Những hồ chứa nước lớn nhất thế giới đang bị thu hẹp đáng kể

Theo một nghiên cứu mới, hơn 1/2 số lượng hồ và các hồ chứa lớn nhất thế giới đã mất đi lượng nước đáng kể trong 3 thập kỷ qua, nguyên nhân chủ yếu là do biến đổi khí hậu và sử dụng nước quá mức.

Số lượng hồ chứa nước giảm đáng kể

Theo nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học quốc tế, được công bố trên tạp chí Science ngày 18/5, ước tính có khoảng 1/4 dân số thế giới sống quanh khu vực các hồ nước đang trở nên khô cạn. Mặc dù các hồ chỉ chiếm khoảng 3% diện tích hành tinh nhưng lại chứa khoảng 90% lượng nước ngọt trên bề mặt lỏng và là nguồn cung cấp nước uống, thủy lợi và năng lượng thiết yếu, đồng thời chúng cung cấp môi trường sống quan trọng cho động vật và thực vật.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNN

Tuy nhiên những hồ chứa nước này đang gặp nhiều vấn đề. Mực nước hồ dao động nhằm đáp ứng sự thay đổi khí hậu tự nhiên trong mưa và tuyết rơi nhưng ngày càng bị ảnh hưởng bởi tác động của con người.

Trên khắp thế giới, các hồ nước lớn đang giảm đi nguồn nước. Hồ Mead của sông Colorada ở Tây Nam Mỹ đã rút đi đáng kể do tác động của hạn hán và hàng thập kỷ sử dụng nước quá mức. Biển Caspi, nằm giữa châu Á và châu Âu – vùng nước nội địa lớn nhất thế giới từ lâu đã suy giảm mạnh do biến đổi hậu và sử dụng nước.

Bà Fangfang Yao, tác giả chính của nghiên cứu và là học giả thỉnh giảng tại Viện Hợp tác Nghiên cứu Khoa học Môi trường tại Đại học Colorado Boulder cho biết việc thu hẹp các hồ chứa nước đã được ghi chép rõ ràng, nhưng mức độ thay đổi - và lý do đằng sau nó - chưa được kiểm tra kỹ lưỡng.

Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã sử dụng công cụ đo vệ tinh ở khoảng 2000 hồ và hồ chứa lớn nhất thế giới, chiếm 95% tổng sản lượng nước hồ trên Trái đất. Chương trình kiểm tra trên hơn 250.000 hình ảnh vệ tinh từ năm 1992 đến năm 2020, cùng với các mô hình khí hậu. Các nhà nghiên cứu có thể mô phỏng lại lịch sử của các hồ trong nhiều thập kỷ trước. Các báo cáo đều nêu bật những kết quả thật "đáng kinh ngạc". Nghiên cứu đã phát hiện ra 53% hồ và các hồ chứa đã bị mất một lượng nước đáng kể, ước tính mức giảm ròng khoảng 22 tỷ mỗi năm. Khoảng 1/2 lượng nước bị thất thoát trong các hồ tự nhiên có thể do các hoạt động của con người và biến đổi khí hậu.

Những phát hiện mới

Báo cáo cũng cho thấy những tổn thất trữ lượng nước hồ xảy ra ở khắp mọi nơi, kể cả ở vùng nhiệt đới ẩm và Bắc Cực lạnh giá. Điều này cho thấy xu hướng khô hạn trên khắp thế giới rộng hơn so với suy nghĩ trước đây.

Báo cáo cũng ghi nhận việc tiêu thụ nước không bền vững là lý do chính đáng đằng sau sự co lại của Biển Aral ở Uzbekistan và Biển Salton ở California, trong khi những thay đổi về lượng mưa và dòng chảy đã dẫn đến sự suy giảm của Hồ Great Salt. Ở Bắc Cực, các hồ đã bị thu hẹp do sự kết hợp của những thay đổi về nhiệt độ, lượng mưa, sự bốc hơi và dòng chảy.

"Nhiều tác động của con người và biến đổi khí hậu đã gây ra việc mất nước ở hồ - hiện tượng chưa từng được biết đến trước đây, chẳng hạn như sự việc khô hạn ở Hồ Good-e-Zareh, Afghanistan và Hồ Mar Chiquita, Argentina.

Biền đổi khí hậu có thể xảy ra một loạt các tác động đối với hồ, rõ ràng nhất là tăng sự bay hơi. Nghiên cứu cũng cho thấy khi các hồ thu nhỏ lại có thể góp phần làm khô cằn khu vực sông xung quanh, từ đó làm gia tăng sự bốc hơi và đẩy nhanh quá trình suy giảm. Ở các hồ lạnh hơn trên thế giới, hiện tượng bốc hơi vào mùa đông là vấn đề ngày càng gia tăng do nhiệt độ ấm hơn làm tan lớp băng thường bao phủ, khiến nước tiếp xúc với khí quyển. Những thay đổi này có thể có tác động theo tầng, bao gồm giảm chất lượng nước, tăng tảo dộc nở hoa và mất đời sống thủy sinh.

"Sự suy giảm chất lượng nước ở các hồ do khí hậu ấm hơn, gây áp lực lớn cho nguồn cung cấp nước ở cộng đồng sống dựa vào chúng", bà Yao nói.

Đối với các hồ chứa, báo cáo cũng cho thấy yếu tố lớn nhất dẫn đến sự suy giảm lượng nước trong hồ là quá trình bồi lắng, nơi trầm tích chảy vào nước, làm tắc nghẽn và giảm không gian.

"Điều này cũng được xem là thảm họa leo thang, xảy ra trong nhiều năm và nhiều thập kỷ. Chẳng hạn như hồ Powell – hồ chứa nhân tạo lớn thứ hai ở Mỹ - đã mất khoảng 7% dung lượng lưu trữ do tích tụ trầm tích", bà Yao nói.

Quá trình lắng đọng có thể bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Chẳng hạn như cháy rừng đang trở nên dữ dội hơn khi thế giới nóng lên, thiêu rụi các khu rừng và làm mất ổn định đất, góp phần làm tăng dòng chảy trầm tích vào các hồ và hồ chứa.

"Kết quả của quá trình bồi lắng sẽ là do các hồ chứa sẽ có khả năng chứa ít nước hơn và ảnh hưởng đến việc cung cấp nước ngọt và năng lượng thủy điện, đặc biệt là ở Mỹ do các hồ chứa đã khá cũ", bà Yao nói thêm.

Tuy nhiên, không phải tất cả các hồ đều suy giảm lượng nước, báo cáo cho thấy khoảng 1/3 số lần sụt giảm nước ở hồ đều được bù đắp bởi sự gia tăng ở những nơi khác. Một số hồ đang phát triển, với 24% hồ có lượng nước dự trữ tăng đáng kể. Báo cáo ghi nhận những hồ này thường xuất hiện ở những khu vực ít dân cư hơn, bao gồm các khu vực ở Đồng bằng lớn phía bắc của Bắc Mỹ và Cao nguyên Tây Tạng bên trong. Bà Catherine O'Reilly, Giáo sư địa chất tại Đại học bang Illinois, người không tham gia nghiên cứu cho biết nghiên cứu mới cung cấp bộ dữ liệu dài hạn hữu ích, giúp gỡ rối các nguy cơ gây ra suy giảm số lượng hồ.

"Nghiên cứu thực sự nhấn mạnh tác động của khí hậu, trong đó là khả năng tiếp cận số lượng nước và các lựa chọn để tăng lượng dự trữ nước", bà Catherine O'Reilly nói.

Bên cạnh đó, Giáo sư Yao cũng cho rằng khi nhiều nơi trên thế giới trở nên nóng hơn và khô hơn thì các hồ phải được quản lý đúng cách. Nếu không, biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người "có thể dẫn đến khô hạn sớm hơn chúng ta nghĩ"./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nhung-ho-chua-nuoc-lon-nhat-the-gioi-dang-bi-thu-hep-dang-ke-2023051910523307.htm