Nhà văn Nguyễn Tuân lý giải nguồn gốc bánh tét

Nguyễn Tuân giải thích rành rõi: Bánh tét này là 'con' của 'ông bà' bánh chưng, bánh dày từ thời vua Hùng.

Bánh tét. Ảnh: cooky.

Quen biết Nguyễn Tuân khá lâu, tính đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Nếu nói theo kiểu Nguyễn Tuân là năm mươi lẻ bốn năm. Và tính đến ngày ông vĩnh biệt cõi trần là hơn 30 năm, tôi học nhiều về sự tỉ mỉ, chi tiết trong những trang ký của ông. Ông luôn tìm cái mới, kể cả trong câu chữ. Ngay cả việc tặng sách cũng vậy, câu chữ đề tặng của ông cũng khác người. Tặng Sông Đà cho tôi thì chữ S. ông viết dài gần nửa trang.

Ghi tặng cho tôi tập Ký mới in, ông ghi: "Gởi anh Trình Tư Cảnh với những chuyện cũ của mấy chuyến đi sông (Đà) đi biển (Cô Tô). "Ông mở ngoặc kép viết chữ đã trước chữ của bìa giả tập sách rồi đóng ngoặc kép cả 2 chữ và ký lên trên đầu, dưới cuối trang bìa giả ông ghi: "Hà Nội, hết năm 1976". Với tập Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (NXB Văn học giải phóng) ông ghi "Biếu anh Hồng Phú - món quà nhỏ Hà Nội" ký tên Nguyễn Tuân và dưới trang ghi "Hà Nội/Sài Gòn 9/8/76". Chỉ mấy dòng nhưng ông ghi chéo, viết to hết cả trang bìa giả, thật ấn tượng - Đọc những trang bút tích của ông luôn tạo một niềm vui nhè nhẹ.

Sau khi Sài Gòn Giải phóng ông vào Nam, tôi tìm thăm ông. Tôi rủ ông đi Vũng Tàu, ngày ấy là điểm đến cuối tuần rất đông vui. Ông nói: "Tôi thích đi một vòng Hóc Môn, Củ Chi được không?" Tôi gật đầu: "Dạ, được, ta đi vòng qua luôn Thủ Dầu Một, xuống Lái Thiêu rồi về Sài Gòn". Ông gật đầu: "Được, hay đấy, rủ "con nai vàng" đi nữa" (ý chỉ anh Lưu trọng Lư). Cả 2 anh đồng ý.

Tôi báo cáo Ban quân quản và được chấp nhận, Ban quân quản còn cử 1 cảnh vệ mang súng đi theo. Ngày ấy mới giải phóng tình hình còn lộn xộn, thực hiện chế độ quân quản, việc đi lại rất cẩn trọng. Hai anh lái xe và bảo vệ đều là người Củ Chi nên trở thành hướng dẫn viên rất rành rẽ về Củ Chi thành đồng đất thép, về 18 Thôn Vườn Trầu của Hóc Môn...

Khi về Thủ Dầu Một ông đề nghị vào thăm một lò gốm bên đường. Trưa chúng tôi dừng ở một quán bún bì, bánh bèo ở Búng. Nguyễn Tuân cho gọi một đĩa giò lụa, 1 đĩa bánh bèo, ít nem chua để nhâm nhi với "cuốc lủi" (rượu đế) Thủ Dầu Một. Ông bảo: "Các anh là thanh niên, mỗi người thêm tô bún. Tôi và ông Lưu chỉ bấy nhiêu vầy là đủ".

Sợ ông đói, chú cảnh vệ mua thêm một đòn bánh tét. Ông cầm đòn bánh tét ngắm nghía một chút rồi hỏi chúng tôi: "Các anh là dân miền Nam có biết gốc gác của bánh tét này không?" Cả 3 chúng tôi đều "ầm ờ". Ông giải thích rành rõi: Bánh này là "con" của "ông bà" bánh chưng, bánh dày từ thời vua Hùng. Khi mở cõi phía Nam, Tết đến, quân ta nhớ miền Bắc luộc bánh chưng, nhưng làm vuông thì khó mang theo người và mở ra phải ăn hết, họ sáng kiến làm bánh tròn để mỗi anh đeo tòng ten 2 đòn bánh và ăn đến đâu cắt đến đó. Khi Quang Trung tiến quân ra Thăng Long, bánh tét này là lương thực chủ yếu.

Còn cái tên tét thì xuất phát từ việc gói bánh này để ăn Tết, để đón Tết nên gọi là bánh Tết. Ông thực dân Tây đọc không dấu thì gọi là bánh Tet, viết phiên âm là: tét.

Anh Lưu Trọng Lư cho rằng giả thiết này có lý, vì ở Việt Nam nhiều tên được gọi theo cách đó như Đà Lạt, gốc là ĐakLat hồ nước theo cách gọi của người dân tộc nhưng mấy ông Tây chỉ ghi là Da Lat và về sau trở thành Đà Lạt. Chúng tôi vui vì hiểu được sự tích bánh tét, nếu Nguyễn Tuân không nói chắc chúng tôi cũng không dễ gì hiểu được gốc gác bánh tét, loại bánhTết đến ở miền Nam nhà nào cũng có.

Hôm đó có một chuyện kể tôi nhớ mãi. Một người còn khỏe mạnh đến xin tiền. Nguyễn Tuân bảo: Anh trẻ, tụi tôi già thế này, sao anh đi xin chúng tôi. Nghe vậy người ăn xin bỏ đi. Nguyễn Tuân đập khẽ vai Lưu Trọng Lư: tôi kể ông nghe, một lần ngày trước ở Hà Nội một kẻ hành khất đến xin tôi. Tôi nhìn ông ta thấy tay này tự tin lắm, tôi liền làm phép thử, tôi rút ra tờ bạc một đồng và nói, anh thối lại tôi 95 cắc, tôi cho anh năm cắc. Người ăn xin dạ, đưa hai tay đón tờ bạc một đồng và lấy trong hầu bao ra trả đủ tôi 95 cắc gọn bân. Tôi nhận xấp bạc lẻ và nói với hắn ta: Bây giờ anh giàu hơn tôi rồi, vì tôi chỉ còn có bây nhiêu vầy, còn anh có đến 1 đồng đúng không? Hắn ta đứng dậy chắp hai tay xá tôi lẩm bẩm: "bẩm thầy, bẩm thầy".

Nguyễn Tuân là như vậy - chữ nghĩa của ông luôn mới lạ, người ta nói ông là bậc thầy về chữ Việt, quả không sai. Đọc những trang viết của ông luôn gặp những từ mới, những cách viết mới, vui, nhẹ, dễ để vào đầu. Ông sống cũng rất ý nhị, nhẹ nhàng và vui tếu, cái tếu của người có văn hóa, "tếu" mà sâu sắc.

Hôm tôi ghé lại nhà ông để đưa ông xem những bức ảnh tôi chụp cho ông lần trước. Ông cười vang: "Sao mà giống xi-nê-ma quá, ông giỏi đấy, chụp được hồn Nguyễn Tuân rồi đó".

Tôi giữ mãi những tấm ảnh chụp chân dung ông từ ngày đấy đã mấy chục năm rồi, và nếu đúng như ông nói thì tôi vẫn giữ được hồn ông, hồn sống, hồn văn học rất văn hóa của ông từ ngày ấy, và hôm nay nhân bài viết này, xin gởi đến người đọc như một trang đời nhớ thương ông, nhà văn lớn, người anh lớn, người thầy văn chương của chúng ta.

-------------------------------------------

Tên bài viết trong sách: "Nhớ Nguyễn Tuân, người anh lớn".

Thế Duy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nha-van-nguyen-tuan-ly-giai-nguon-goc-banh-tet-post1377272.html