Nhân Ngày Khí tượng Thế giới 23/3: Bám sát đặc điểm thủy văn, kịp thời đưa ra dự báo

Với hướng chảy phức tạp, thung lũng sông hẹp nên việc dự báo lũ còn gặp những khó khăn. Để khắc phục, Đài Khí tượng thủy văn Bắc Giang chủ động nghiên cứu, nắm bắt đặc điểm thủy văn từ đó đưa ra những thông tin kịp thời, chính xác, góp phần giảm thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Sông Thương đoạn chảy qua phường Mỹ Độ và phường Trần Phú (TP Bắc Giang). Ảnh: Sỹ Quyết.

Sông Thương bắt nguồn từ dãy núi Na Pa Phước, làng Man, xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), chảy trong máng trũng Mai Sao - Chi Lăng và chảy vào địa phận tỉnh Bắc Giang, hợp lưu với sông Lục Nam tại Phả Lại và sông Cầu tại Lục Đầu Giang để tạo thành hệ thống sông Thái Bình. Lưu vực sông Thương dài 157 km, trong đó chảy qua địa phận tỉnh Bắc Giang 87 km với diện tích lưu vực là 3.580 km2 (chiếm 28,5% diện tích lưu vực sông Thái Bình).

Do đặc điểm địa hình nên sông Thương chảy theo nhiều hướng, từ thượng nguồn đến Cầu Sơn chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam rồi chuyển sang hướng Đông - Tây đến Bố Hạ (Yên Thế). Từ Bố Hạ, sông lại chảy theo hướng Bắc - Nam. Từ thượng lưu tới Chi Lăng, thung lũng sông hẹp, độ rộng bình quân lưu vực 6 km, độ cao trung bình 276 m, độ dốc lưu vực 12,9%, dòng sông thẳng, hệ số uốn khúc nhỏ 1,2 m. Địa hình lưu vực sông Thương sắp xếp theo dạng nan quạt mở rộng về phía Bắc và phía đông tạo điều kiện thuận lợi cho gió mùa Đông Bắc xâm nhập vào lưu vực gây ra khí hậu khô, lạnh. Dãy cánh cung Đông Triều ngăn cản gió mùa Đông Nam nên lượng mưa lưu vực sông Thương nhỏ hơn hẳn sông Cầu và sông Lục Nam.

Để đáp ứng nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, công tác dự báo, cảnh báo lũ đã có những cải tiến, nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng những yêu cầu chung của tỉnh. Trong đó việc nghiên cứu nâng cao chất lượng các phương án sử dụng trong nghiệp vụ là yếu tố quan trọng. Trên thượng nguồn sông Thương có hồ Cấm Sơn và đập Cầu Sơn có tác dụng giữ nước phục vụ phát điện, tưới và điều tiết dòng chảy đã khiến công tác dự báo, cảnh báo gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sự tác động của các hoạt động kinh tế trên lưu vực đã làm thay đổi chế độ dòng chảy trong mấy năm gần đây khá rõ rệt.

Do đó, các phương án dự báo, cảnh báo lũ được xây dựng trên các phương pháp truyền thống như: Biểu đồ xu thế mực nước, phương trình hồi quy tương quan mưa - lũ… đang sử dụng chỉ đáp ứng được phần nào yêu cầu phòng, chống thiên tai. Chế độ mưa của lưu vực chia làm hai mùa rõ rệt: Mùa mưa và mùa khô với lượng mưa bình quân mỗi năm trên lưu vực khoảng 1200 - 1600 mm. Mưa có xu thế lớn dần về phía Tây, giảm dần về phía Bắc với những tâm mưa lớn như: Võ Nhai (1.950 mm), Bắc Giang (1.520 mm), Hữu Lũng (1.500 mm).

Mùa lũ, sông Thương chịu ảnh hưởng từ nước vật sông Hồng do độ dốc nhỏ, cao trình đáy sông thấp so với mực nước biển. Trạm Phủ Lạng Thương cách biển khoảng 100 km nên mực nước hạ lưu chịu ảnh hưởng thủy triều khá mạnh. Khi mực nước Phả Lại nhỏ hơn 3 m thì mực nước thủy triều có thể ảnh hưởng đến phía trên Trạm Phủ Lạng Thương. Nước sông Thương cũng có 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9 (chiếm 80% lượng nước cả năm), mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau; lũ tiểu mãn thường là lũ nhỏ xuất hiện vào nửa cuối tháng 5 và đôi khi cũng xuất hiện lũ vừa, lớn. Do độ dốc không lớn, lượng mưa trong vùng biến đổi lớn theo các khu vực nên nước sông Thương lên chậm, xuống chậm và thời gian duy trì lũ dài hơn sông Lục Nam. Đỉnh lũ lớn nhất năm trên sông Thương thường xuất hiện vào tháng 7, 8, có năm xuất hiện muộn vào tháng 9 và cá biệt có năm xuất hiện rất sớm vào tháng 6 với đỉnh lũ xấp xỉ báo động số III.

Theo số liệu từ năm 1960 đến năm 2022, số ngày mực nước hạ lưu tại Phủ Lạng Thương duy trì ở các cấp báo động I trung bình là 52,7 ngày/năm, báo động số II (20,6 ngày) và báo động số III (6,1 ngày). Thời gian một trận lũ ở hạ lưu thường kéo dài từ 4 đến 6 ngày, thời gian lũ lên từ 1 đến 4 ngày. Nếu chịu ảnh hưởng kép của lũ thượng nguồn và lũ sông Hồng, Thái Bình gây ra nguồn nước chảy ngược lại sông Thương thì thời gian một trận lũ có thể kéo dài tới 7 - 8 ngày. Cường suất lũ lên trung bình tại Phủ Lạng Thương từ 7 - 10 cm/giờ; lớn nhất là 20 cm/giờ (tháng 9/2008). Dạng lũ phổ biến của sông chủ yếu là lũ đơn tồn tại trong thời gian từ 2 - 3 ngày với đỉnh lũ lớn nhất trung bình nhiều năm là 5,87 m. Tuy nhiên cũng có lũ kép hoặc lũ đơn không rõ ràng do mưa dài ngày và lũ từ các sông: Hồng, Đuống và Thái Bình truyền sang.

Để tiếp tục nâng cao công tác dự báo thủy văn trong thời gian tới, Đài Khí tượng thủy văn Bắc Giang đã tập trung nghiên cứu kỹ các đặc điểm địa lý thủy văn, các hình thế thời tiết - nhân tố chính gây mưa lũ và khái quát các mối quan hệ thời tiết - mưa lũ. Phân tích mưa để xây dựng phương án cảnh báo lũ dựa trên các hình thế thời tiết, cảnh báo đỉnh lũ từ ngưỡng mưa và cập nhật, bổ sung phương án cảnh báo lũ được xây dựng từ hồi quy. Cùng đó kịp thời làm tốt công tác cảnh báo, dự báo lũ cho vị trí Phủ Lạng Thương trên sông Thương để ứng phó kịp thời những biến đổi dòng chảy trên lưu vực cũng như đưa ra thông tin dự báo, cảnh báo nhanh chóng tới các đơn vị, góp phần phòng, chống giảm nhẹ thiên tai của tỉnh, nhất là khu vực TP Bắc Giang.

Hà Việt Hùng

(Đài Khí tượng thủy văn Bắc Giang)

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/401364/nhan-ngay-khi-tuong-the-gioi-23-3-bam-sat-dac-diem-thuy-van-kip-thoi-dua-ra-du-bao.html