Những câu chuyện tử tế và sự mở lòng của người dân!

Việt Nam đang bước vào bản đồ thế giới về lĩnh vực ghép tạng. Nếu như chỉ cách đây vài năm, nhiều người dân chưa hiểu, chưa có thông tin, thậm chí còn thái độ kỳ thị, dè bỉu về việc hiến tạng sau khi không may qua đời thì đến nay, họ đã thấu hiểu và bắt đầu chủ động tìm đến các thông tin về hiến tạng và trực tiếp đăng ký hiến tạng sau khi qua đời.

Người dân đến Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để trực tiếp đăng ký và nhận thẻ đăng ký hiến tạng khi không may qua đời. Ảnh: VGP/Phượng Hoàng

Những con số ấn tượng

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, từ con số 0, đến năm 2014, cả nước mới chỉ có 265 người đăng ký hiến tạng khi không may qua đời, năm 2015 có hơn 3.200 người đăng ký, nhưng đến năm 2018 đã có gần 10.000 người đăng ký và đến nay, cả nước đã có 30.117 người đăng ký hiến tạng khi không may qua đời.

Sự tăng tốc đó cho thấy sự mở lòng rất đáng trân trọng của nhiều người về quan niệm hiến tạng để hồi sinh những cuộc đời còn chưa may mắn.

Không chỉ gia tăng về số người đăng ký hiến tạng mà số người hiến tạng trực tiếp sau khi chết não cũng tăng lên nhiều. Từ ca hiến tạng xuyên Việt đầu tiên sau khi bệnh nhân chết não vào năm 2015, đến nay, mỗi năm, đã có hàng chục người hiến tạng sau khi không may rơi vào trạng thái chết não.

Tính đến ngày 31/10/2019, cả nước đã có 4.427 ca ghép tạng, trong đó có 4.198 ca ghép thận, 185 ca ghép gan (trong đó có 65 ca ghép từ người cho chết não), 37 ca ghép tim, 5 ca ghép phổi (trong đó có 4 ca từ người cho chết não). Riêng trong năm 2019, có 14 ca ghép gan, 9 ca ghép tim từ người hiến tạng chết não.

Lãnh đạo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chia sẻ, trên thực tế, còn rất nhiều người có mong muốn hiến tạng sau khi không may qua đời để mang lại sự sống cho người khác, nhưng Trung tâm không thể lấy vì nhiều trường hợp không phải là chết não.

Hiện nay, nhiều người vẫn đang hiểu lầm giữa chết não và sống thực vật, chết não là bệnh nhân không tự thở được và bắt buộc phải có máy thở, khi bỏ phương tiện hỗ trợ, bệnh nhân sẽ tử vong. Tuy nhiên, với những trường hợp này, nếu người bệnh có mong muốn hiến tạng từ trước đó, Trung tâm có thể lấy được giác mạc để ghép cho những bệnh nhân không may mắn khác có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng, nhìn thấy bầu trời và nhìn thấy những điều tốt đẹp sau bao ngày tăm tối.

Những con số trên cũng cho thấy, rõ ràng nhận thức và hiểu biết về hiến tạng của cộng đồng đã được nâng cao hơn rất nhiều, đặc biệt từ những câu chuyện tử tế trong thời gian qua đã làm lan tỏa mạnh mẽ giá trị nhân văn này.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Bộ Y tế. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Một dòng chảy văn hóa mới!

Những câu chuyện thực tế gây xúc động mạnh mẽ với niềm tin “cho đi là còn mãi” như câu chuyện của thiên thần nhỏ Hải An, của Thiếu tá Lê Hải Ninh hay anh Dương Hồng Quý và biết bao câu chuyện tử tế khác, luôn ấm áp tình người vẫn đang hàng ngày diễn ra xung quanh chúng ta.

Câu chuyện hiến tạng của anh Ngọ Văn Soái (ở Bắc Giang) cách đây không lâu đã khiến nhiều người thay đổi suy nghĩ về nghĩa cử nhân văn “hiến tạng” cứu người.

Chị Nguyễn Thị Giang – vợ anh Ngọ Văn Soái luôn rưng rưng xúc động khi kể về câu chuyện hiến tạng của chồng. Chị chia sẻ, chỉ sau một cú ngã khi tham gia giao thông, chồng chị được đưa vào bệnh viện và rơi vào tình trạng chết não dù các bác sĩ đã nỗ lực điều trị và cứu chữa. Trong nỗi đau xót tột cùng, chị cùng gia đình quyết định hiến một trái tim, một lá gan, hai quả thận, hai giác mạc, 10 gân và ba đoạn mạch máu từ cơ thể chồng chị để hồi sinh sự sống cho rất nhiều người khác. Với chị, “sự cho đi” đó như một cách xoa dịu nỗi đau của một gia đình mất đi một người thân, của một người vợ mất chồng, của những đứa con mất cha và chị luôn tin rằng, chồng chị vẫn ở đâu đó trong cuộc đời này.

Thế nhưng, trái tim nhân hậu của chị lại bị hàng xóm đàm tiếu rằng, chị bán tạng chồng để lấy tiền, khiến các con chị còn không dám đến lớp. Vượt qua nỗi đau mất người thân, bỏ qua những đàm tiếu mà chị cho rằng đó có thể là do họ chưa biết hoặc chưa tìm hiểu về việc hiến tạng cứu người – một nghĩa cử nhân văn nối dài sự sống đang diễn ra hàng ngày, xung quanh chúng ta. Chị luôn tin rằng, quyết định đó của chị và gia đình chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình từ anh ấy. “Mặc dù, anh đã ra đi nhưng với chúng tôi, một phần cơ thể của anh vẫn tồn tại và hiện hữu”, chị Giang chia sẻ.

Ngày 25/9/2019, anh Trần Truyền Luân (ở Quảng Ngãi) run sợ khi bác sĩ gọi vào khuyên rút ống thở để anh trai Trần Truyền Nhân “ra đi” nhẹ nhàng. Trong thời khắc ấy, anh Luân đã nhớ đến lời căn dặn của anh trai là mong muốn được hiến tạng cứu người khác. Các bác sĩ vô cùng bất ngờ vì đây là lần đầu tiên, tại bệnh viện đa khoa Đà Nẵng đón nhận một ca hiến tạng đầy cảm xúc.

Anh Trần Truyền Nhân phải chạy thận nhân tạo đã 10 năm, bệnh tật đã phá hủy nội tạng của anh. Nhưng anh còn đôi mắt và giác mạc đó sẽ đem lại ánh sáng cho 2 người.

Người trực tiếp lấy giác mạc của anh Nhân là bác sĩ Nguyễn Thành Nhân chia sẻ, trước khi đưa giác mạc của anh Nhân về Huế, anh đã hứa với em trai bệnh nhân sẽ tìm hai bệnh nhân nặng nhất, gần như bị mù để ghép và đem lại ánh sáng cho họ. “Chúng tôi phải mang sự tử tế này đi xa”, bác sĩ Nguyễn Thành Nhân nói.

Đó chỉ 2 trong số rất nhiều việc tử tế đang diễn ra hàng ngày, xung quanh chúng ta. “Đó cũng là dòng chảy văn hóa mới mà chúng ta đang cùng nhau xây dựng”, ông Nguyễn Hoàng Phúc xúc động.

Dòng văn hóa đó đang chứng minh rõ ràng rằng, nhận thức và hiểu biết của cộng đồng đã nâng cao hơn rất nhiều, những câu chuyện tử tế trong cuộc đời vẫn đang diễn ra và lan tỏa những giá trị rất to lớn. Người dân đã mở lòng, đã dám trao lại một phần cơ thể của mình hoặc người thân cho ngành y tế để cứu sống nhân loại, vì họ có niềm tin về những câu chuyện tử tế nhân văn.

Thúy Hà

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/nhung-cau-chuyen-tu-te-va-su-mo-long-cua-nguoi-dan/385496.vgp