Nhớ Bác ngày này, năm xưa: 'Tinh thần trách nhiệm'

Tinh thần trách nhiệm đối với quê hương, đất nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên trên hết, trước hết trong suốt cuộc đời cách mạng của mình. Ngày 13/12/1951, với bút danh C.B, Bác đã viết bài 'Tinh thần trách nhiệm' đăng trên Báo Nhân Dân - số 36. Bài viết của Bác giúp chúng ta học được rất nhiều điều về tinh thần trách nhiệm của mình hiện nay.

Mở đầu bài viết, Bác nêu: “Hiện nay, phong trào tự phê bình và phê bình đang mở rộng ở nhiều nơi. Đó là một bước tiến đáng mừng. Nhưng trong những cuộc kiểm thảo, có một thiếu sót chung và quan trọng là chưa nêu thật rõ tinh thần trách nhiệm”. Để từ đó, với kinh nghiệm và thực tiễn cách mạng, Bác đã đưa ra những vấn đề cơ bản, quan trọng, những ví dụ cụ thể để thuyết phục mọi người.

Để trả lời câu hỏi: “Tinh thần trách nhiệm là gì?”, Bác cho rằng, là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v., là không có tinh thần trách nhiệm.

Minh chứng cho lý luận về tinh thần trách nhiệm, Bác đã nêu lên hai ví dụ về tinh thần trách nhiệm của người nấu bếp và người cán bộ quân sự. Thứ nhất, người nấu bếp, lo làm cho luôn luôn cơm lành canh ngon, bát đũa sạch sẽ. Không phí phạm của công. Tìm cách tăng gia, trồng rau, nuôi gà (có kế hoạch động viên anh em giúp). Khi anh em ốm yếu, thì có bát canh bát cháo. Khi bộ đội đang mải đánh giặc, thì tìm cách đưa cơm đến nơi cho anh em ăn. Khi tiếp tế khó khăn thì tìm mọi cách vượt qua, không để anh em thiếu thốn. Như thế là có tinh thần trách nhiệm. Thư hai, người cán bộ quân sự, thì luôn luôn học hỏi chính trị và kỹ thuật, chiến thuật. Luôn luôn săn sóc đến tinh thần và vật chất của đội viên. Đoàn kết nội bộ. Giúp đỡ nhân dân. Kiên quyết chấp hành mệnh lệnh trên giao xuống. Khi đánh giặc thì làm cho toàn đội thấm nhuần tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Gặp việc khó khăn thì cố tìm cách giải quyết đúng. Như thế là có tinh thần trách nhiệm.

Hai ví dụ mà Bác đã dẫn không những giúp chúng ta xác định rõ tinh thần trách nhiệm trong công việc cụ thể của từng cá nhân, tập thể, mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Từ đó, Người yêu cầu, bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm. Tinh thần trách nhiệm là: nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ.

Từ chiếc máy chữ này, Người đã soạn thảo nhiều văn kiện quan trọng quan hệ đến vận mệnh của Tổ quốc (Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Nói về những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, Bác khẳng định, Đảng và Chính phủ điều tra, nghiên cứu, cân nhắc cẩn thận nhằm vào lợi ích chung của nhân dân, đặt chính sách. Từ đó, để nêu cao tinh thần trách nhiệm, cán bộ phải nghiên cứu, hiểu suốt, thấm nhuần chính sách ấy. Theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, hiểu suốt hoàn cảnh thiết thực của đơn vị mình, địa phương mình. Rồi đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực, để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng, làm cho mọi người hiểu thấu và ủng hộ chính sách của Đảng và Chính phủ như là của họ, rồi thi đua thực hiện đầy đủ chính sách ấy. Như thế là làm trọn nhiệm vụ.

Ngoài việc nghiên cứu, hiểu suốt, thấm nhuần chính sách của Đảng và Chính phủ, Bác khuyên, để thực hiện chính sách, làm trọn nhiệm vụ, cán bộ chẳng những phải chịu khó giải thích, tuyên truyền, cổ động mà còn phải bàn bạc với quần chúng, hỏi han ý kiến, gom góp sáng kiến của quần chúng. Lãnh đạo quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình... Tóm lại, phải đi đúng đường lối quần chúng. Thế là có tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, đối với Chính phủ, đối với nhân dân.

Trái với tinh thần trách nhiệm, Bác cho rằng, đó chính là bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, hấp tấp, tự tư tự lợi là trái hẳn với tinh thần trách nhiệm.

Theo Bác, căn bệnh nêu trên có những biểu hiện, đó là, tách rời chính sách ra một đường, nhiệm vụ ra một đường là sai lầm. Tách rời chính sách và nhiệm vụ ra một đường, và đường lối quần chúng ra một đường cũng là sai lầm.

Kết luận bài viết, Bác khẳng định, công việc kháng chiến kiến quốc ngày càng nhiều, càng mới, càng to, càng phức tạp. Cán bộ ta không khỏi vấp khuyết điểm trong tiến bộ. Nhưng với sự giáo dục của Đảng, của Chính phủ và của quần chúng, cùng với lòng kiên quyết dùi mài tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chúng ta nhất định chiến thắng khuyết điểm cũng như nhất định chiến thắng thực dân.

Hồ Chủ tịch nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần II, tháng 2 năm 1951 (Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày nay, vào cuối năm, các tổ chức và cá nhân các cấp tiến hành việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị, trong đó có nội dung liên quan đến tinh thần trách nhiệm được xác định rất cụ thể, rõ ràng. Đó là, trách nhiệm của tập thể, gồm: trong quản lý; trách nhiệm nêu gương; trách nhiệm giải trình; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân. Về cá nhân: trách nhiệm trong công việc; tinh thần năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm trong thực hiện nhiệm vụ. Trách nhiệm nêu gương của bản thân và gia đình; việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên…

TRỌNG NHÂN

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

[1] Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2016, tập 5, trang 102, 103.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2011, tập 7, trang 248, 249, 250.

[3] Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 4/10/2023, Bộ Chính trị về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/1029/nho-bac-ngay-nay-nam-xua-tinh-than-trach-nhiem-69248.html