Những địa điểm linh thiêng ở chùa Hương, người trẩy hội nên chú ý

Hằng năm, cứ mỗi độ xuân sang, hàng triệu Phật tử lại nô nức trẩy hội chùa Hương, tìm về miền đất Phật cầu mong cho một năm mới ấm no, hạnh phúc, an lành.

Chùa Hương hay tên gọi đầy đủ là chùa Hương Sơn, được xây dựng từ cuối thế kỷ 17, thuộc xã Hương Sơn - huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội. Chùa Hương là quần thể thắng cảnh rải rác trong thung lũng suối Yến. Trong đó, đền Trình, chùa Thiên Trù và động Hương tích là 3 điểm đến linh thiêng nhất mà bạn nên ghé qua.

Đền Trình: Tên chữ là Ngũ Nhạc Linh. Từ tên dân gian thường gọi là Đền Trình, một di tích lịch sử văn hóa trong khu thắng cảnh Hương Sơn. Theo thuyết phong thủy, dãy núi Ngũ nhạc có hình thế một con rồng lớn, dáng núi uy nghiêm, minh đường tụ thủy, sinh khí trường tồn, từ xa xưa dân thôn đã dựng ở đầu dãy núi một ngôi đền nhỏ để thờ một vị thần Tướng đã góp công đánh giặc Ân phò Vua Hùng Huy Vương thứ VI

Chùa Thiên Trù: Chùa Thiên Trù tọa lạc trên thềm núi Lão, được xây dựng từ đời Vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497). Theo một số sử ký còn lưu lại, trong một chuyến tuần thú phương nam lần thứ hai , Vua Lê Thánh Tông cùng tướng sĩ qua vùng núi Hương Sơn nghỉ lại ở thung lũng núi Lão và cho quân lính thổi cơm ăn... Nơi đây là một thiền viện lớn để cho các tu sĩ tu tập cũng như lưu giữ kinh, luật, luận của đạo Phật.

Chùa động Tiên Sơn: Chùa động Tiên Sơn (Tiên Sơn tự), được xây vào đầu thế kỷ 20, bên trong thờ Phật Thích Ca và Bồ tát Quán Thế Âm. Từ Tiên Sơn tự, du khách có thể thưởng ngoạn và khám phá thạch động theo nhiều cửa. Bên trong mỗi hang động, bầu không khí mát lạnh lan tỏa khắp nơi.

Động Hương Tích: Động Hương Tích là trung tâm của khu thắng cảnh chùa Hương. Đây là đích dừng chân của mọi du khách khi đến chùa Hương để bái lễ Bồ tát Quan Thế Âm, cầu cho một năm no ấm đủ đầy. Động Hương Tích còn được ví là “Nam thiên đệ nhất động”. Từ cửa động đi xuống động là 120 bậc đá kê không trát mặt, đôi bên là cây rừng cao vút như đón ta với cả tấm lòng ngay thẳng. Theo truyền thuyết phong thủy, động Hương Tích là miệng một con rồng lớn, núi Đụn Gạo là Lưỡi Rồng.

Chùa Giải Oan: Chùa Giải Oan - một di tích và thắng cảnh “du sơn trong mây ngàn”. Chùa ẩn mình giữa những rừng cây soi bóng và tựa lưng vào núi, phía trước là dòng suối Giải Oan. Mặc dù được trùng tu nhiều lần nhưng chùa vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính, uy nghi nổi bật giữa nền xanh của núi rừng Yên Tử. Đặc biệt, các pho tượng bên trong chánh điện đều cổ xưa, nét chạm khắc tinh xảo. Nhiều người đến đây để đốt lên một vài nén nhang tưởng nhớ đến người xưa và tìm sự thanh thản cho tâm hồn.

Đền Trấn Song: Đền Trấn Song thường gọi là đền Cửa Võng. Xưa nơi đây chỉ là một ngôi miếu nhỏ do dân làng Yến Vỹ xây dựng lên từ thủa xa xưa để thờ bà “Chúa Rừng” có tên hiệu là “Thượng Ngàn Vân Hương Công Chúa Lê Mại Thánh Mẫu". Bà Chúa Rừng được nhân dân sở tại tôn vinh như một đấng siêu phàm hiện thân ở núi rừng nhiều của cải. Mặt khác khi thờ Bà đân làng cầu mong Bà Chúa phù hộ cho cư dân gặp nhiều may mắn khi đi vào rừng làm nương hái lượm. Ngôi đền này không những là cảnh đẹp của chùa Hương mà còn là nơi lưu giữ những dấu ấn văn hóa, lịch sử của dân tộc. Năm 1958, khi Bác Hồ ghé thăm chùa Hương đã nghỉ trưa tại đây.

Duy Chung

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-dia-diem-linh-thieng-o-chua-huong-nguoi-tray-hoi-nen-chu-y-post181225.html