm nhìn Bác trong ảnh với tâm trạng tĩnh lặng, suy tư, kính trọng…

Đoàn Việt |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nha-bao-nsna-le-cuong-hai-lan-di-chien-truong-doat-mot-giai-cua-hoi-nha-bao-quoc-te-63069