Những nữ đảng viên người dân tộc thiểu số tiên phong. Bài 1: Đẩy lùi hủ tục

Người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô thuộc các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh có nhiều phong tục, tập quán tốt nhằm gắn kết cộng đồng dân cư, hướng con người đến những điều đẹp đẽ, tuy nhiên, vẫn còn đó những hủ tục, mê tín dị đoan. Những năm gần đây, đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện và nâng cao; các hủ tục dần được xóa bỏ. Để đạt được kết quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của những đảng viên nữ người dân tộc thiểu số đã vượt qua rào cản để không còn những nỗi đau dai dẳng từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Nỗ lực tuyên truyền, vận động dân bản

“Năm 1982, tôi tốt nghiệp hệ trung cấp y sĩ đa khoa, Trường Cao đẳng Y tế Huế. Ngay sau khi ra trường, tôi có quyết định làm việc tại Bệnh viện Khu vực 2, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cuối năm này, tôi trở về thăm nhà. Lúc bấy giờ, cuộc sống của người dân trong bản quá khó khăn, xã chưa có trạm y tế, bệnh viện huyện cách xa hơn 30 km (lúc bấy giờ xã Mò Ó thuộc huyện Hướng Hóa), bệnh viện tỉnh thì cách hơn 41 km. Mỗi khi đau ốm bệnh tật, họ tìm đến nhờ thầy mo cúng bái.

Đặc biệt, phụ nữ mỗi khi gần đến ngày sinh nở thì phải nằm ở ngoài rẫy hay bìa rừng một mình để tự vượt cạn. Từ cuối năm 1982 đến đầu 1983, ở bản tôi có 5 trường hợp tử vong vì sót nhau, nhiễm trùng sau sinh. Xót xa quá, đau đớn quá nên tôi quyết định ở lại quê để giúp bà con nơi đây thay đổi lối sống”, bà Hồ Thị Thanh (sinh năm 1962), đảng viên, người có uy tín ở thôn Phú Thiềng, xã Mò Ó, huyện Đakrông mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.

Bà Hồ Thị Thanh, người có uy tín ở thôn Phú Thiềng, xã Mò Ó (thứ 3 từ trái qua) thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân - Ảnh: T.T

Bà Thanh nhớ lại, quãng thời gian 30 - 40 năm về trước, đồng bào Vân Kiều, Pa Kô vẫn giữ tập tục khi phụ nữ gần đến ngày sinh, gia đình nhà chồng dựng một cái chòi ở trong rừng hoặc ngoài rẫy. Đến lúc trở dạ, người phụ nữ một mình vào nằm trong cái chòi ấy để tự sinh đẻ. Trong điều kiện mất an toàn lại thiếu sự chăm sóc, hỗ trợ của người thân nên nhiều trường hợp xảy ra sự cố đáng tiếc dẫn đến tử vong.

Nếu người mẹ mất ngay sau khi sinh con thì đứa con đó cũng bị chôn sống theo người mẹ. Họ quan niệm, nếu đứa trẻ đó còn sống thì sẽ mang lại điều không may cho bản làng. Được học tập ngành y và tiếp xúc với môi trường văn minh, tiến bộ, bà Thanh hiểu được rằng quan niệm đó hoàn toàn sai lầm. Vì thế, bà nỗ lực làm công tác tư tưởng, tuyên truyền, vận động dân bản đưa các bà mẹ vào nhà sinh nở, nếu chẳng may sản phụ mất thì gia đình phải giữ đứa con - cốt nhục của gia đình để nuôi nấng, chăm sóc.

Bà tìm gặp, nhờ già làng, trưởng bản khuyên nhủ, vận động người dân. Nhờ sự nỗ lực ấy, bà Thanh đã cứu sống được 5 trẻ khỏi bị chôn sống cùng mẹ. Nay, những đứa trẻ ấy đều đã trưởng thành và lập gia đình.

“Tôi còn nhớ, một sáng mùa đông năm 1983, tôi nghe vài người phụ nữ đi làm rẫy trở về bảo với nhau rằng, có một sản phụ vào rừng sinh đã 3 ngày nhưng vẫn chưa xong (theo tập tục, phụ nữ vào rừng tự sinh nở, trong vòng 3 ngày phải đem con về lại nhà chồng). Nghe thấy vậy, tôi lập tức đến nhà đó hỏi vị trí cái chòi rồi chạy nhanh đến nơi người phụ nữ nằm một mình giữa rừng. Những ngày ấy trời mưa lạnh lắm. Khi tôi đến nơi thì cháu bé sơ sinh đã tắt thở, người mẹ yếu ớt nằm thoi thóp. Tôi chỉ kịp cứu sống người mẹ”, bà Thanh kể.

Ít hôm sau, gia đình này mang gà đến cảm tạ công ơn của bà Thanh nhưng bà chỉ nhận tấm lòng và bảo người nhà làm thịt con gà nấu cháo bồi dưỡng cho sản phụ kia.

Những năm 1984 - 1985, dịch sốt xuất huyết, sốt rét, sởi bùng phát mạnh tại địa bàn các huyện miền núi nói chung, xã Mò Ó nói riêng. Người dân nơi đây vẫn tin vào thầy mo nên mỗi khi trong nhà có người đau ốm đều tìm đến thầy mo nhờ cúng bái. Hậu quả, bệnh không thuyên giảm lại tốn kém thêm chi phí.

Một hôm, biết tin một gia đình trong thôn có 2 cháu nhỏ bị sởi nặng, có thể không qua khỏi, bà Thanh tìm đến để vận động gia đình đưa các cháu đến bệnh viện chữa trị. Ban đầu, gia đình này không chịu để các con đi bệnh viện mà nhất quyết tin vào lời thầy mo, cúng bái sẽ khỏi. Sau một hồi vận động, thuyết phục, bà Thanh đã đưa được 2 cháu tới bệnh viện tỉnh cấp cứu. Tuy nhiên, vì đến bệnh viện quá trễ nên các bác sĩ chỉ cứu được 1 cháu, cháu còn lại tử vong trên đường đi cấp cứu.

Với tấm lòng nhân từ, mong muốn cứu người và nghiệp vụ y tế vững vàng, tiếng nói của bà Thanh ngày càng có trọng lượng hơn. Dân bản tin tưởng vào y học hiện đại và quý mến bà hơn. Tiếng lành đồn xa, người dân ở các xã lân cận như Ba Lòng, Triệu Nguyên... đều tìm đến bà khi đau ốm hoặc có người sắp sinh.

Nhận thấy việc chăm sóc sức khỏe cho dân bản tại nhà của bà Thanh gặp nhiều khó khăn nên vào năm 1987, UBND xã Mò Ó giao cho bà một phòng tại trụ sở UBND xã để làm phòng khám, chữa bệnh. “Khi đã có phòng khám bệnh, người dân tìm đến thăm khám bệnh nhiều hơn. Hễ gia đình có người ốm là họ tìm đến mình chứ không tìm đến thầy mo như trước nữa. Đối với những bệnh nặng, tôi cho chuyển lên bệnh viện tuyến trên kịp thời. Nhờ vậy, trong xã không còn trường hợp tử vong do mắc sởi, sốt rét, sốt xuất huyết nữa”, bà Thanh nói.

Năm 1990, huyện Hướng Hóa đầu tư xây dựng Trạm Y tế khu vực Km41 tại Km41, Quốc lộ 9. Bà Thanh được phân công làm trưởng trạm. Lúc bấy giờ, phụ cấp mỗi tháng của bà được khoảng 300 ngàn đồng. Mặc dù cuộc sống gia đình còn nhiều vất vả nhưng bà thường dành số tiền này để hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Điều may mắn với bà Thanh là luôn có người chồng đồng hành, hỗ trợ về mọi mặt. Sau đó, cấp trên điều thêm 1 bác sĩ và 2 y tá về Trạm Y tế khu vực Km41 nên công tác khám chữa bệnh cho người dân dần ổn định hơn.

Tháng 1/1997, huyện Đakrông được thành lập, Trạm Y tế khu vực Km41 được trưng dụng làm Trung tâm Y tế của huyện. Trong thời gian này, bà Thanh chuyển về lại xã Mò Ó và được một hội từ thiện ở tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ xây dựng trạm xá tại thôn Phú Thiềng. Vì trung tâm y tế cơ sở hạ tầng thiếu thốn, chưa có phòng điều trị nên đối với các bệnh nhân nội trú, trung tâm y tế huyện lại chuyển về điều trị tại Trạm y tế xã Mò Ó do bà Thanh làm trưởng trạm. Huyện Đakrông điều thêm 1 nữ hộ sinh, 1 y tá và 1 y sĩ về hỗ trợ bà Thanh.

Năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định 114/2003/NĐ-CP về cán bộ công chức cấp xã. Bà Thanh được cấp trên điều động và bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND xã Mò Ó. Từ năm 2005 - 2015, bà Thanh làm Chủ tịch UBND xã rồi Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã; Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã. Vì hoàn cảnh gia đình nên tháng 7/2015, bà xin nghỉ hưu trước tuổi. Từ tháng 4/2020, bà đảm trách vị trí Phó Chủ tịch Hội Đông y huyện Đakrông. Với sự nỗ lực của bà và ban chấp hành hội nhằm lưu giữ, phát huy giá trị của các bài thuốc truyền thống quý của dân tộc, đến nay hội viên đã tăng lên 50 người là những thầy thuốc ở các thôn, bản trên địa bàn.

“Tôi được kết nạp vào Đảng từ năm 2003, được bầu là người có uy tín từ năm 2018. Bản thân tôi và đồng bào Pa Kô, Vân Kiều luôn biết ơn Đảng và Nhà nước. Chúng tôi được mang họ Hồ của Bác, được Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ nhiều mặt trong công tác cũng như đời sống. Là đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng, tôi luôn nỗ lực để tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ các hủ tục, không mê tín dị đoan, gìn giữ và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào. Đồng thời, chuyển tải những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với rộng rãi Nhân dân.

Mỗi khi trong thôn, xã có những vấn đề tạo dư luận không tốt, tôi chủ động xác minh rồi trao đổi với lãnh đạo xã, thôn để phối hợp giải quyết. Khi có các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, tôi tham gia ý kiến, góp ý với chính quyền các cấp, nói lên tiếng nói của người dân... Nhờ vậy, nhiều năm qua, tình hình an ninh trật tự trong thôn, xã luôn đảm bảo, không có tình trạng đơn thư, khiếu nại vượt cấp, bà con làng xóm sống chan hòa, yêu thương nhau”, bà Thanh cho hay.

Thực hiện nếp sống văn minh

Từ nhiều ngày trước, bà Hà Thị Học (sinh năm 1959) ở thôn Khe Hà, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông phải đi đến nhiều gia đình trong thôn để liên hệ thuê hoặc nhờ những người khỏe mạnh đến gặt lúa giúp bà. Tranh thủ lúc ngơi tay, bà Học nói: “Phải tranh thủ những ngày cuối tuần thì mới nhờ dân bản đến phụ gặt lúa được. Người dân trong thôn tôi là vậy, mỗi khi đến mùa gặt, chúng tôi giúp nhau đỡ đần công việc nặng nhọc. Hiện nay, tôi có 6 sào lúa nước, 3 ha rừng tràm, 1 ha sắn, nuôi 2 con bò, 30 con lợn... Nhờ trồng trọt, chăn nuôi mà tôi có tiền làm nhà và nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn”.

Bà Hà Thị Học (ngoài cùng bên trái) ở thôn Khe Hà, xã Hướng Hiệp động viên dân bản làm ăn, phát triển kinh tế gia đình - Ảnh: T.T

Bà Học được biết đến là một đảng viên gương mẫu, người có uy tín ở thôn Khe Hà. Từ năm 1985, bà làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Hà Bạc (nay là thôn Khe Hà). Từ năm 1995 - 2005, bà làm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hướng Hiệp, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã và tham gia Dự án giảm nghèo miền Trung. Từ năm 2007 - 2012, bà làm Bí thư Chi bộ thôn Khe Hà. Từ năm 2013 đến nay, bà được bầu là người có uy tín ở thôn Khe Hà.

Trước đây, ở thôn Khe Hà nói riêng, xã Hướng Hiệp nói chung tồn tại những hủ tục như: Kết hôn cận huyết thống, tảo hôn; phụ nữ gần đến ngày sinh phải tự mình ra rẫy để sinh đẻ; việc cưới, việc tang lễ nghi rườm rà, nhiều thủ tục gây tốn kém, lãng phí.

“Bản thân tôi là phụ nữ nên hiểu được nỗi khổ cực của phụ nữ khi sinh đẻ một mình trong chiếc chòi hoang lạnh giữa núi rừng. Trẻ em gái khi vừa lớn lên, tâm sinh lý chưa ổn định, vững vàng mà đã đi lấy chồng. Về nhà chồng phải chịu nhiều khổ cực vì bất bình đẳng giới... Những vấn đề này gây ra nhiều hệ lụy, mà người phụ nữ là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Vì thế, tôi quyết tâm góp chút sức lực của mình nhằm thay đổi những hủ tục này”, bà Học nói.

Để ý định trở thành hiện thực, bà Học chủ động học hỏi nhiều nơi qua sách báo, ti vi nhằm tích lũy kiến thức. Tiếp đó, bà tìm đến các già làng, trưởng bản để trao đổi, cùng họ tuyên truyền, vận động dân làng từ bỏ các hủ tục có hại cho sức khỏe, suy thoái giống nòi, gây lãng phí, ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân cư. Chưa dừng lại ở đó, bà Học còn chủ động tìm đến cấp ủy, ban điều hành thôn, mặt trận và các đoàn thể để đặt vấn đề phối hợp tuyên truyền, vận động người dân thay đổi lối sống.

Để người dân nghe và làm theo, bà Học lấy bản thân mình làm gương. Bà Học lấy chồng năm 23 tuổi. Vợ chồng bà sinh được 5 người con gái. Chồng mất cách đây hơn 20 năm nên một mình bà vừa làm cha, vừa làm mẹ nuôi các con nên người, ăn học tới nơi, tới chốn. Các con của bà đều lập gia đình ngoài độ tuổi 20 và hiện có công việc ổn định, làm giáo viên, cán bộ nhà nước. Điều đáng nhắc đến là các con của bà đều là đảng viên, có cuộc sống ổn định.

Bà Học cặm cụi làm, gặp khó ở đâu thì gỡ ở đấy. Việc nào ngoài tầm tay, bà tìm đến cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể để nhờ giúp đỡ. Cứ thế, ngày này qua tháng khác những đóng góp thầm lặng của bà đã góp phần thay đổi nhận thức, lối sống của người dân trong thôn. Nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Khe Hà ngày càng được cải thiện và nâng cao. Thanh niên chí thú làm ăn, trẻ em được đến trường đầy đủ, dân bản đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Các tập tục lạc hậu, không phù hợp dần được xóa bỏ, thay vào đó là nếp sống văn minh, lành mạnh.

Trần Tuyền

Bài 2: Đi đầu trong phát triển kinh tế

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=170600&title=nhung-nu-dang-vien-nguoi-dan-toc-thieu-so-tien-phong-bai-1-day-lui-hu-tuc